Yêu cầu khách quan nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Miền Đông Nam bộ trong quá trình CNH, HĐH

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH doc (Trang 38 - 46)

Nam bộ trong quá trình CNH, HĐH

Quá trình CNH, HĐH đặt ra đối với nguồn nhân lực Vùng ĐNB các yêu cầu chính sau đây:

- Nguồn nhân lực trong quá trình CNH, HĐH dưới tác động của cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức cùng với đòi hỏi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững đang đặt ra những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực của cả nước nói chung và Vùng ĐNB nói riêng trong việc khai thác và phát huy tiềm năng tri thức con người. Do đó phải tăng cường đào tạo lao động chuyên môn kỹ thuật các cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học). Để thực hiện được yêu cầu

này, giáo dục phổ thông có vai trò quan trọng trong tạo nguồn đầu vào cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn - kỹ thuật. Nhận thức được vai trò của giáo dục và đào tạo trong quá trình CNH, HĐH đất nước, Đảng ta xác định “Nâng cao giáo dục toàn diện; đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, nội dung, phương pháp dạy và học; thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam”[13, tr 95]. Yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức của nước ta và phát triển nhanh của khoa học - công nghệ đã làm biến đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động xã hội theo hướng tăng tỷ trọng của lao động trí tuệ, làm cho lao động trí tuệ trở thành nhân tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển kinh tế.

- Nguồn nhân lực trình độ cao, Vùng ĐNB với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, khả năng phát triển KT - XH của Vùng ĐNB có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển KT - XH nước ta. Quá trình đó đòi hỏi phải giải quyết các yêu cầu sau:

Thứ nhất, yêu cầu của mục tiêu hình thành một xã hội và một nền kinh tế phát triển, chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có phẩm chất cao về kỹ năng và phong cách.

Thứ hai, yêu cầu của chính sự lựa chọn mô hình CNH, HĐH của Việt Nam theo phương thức phát triển rút ngắn, “đi tắt, đón đầu”, tạo vị thế vững chắc trong phân công lao động quốc tế và khu vực. Do vậy, điều kiện tiên quyết là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đối với Vùng ĐNB, điều này càng đặt ra yêu cầu cao hơn nữa.

Thứ ba, yêu cầu vượt khỏi tình trạng kém phát triển về kinh tế hiện nay, mà trong đó, một tiềm năng lớn về nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung và ở Vùng ĐNB nói riêng vẫn còn đang bị lãng phí nghiêm trọng.

Đáp ứng yêu cầu đó, đòi hỏi Vùng ĐNB phải phát triển và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao. Nhân lực trình độ cao được hiểu là nhân lực có kiến thức, kỹ năng, ý tưởng chuyên môn, kỹ thuật, khả năng làm việc độc lập, sáng tạo; có năng lực tổ chức, quản lý các quá trình lao động; có phẩm chất đạo đức tốt, kinh nghiệm ở mức độ cao. Đối với Vùng ĐNB, việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho phép Vùng ĐNB khai thác hiệu quả lợi thế về KT - XH, điều kiện thiên nhiên,… trong quá trình CNH, HĐH. Quá

