Vùng ĐNB là vùng kinh tế năng động nhất cả nước, có TP.HCM là nơi hội tụ của giới kinh doanh, là nơi có truyền thống về hoạt động thương mại, từ xa xưa Đồng Nai và vùng đất phát triển mạnh về công nghiệp, trong 20 năm trở lại đây, Bình Dương nổi lên được xem như hiện tượng trong phát triển KT - XH điển hình của quá trình đổi mới, hội nhập. Do đó, đội ngũ doanh nhân trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai được xem là thế mạnh của vùng so với các vùng khác trong cả nước. Theo điều tra doanh nghiệp 2007, trên địa bàn Vùng ĐNB có 57.022 doanh nghiệp với đa dạng về quy mô, trong đó TP.HCM có đến 45.069 doanh nghiệp, cùng với hàng trăm nghìn hộ sản xuất - kinh doanh cá thể trong các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã tạo cho TP.HCM nói riêng và Vùng ĐNB nói chung một lực lượng doanh nhân hùng hậu. Doanh nghiệp là tế bào của hệ thống nền kinh tế, nền kinh tế hoạt động có hiệu quả hay không, phần lớn phụ thuộc rất lớn vào khả năng phát triển của hệ thống doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp lại phụ thuộc và đội ngũ doanh nhân - đây chính là chủ thể quan trọng thúc đẩy khả năng tăng trưởng kinh tế hiệu quả và bền vững. Những cuộc điều tra gần đây cho thấy, đội ngũ doanh nhân của thành phố phần lớn là doanh nhân trẻ, doanh nghiệp trẻ, khá nhạy bén với kinh tế thị trường và năng động trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Đội ngũ doanh nhân của TP.HCM được giới kinh doanh nể trọng, thuận lợi trong việc ký kết làm ăn, từ đó nâng cao uy tín của các doanh nghiệp TP.HCM cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Vùng ĐNB.
Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân trên địa bàn TP.HCM nói riêng và Vùng ĐNB nói chung cũng đang tồn tại những hạn chế cơ bản sau đây:
- Thứ nhất, ít được đào tạo cơ bản kiến thức về khoa học kinh tế, đặc biệt là khoa học quản trị - kinh doanh nhất là quản trị tài chính doanh nghiệp, quản trị cấp cao, phần lớn các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý doanh nghiệp theo kinh nghiệm là chủ yếu.
- Thứ hai, thành đạt nhanh trong những năm đầu của nền kinh tế chuyển đổi, cơ hội kinh doanh thuận lợi, nên phần lớn khá chủ quan và nặng về tư tưởng hưởng thụ, ít quan tâm đến việc nâng cao kiến thức kinh doanh, bằng lòng với cái đạt được.
- Thứ ba, thiếu tác phong công nghiệp và tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh, làm ăn theo kiểu “chụp giật”, manh mún, tính chiến lược trong kinh doanh không cao. Những nhược điểm trên sẽ hạn chế quá trình hình thành đội ngũ doanh nhân ngang tầm với các nước trong khu vực.