Đào tạo cán bộ quản lý, công lành nghề

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phân công lao động xã hội theo hướng hình thành và hoàn thiện cơ cấu kinh tế nông công nghiệp - dịch vụ ở tỉnh Bến Tre (2000 2010) pdf (Trang 69 - 72)

Tỉnh Bến Tre, sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đã thu được nhiều thành tựu đáng kể trên nhiều mặt. Tuy nhiên, cho đến nay sự phát triển kinh tế của tỉnh vẫn chưa vững chắc, một trong những nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế của tỉnh trong thời gian qua chậm phát triển, có những mặt còn yếu kém mà trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã nêu là: thiếu đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, sản xuất kinh doanh và cán bộ kỹ thuật giỏi.

Chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng trong số 2.907 cán bộ sản xuất kinh doanh thì phần lớn có tuổi đời trẻ, có kiến thức và năng lực quản lý kinh doanh. Nhưng một bộ phận đội ngũ cán bộ "có trình độ và năng lực quản lý kinh tế - xã hội chưa ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ mới, còn bất cập về nhiều mặt như: kiến thức về kinh tế thị trường , quản lý Nhà nước, pháp luật, kỹ năng hành chính, ngoại ngữ, tin học và kiến thức khoa học - công nghệ hiện đại"[29, tr.11].

Để đạt được chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2010, cần xây dựng chiến lược cán bộ, trong đó có cán bộ quản lý kinh tế nhằm đào tạo cán bộ có kiến thức về kinh tế thị trường và quản trị doanh nghiệp, hiểu biết về khoa học công nghệ, pháp luật và thông lệ quốc tế; đào tạo cán bộ một cách có hệ thống theo từng ngành nghề, tránh tình trạng chắp vá, bổ nhiệm trước đào tạo sau như hiện nay.

Việc bố trí sử dụng cán bộ quản lý cần chú trọng đến trình độ khoa học - công nghê, chọn người có lòng say mê đến công việc, có đầy tâm huyết để chăm lo cho việc phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động có chất lượng, cần tránh việc bố trí cán bộ chạy theo hình thức, chạy theo số lượng.

Công tác quản lý kinh tế là hoạt động của con người, nó nằm trong hệ thống hoạt động nói chung của con người, cho nên nó có quan hệ mật thiết với các hoạt động khác của Đảng, của Nhà nước và của các tổ chức quần chúng. Do đó, nó cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa nhằm quản lý kinh tế không đi chệch hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm có sự hỗ trợ và điều chỉnh khi cần thiết.

Do vậy, Tỉnh cần có chính sách bảo vệ sức khỏe cho người lao động, chính sách đối với giáo dục; thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ lao động đang làm việc để thích ứng với yêu cầu hiện tại về nhân lực. Báo cáo tại lớp nghiên cứu Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, giáo sư Trần Hồng Quân đã nhấn mạnh: "Công tác đào tạo phải giúp cho người lao động có thể thích ứng và cơ động trong thị trường sức lao động, có thể chuyển nghề, cho nên nội dung và phương pháp giáo dục - đào tạo phải có những thay đổi phù hợp với khoa học - công nghệ tiên tiến, với kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với quan hệ và giao lưu quốc tế mở rộng... do đó đào tạo ban đầu chính quy cần theo diện rộng, có tính cơ bản, kết hợp với bồi dưỡng cập nhật thường xuyên" [14, tr.36].

Mặt khác, cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ lao động. Mặc dù đến cuối tháng 8 năm 2000 "số lao động được dạy nghề tăng từ 6,3% lên 8%" [23, tr.7], nhưng rõ ràng là còn quá thấp. Vì vậy, cần phải khôi phục các trường đào tạo nghề hiện có, mở rộng diện và đối tượng đào tạo nhằm bổ sung một số công nhân kỹ thuật có tay nghề vào phục vụ cho các ngành công nghiệp. Tăng cường quy mô đào tạo nghề bằng nhiều hình thức để đạt được tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách đưa một bộ phận lao động đi đào tạo ở các trung tâm đào tạo lớn qua việc tuyển chọn nhiều mặt và hỗ trợ kinh phí, nhằm tạo đội ngũ lao động kỹ thuật đầu đàn cho tỉnh. Kết hợp chặt chẽ xây dựng những chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề với việc giáo dục phổ thông tại địa phương. Cần xây dựng và thực hiện quy hoạch việc bố trí sử dụng, đãi ngộ chuyên viên và học viên tốt nghiệp nhằm giữ lại đội ngũ này, đồng thời thu hút những người lao động có tay nghề cao đang làm việc ở các tỉnh khác.

Trong việc đào tạo đội ngũ lao động, ngoài việc đào tạo nghề chuyên biệt, cần chú trọng thêm việc giáo dục phẩm chất đạo đức tác phong; trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh ý thức trách nhiệm, tôn trọng pháp luật,... tinh thần tự hào dân tộc, địa phương, cần giáo dục để người lao động xóa đi mặc cảm phải làm thuê cho tư nhân trong điều kiện cần thiết khách quan hiện nay.

Sử dụng lao động thích hợp còn đòi hỏi chính quyền lưu tâm hơn cho đội ngũ lao động kế tục, do vậy cần tổ chức phổ biến luật giáo dục đến toàn dân nhằm mở mang dân trí. Tỉnh nên có chính sách miễn giảm tất cả các khoản đóng góp của học sinh tiểu học và

mầm non, có như vậy mới có điều kiện thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở, hạn chế tối đa tình trạng các em chưa đến tuổi lao động phải lao động nặng nhọc. Ngoài ra, chính quyền cũng cần quy định và có chính sách hỗ trợ buộc người lao động có trình độ học vấn nhất định theo độ tuổi, tạo điều kiện để nâng dần trình độ nghề nghiệp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế.

Chính quyền cũng cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với những người lao động có trình độ cao, nhằm nâng cao tỷ lệ, lao động có tay nghề cao của tỉnh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phân công lao động xã hội theo hướng hình thành và hoàn thiện cơ cấu kinh tế nông công nghiệp - dịch vụ ở tỉnh Bến Tre (2000 2010) pdf (Trang 69 - 72)