trình này đòi hỏi lực lượng sản xuất phải phát triển ở trình độ cao hơn, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định, nó trở thành nhân tố trung tâm trong việc xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và hiện đại của Vùng ĐNB, từ đó phát huy tiềm năng của mình trong cạnh tranh quốc tế cũng như việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Cơ cấu lao động hiện đại, phù hợp định hướng phát triển Vùng ĐNB hiện đại - trung tâm thương mại, tài chính, khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Trong chiến lược phát triển KT - XH, Vùng ĐNB phải chuyển dịch nhanh sang cơ cấu kinh tế hiện đại, tập trung vào 2 ngành công nghiệp và dịch vụ. Đây là một cơ cấu kinh tế tất yếu trong quá trình phát triển của vùng, nó đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế hiện đại, nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao; cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế trong từng giai đoạn phát triển. Cơ cấu lao động được xem xét trên nhiều phương diện: trong bản thân của nguồn nhân lực (cơ cấu trình độ - kỹ thuật, độ tuổi, giới,…), theo các ngành kinh tế, thành phần kinh tế, vùng kinh tế và trình độ công nghệ trong điều kiện đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Trong sự nghiệp đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH của vùng ĐNB, đội ngũ doanh nhân đóng vai trò động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ và năng lực phát triển kinh tế vùng, tiến đến xác lập một cơ cấu kinh tế hiện đại. Đây là lực lượng có đủ năng lực và tâm huyết trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có năng lực cạnh tranh toàn cầu phải được hun đúc, phải định vị những giá trị cho họ, do đó phải tìm cách vừa tôn vinh họ, vừa giúp họ xây dựng được những tiêu chí, chuẩn mực. Muốn thế, phải xây dựng một đội ngũ doanh nhân có văn hóa. Doanh nhân có văn hoá không chỉ là những người kinh doanh buôn bán bình thường mà phải có triết lý làm giàu, có lý tưởng cao rộng trong kinh doanh không chỉ dừng lại ở lợi nhuận mà còn gắn kết với vinh quang dòng họ, với quê hương, gắn kết với lợi ích của dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường mà nòng cốt của nó chính là các nhà doanh nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là vai trò của doanh nhân được đề cao trong xã

hội, sứ mệnh phát triển kinh tế, ổn định xã hội một phần không nhỏ được đặt lên vai cộng đồng các doanh nghiệp. Để hoàn thành, khẳng định được vai trò của mình nhà doanh nghiệp cần phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định mà xã hội yêu cầu, trước tiên là phải có được văn hoá kinh doanh. Bởi văn hoá kinh doanh được đánh giá là nền tảng tinh thần, là linh hồn cho hoạt động kinh doanh của một xã hội, một quốc gia. Văn hoá kinh doanh của mỗi dân tộc được hình thành ngay từ khi xuất hiện hoạt động kinh doanh trong đời sống xã hội của dân tộc đó. Vì vậy, tự nó là một nhu cầu của văn minh thị trường và là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển.

Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho giới công thương động viên họ tham gia Công Thương cứu quốc đoàn. Trong bức thư lịch sử này - Người viết: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng".

1.5. Kinh nghiệm các nước về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trên thế giới có rất nhiều quốc gia đạt được thành công trong tăng trưởng và phát triển kinh tế nhờ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Do vậy việc nghiên cứu kinh nghiệm của những nước này không chỉ góp phần luận chứng các luận điểm đã nêu ở trên mà còn cung cấp bài học bổ ích vận dụng trong quá trình CNH, HĐH hiện nay ở Việt Nam nói chung và Vùng ĐNB nói riêng. Những kinh nghiệm quan trọng được rút ra qua việc khảo cứu là:

Thứ nhất, lựa chọn phát triển nguồn nhân lực là trọng tâm của quá trình công nghiệp hóa và thực hiện có hiệu quả chiến lược này. Nội dung quan trọng trong chiến lược này là đầu tư, cải cách hệ thống giáo dục nhờ đó tạo nên nguồn lao động có chất lượng cao, đủ sức tiến hành công nghiệp hóa.

