vùng ĐNB
2.1.1. Đặc điểm về tự nhiên
Đông Nam Bộ là một trong hai phần của Nam Bộ, có tên thường gọi khác là Miền Đông. Vùng Đông Nam Bộ có 5 tỉnh và một thành phố: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM. Đông Nam Bộ có tổng diện tích 22.575 km2 và chiều dài bờ biển gần 170 km rất thuận lợi để mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế, phát triển nền kinh tế mở, nhất là khi cơ sở hạ tầng giao thông vận tải được nâng cấp, hiện đại hóa.
Vùng Đông Nam Bộ nằm ở phía Tây và Tây Bắc giáp Cam-pu-chia, lưu thông thuận lợi bằng các tuyến quốc lộ 22 (qua cửa khẩu Mộc Bài), quốc lộ 13 (qua cửa khẩu Hoa Lư). Phía đông bắc giáp Tây Nguyên, giao lưu trên các tuyến đường 14, đường 20. Phía đông giáp và Đông Nam giáp với Nam Trung Bộ và vùng Nam biển Đông, với vùng biển và thềm lục địa giàu tài nguyên, kinh tế biển phát triển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Đông Nam Bộ. Phía Tây Nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, việc giao lưu với đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi bằng các tuyến đường sông và đường quốc lộ 1A. Vị trí Đông Nam Bộ nằm giữa khu vực Đông Nam Á đi bằng máy bay trong khoảng 2 – 3 giờ có thể tới thủ đô các nước trong ASEAN và trong tương lai khi xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt xuyên Á, Đông Nam Bộ sẽ là cửa ngỏ thông ra biển của các nước láng giềng. Đông Nam Bộ có đặc điểm của một vùng khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và hầu như không thay đổi trong năm.
Về tài nguyên nước, trên địa bàn Vùng Đông Nam Bộ có hệ thống các sông lớn như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Thị Vải, sông Bé... sông Sài Gòn và sông Thị Vải là nơi tập trung các cảng chính của Vùng như cảng Sài Gòn, cảng Cái Mép, cảng Thị Vải. Bờ biển khu vực này thuộc các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và có nhiều bãi biển đẹp là khu nghỉ mát nổi tiếng như: bãi Sau, bãi Dứa, Long Hải, Phước Hải, nơi nghỉ mát cuối tuần lý tưởng và là trung tâm lớn về lưu trú và dịch vụ du lịch. Ngoài ra, Vùng biển và bờ biển Đông Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển. Biển ấm, ngư trường rộng, hải sản phong phú, gần đường hàng hải quốc tế. Thềm lục địa nông, rộng, giàu tiềm năng dầu khí…là thế mạnh kinh tế cho các ngành khai thác dầu khí ở thềm lục địa, đánh bắt hải sản, giao thông, dịch vụ, du lịch biển. Trong vùng còn có hai hồ chứa lớn là hồ Dầu Tiếng và Trị An dung tích khoảng 3,6 tỷ m3.
Về tài nguyên rừng, ở Đông Nam bộ rừng tự nhiên phân bố không đồng đều giữa các tỉnh, chủ yếu tập trung ở Đồng Nai và Bình Phước, là nguồn cung cấp gỗ dân dụng và gỗ củi cho TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nguyên liệu cho Liên hiệp giấy Đồng Nai. Các tỉnh khác chỉ có dưới 100 nghìn ha, ít nhất là TP.HCM (6.700 ha). Rừng vùng Đông Nam bộ có tác dụng tham gia điều hòa dòng chảy của các con sông lớn và giảm lũ. Các loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tập trung chủ yếu ở khu vực đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, vườn Cát Tiên, Côn Đảo, khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập, Bình Châu…
Về khoáng sản, Đông Nam Bộ có trên 200 mỏ khai thác với quy mô khác nhau. Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa nhất là dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 4 - 5 tỉ tấn dầu và 485 - 500 tỉ tấn m3 khí, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí. Nguồn bôxít ở trong vùng cũng tương đối lớn. Ngoài ra còn có đá quý, zircon, nguyên liệu làm vật liệu xây dựng như sét cao lanh, đá xây dựng, đá ốp lát, đá ong, cát thủy tinh...
Vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý rất thuận lợi: nằm ở vị trí địa kinh tế độc đáo, nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, quốc tế và khu vực, có nhiều cửa ngõ vào - ra thuận lợi cả về đường sông, đường sắt, đường biển, đường hàng không; Có TP.HCM là trung tâm lớn nhất cả nước về kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa
học - kỹ thuật, đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế lớn của cả nước; có Vũng Tàu là thành phố cảng và dịch vụ công nghiệp nằm ở "Mặt tiền Duyên hải" ở phía Nam, là cầu nối và "cửa ngõ" lớn giao lưu kinh tế với thế giới; Bình Dương, Biên Hoà và khu vực dọc theo đường 51 có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, có trục đường xuyên á chạy qua... Có nguồn tài nguyên khoáng sản dầu khí ở thềm lục địa, tài nguyên rừng, tài nguyên nông sản dùng làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến tạo điều kiện cho vùng có khả năng phát triển chuyên môn hoá cao, đồng bộ, có sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập. Với điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện cho Đông Nam bộ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong vùng, các địa phương khác trong cả nước và xuất khẩu.