Trường hợp của Nhật. Bại trận trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, nền kinh tế rơi vào tình cảnh thiếu thốn, tụt hậu về kỹ thuật so với các nước phương Tây. Một trong những chiến lược phục hồi của Nhật là cải cách hệ thống giáo dục để đào tạo lực lượng lao động không chỉ có năng lực tiếp thu thành tựu khoa học – kỹ thuật thế giới mà còn có khả năng phát triển, ứng dụng sáng tạo và thực tế. Luật giáo dục năm 1947 của Nhật chỉ rõ

giáo dục được coi là nhiệm vụ của quốc gia và là quyền cơ bản của người dân Nhật. Nền giáo dục được thể chế hóa theo hướng dân chủ hơn nhằm phục vụ một xã hội phát triển, thái bình, dân chủ. Chương trình học được các trường soạn thảo riêng trên cơ sở các môn do Bộ giáo dục qui định. Nội dung chủ yếu hướng vào mục tiêu thực dụng là đào tạo nhân công lao động có kiến thức phổ thông, tiếp thu và sử dụng các công nghệ nhập khẩu cũng như rất chú ý giáo dục nhân cách, kỷ luật. Hệ thống giáo dục này luôn đặt cao địa vị người thầy, người có học vấn.

Giống như Nhật, các nước Đông Á khác cũng nhận thức rằng muốn tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống chỉ có một con đường là biến đất nước mình thành một xã hội học tập cao. Do vậy họ đều đã ưu tiên đầu tư để phổ cập giáo dục THCS, THPT và có tỷ lệ học sinh ở độ tuổi 20-24 vào đại học cao. Do vậy ngân sách đầu tư cho giáo dục rất lớn, thậm chí còn cao hơn cả ngân sách quốc phòng như Singapore là trường hợp ví dụ. Ngay sau ngày độc lập, Ông Lý Quang Diệu đã đề ra mục tiêu: “Biến Singapore thành một xã hội học vấn cao, giáo dục chính là chìa khóa để nâng cao đời sống và là động lực thúc đẩy xã hội phát triển”. Quan điểm này được Chính phủ ủng hộ trên mọi phương diện: ngân sách được ưu tiên, đào tạo toàn diện kết hợp khoa học kỹ thuật và văn hóa truyền thống, trường học mở rộng với tất cả ai có điều kiện học tập. Do vậy hệ thống trường đại học cao đẳng, viện nghiên cứu có mật độ cao trong một quốc gia nhỏ bé, trong đó một số trường trở nên nổi tiếng trong khu vực.

Thứ hai, Nhà nước giữ vai trò điều phối giữa sự thay đổi kết cấu kinh tế và điều chỉnh mục tiêu giáo dục theo từng giai đoạn: (i) trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa chú trọng phát triển mạnh giáo dục phổ thông, nâng cao kiến thức văn hóa chung cho mọi người, chú trọng giáo dục dạy nghề, tỷ lệ học sinh học nghề và chuyên nghiệp cao trong tổng số học sinh; (ii) khi GDP/ người tăng lên thì đầu tư vào kỹ thuật công nghệ cao qua đầu tư cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao kiến thức chuyên sâu cho nguồn nhân lực. Điều này thể hiện rất rõ trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của các nước Đông Á. Thời kỳ chuẩn bị công nghiệp hóa các nước này chú ý mở rộng diện giáo dục, đào tạo trong mọi tầng lớp dân chúng. Họ chú ý đến trình độ giáo dục trung học chuyên nghiệp, dạy nghề để phát triển và tạo thành đội ngũ công nhân lành nghề. Họ cho

rằng thời kỳ đầu công nghiệp hóa cần có đội ngũ công nhân lành nghề giỏi tiếp thu công nghệ phương Tây và triển khai ứng dụng nó. Các nước này xem việc gửi và khuyến khích học nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sinh viên châu Á du học tại Mỹ và phương Tây tăng vọt. Sau khi tốt nghiệp phần đông họ trở về nước trở thành lực lượng lao động quí của mỗi quốc gia. Nhờ đội ngũ trí thức lớn, chất lượng tốt có khả năng tiếp thu vốn tri thức mới và công nghệ tiên tiến, các nước châu Á có khả năng rút ngắn thời gian công nghiệp hóa. Trong thực tế nhiều nước chỉ cần 50 năm đạt được nền công nghiệp mà châu Âu phải mất cả trăm năm. Ví dụ như trường hợp của Hàn Quốc, thời gian đầu công nghiệp hóa tập trung phát triển tiểu học và trung học để hình thành đội ngũ công nhân lành nghề. Thập kỷ 80, Hàn Quốc dành cho giáo dục trung học khoảng 80% ngân sách giáo dục đào tạo, nhờ đó tạo ra đội ngũ công nhân lành nghề. Cho đến đầu thập kỷ 90, giáo dục đại học mới được tập trung đầu tư kinh phí. Hiện nay Hàn Quốc rất coi trọng giáo dục năng khiếu và lựa chọn tài năng, cũng như đặc biệt coi trọng tuyển chọn sinh viên vào các lĩnh vực công nghệ, đưa sinh viên giỏi ra nước ngoài học tập. Toàn bộ hoạt động giáo dục của nước này được thể chế hóa thành luật, phân cấp rõ ràng trong tổ chức và quản lý.

Về kinh nghiệm giáo dục dạy nghề thì các nước châu Âu mà điển hình là Đức là ví dụ rất đáng học tập. Tại Đức, số học sinh không học lên đại học, ở lứa tuổi 15-17 được học tại các trường dạy nghề kết hợp học văn hóa. Sau 3 năm nếu học sinh vượt qua được kỳ kiểm tra tay nghề sẽ được học thêm một số môn trong vài năm về quản trị kinh doanh, luật, kỹ thuật... để có thể tự lập doanh nghiệp riêng. Đây chính là điểm quan trọng đưa nền kinh tế Đức đến thành công.

Việc lựa chọn thời điểm để mở rộng qui mô giáo dục đại học cũng thể hiện rất rõ trong chính sách giáo dục của nhiều nước phát triển. Nước Mỹ chỉ mở rộng qui mô giáo dục đại học mạnh mẽ sau khi đã phổ cập giáo dục cơ bản, phát triển giáo dục trung học và dạy nghề.

Thứ ba, tăng nhanh việc làm, giảm thất nghiệp thông qua ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp dùng nhiều lao động trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa với các chính sách khuyến khích phát triển mọi thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

qui mô vừa và nhỏ phát triển và đặc biệt ưu tiên phát triển CNH, HĐH nông thôn. Sau năm 1945, Nhật có chiến lược tận dụng tối đa nguồn nhân lực, phát triển kinh tế theo hướng đòi hỏi sử dụng nhiều lao động, kỹ thuật không cao; hướng các xí nghiệp lớn vào xuất khẩu, phát triển các xí nghiệp vừa và nhỏ cần ít vốn, sử dụng nhiều lao động. Qua công bố của Nhật giai đoạn sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, 99% xí nghiệp ở Nhật có qui mô vừa và nhỏ, nó sử dụng 80% lực lượng lao động sản xuất gia công cho các xí nghiệp lớn. Từ đó, với mức lương thấp, sản xuất ra sản phẩm nhiều và rẻ tạo được khả năng cạnh tranh áp đảo các quốc gia công nghiệp trên thị trường.

Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh được nguyên nhân tăng trưởng kinh tế nhanh của các nước Đông Á là do đã đầu tư cao cho việc phát triển nguồn nhân lực. Quan điểm phát triển ở các nước này là trình độ học vấn cao trong dân chúng sẽ tạo điều kiện cho nhiều người có thể học được cách ứng dụng các công nghệ tốt hơn. Giáo dục là yếu tố quan trọng cho sự thành công của các nền kinh tế này. So với những nước đang phát triển, tỷ lệ đi học ở các nền kinh tế Đông Á đạt mức cao hơn hẳn. Vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX, thu nhập quốc dân bình quân đầu người của Hàn Quốc và Ghana là tương đương nhau, nhưng tới thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã vượt gấp 6 lần Ghana. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chênh lệch này là do Hàn Quốc đã thành công trong việc nâng cao trình độ dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sử dụng tri thức rộng rãi trong xã hội.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH doc (Trang 38 - 46)