Phân công lao động trong nội bộ ngành kinh tế

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phân công lao động xã hội theo hướng hình thành và hoàn thiện cơ cấu kinh tế nông công nghiệp - dịch vụ ở tỉnh Bến Tre (2000 2010) pdf (Trang 57 - 60)

Thực tế lịch sử kinh tế xã hội đã chỉ rõ, để tăng năng suất lao động thì sự phân công lao động trong nội bộ ngành nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu của thời kỳ công nghiệp hóa, vì nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, tự túc tự cấp không thể làm cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp.

Nhằm thỏa mãn những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung đến năm 2010, việc bố trí quy hoạch các ngành và cũng từ đó phân công lao động cho thích hợp ở Bến Tre sẽ là nông - lâm - ngư và công nghiệp. Trong điều kiện đất nông nghiệp coi như bão hòa và năng suất một số cấy trồng khó có thể tăng nhanh, các mục tiêu phát triển về nông nghiệp nhằm vào đảm bảo chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, gia tăng thu nhập và hiệu quả sản xuất, tạo nhiều việc làm, tạo tiền đề cho một nông thôn hiện đại, phát triển toàn diện, đa dạng, cân đối và bền vững.

Về công nghiệp, dựa trên cơ sở những quan điểm phát triển công nghiệp chung của cả nước và xuất phát từ đặc điểm riêng của Bến Tre về vị trí địa lý, tiềm năng các nguồn lực thì quan điểm phân bố công nghiệp và cũng chính là quan điểm phân công lao động công nghiệp được xác định là: phân bố công nghiệp gắn với phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị hóa. Trước mắt ưu tiên những nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi, tạo cơ hội giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Từng bước đưa công nghiệp về các vùng nông thôn theo hướng bố trí các xí nghiệp vệ tinh các điểm công nghiệp... đặc biệt là các loại hình công nghiệp quy mô nhỏ nhằm thúc đẩy công nghiệp tập trung ở những nơi có cơ sở hạ tầng thuận lợi nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp giảm chi phí đầu tư có điều kiện quản lý ô nhiễm môi trường.

Riêng các ngành thuộc khu vực dịch vụ, các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa xã hội sẽ được bố trí cân đối với nhu cầu phát triển và khả năng của nền kinh tế.

Trong nội bộ ngành nông nghiệp, về trồng trọt, chỉ tiêu năm 2010, cây lương thực sẽ chiếm 24,5% diện tích đất nông nghiệp (năm 1998 là 36,5%), 23,7% giá trị sản xuất. Sản lượng dự kiến sẽ tăng từ 348 ngàn tấn năm 1998 lến 420 ngàn tấn năm 2010, bình quân trên 270 kg/người. Cây ăn quả dự kiến phát triển nhanh với diện tích từ 32 ngàn ha năm 2000 lên 41 ngàn ha năm 2010; chiếm 29,5% diện tích, 37,7% giá trị sản xuất. Về cơ cấu cây trồng cũng sẽ chuyển dịch theo hướng cây lâu năm ngày càng chiếm ưu thế hơn cây hàng năm, để đến năm 2010 tỷ lệ giữa cây - cây lâu năm sẽ là 43 - 57%. Cây công nghiệp ngắn ngày giảm nhẹ diện tích, ổn định khoảng 15.500 ha, cây công nghiệp dài ngày vẫn giữ khoảng 33 ngàn ha, có thể phát triển thêm một số ít và đẩy mạnh tiến trình cải tạo, đầu tư thâm canh.

Về chăn nuôi, gồm nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy sản. Sự cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi đòi hỏi phải phân bố một lực lượng lao động thích đáng cho chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho địa phương và cho cả việc trao đổi trong nước và quốc tế. Vì thế cơ cấu giữa trồng trọt và chăn nuôi của Bến Tre cần đạt là:

Chỉ tiêu (%) 2000 2005 2010

Giá trị sản xuất

Trồng trọt 69,4 67,1 63,3

Chăn nuôi 30,6 32,9 36,7

Giá trị tăng thêm

Trồng trọt 73,8 73 70,7

Chăn nuôi 26,2 27 29,3

Trong chăn nuôi, quy hoạch và phân bố nuôi thủy sản tăng nhanh, thu hút lực lượng lao động nhiều hơn, giá trị sản xuất sẽ tăng nhanh năm (2000 là 1365 tỷ đồng, năm

2005 là 2167 tỷ và năm 2010 là 3369 tỷ). Nuôi gia xúc gia cầm tuy có tăng về sản lượng nhưng không phân bố thêm lực lượng lao động mà đòi hỏi nâng cao trình độ của người lao động.

Việc phát triển rộng rãi các ngành, nghề khác trong nông thôn cũng là một hướng quan trọng của phân công lao động mới, vì sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ, ở những vùng sản xuất nhiều vụ thì tính thời vụ càng nghiêm ngặt. Riêng Bến Tre, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn năm 1999 mới đạt 74,02%, thực tế đó đòi hỏi một mặt phải cơ giới hóa và cải tiến công cụ để hạn chế tính nghiêm ngặt của mùa vụ, mặt khác phải phát triển các nghề để tận dụng tối đa nguồn lao động có lúc nhàn rỗi. Xét về mặt lịch sử phát triển của phân công lao động xã hội thì đây là bước phân công tất yếu giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp đã từng diễn ra ở nước ta và nhiều nước khác.Trong điều kiện Bến Tre hiện nay, đây chính là một hướng phân công lao động hết sức quan trọng vừa phục vụ yêu cầu thâm canh tăng năng suất lao động trong nông nghiệp vừa sử dụng tốt nguồn lao động xã hội.

Ngành công nghiệp ở Bến Tre từ 1990 đến 1999 tỷ lệ liên tục giảm trong tổng sản phẩm của tỉnh, nếu tính cả tiểu thủ công nghiệp và xây dựng thì năm 1990 chiếm 17,7%, đến năm 1999 còn 10,4%. Vì vậy, muốn cho nền kinh tế phát triển cần xác định chỉ tiêu phấn đấu cho công nghiệp, phân công lao động trong nội bộ ngành công nghiệp. Mục tiêu phát triển công nghiệp của Bến Tre từ nay đến năm 2010 là: công nghiệp cần khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên hiện có và các nguồn nguyên liệu từ nông sản như lương thực, mía, trái cây. Nâng cao giá trị chế biến bằng các biện pháp tinh chế sâu, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Công nghiệp cần đáp ứng yêu cầu cao nhất của nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, một thế mạnh đặc thù của Bến Tre.

Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, hội nhập với thị trường ASEAN và thế giới. Do đó, cần từng bước chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp theo hướng vừa tạo được mối liên kết công nghiệp, vừa tạo sự chuyển dịch từ công nghệ thấp, từng bước chuyển sang công nghệ cao, tạo khả năng nâng cao năng suất và chất lượng.

Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong tổng sản phẩm của tỉnh tăng dần lên từ 8,2% năm 1998 lên 10% năm 2005 và đến 14% năm 2010.

Nhằm thực hiện phân công lao động trong nội bộ ngành công nghiệp, Bến Tre sẽ hoạch định 4 cụm công nghiệp tập trung chính:

Cụm công nghiệp phường 8 - Phú Hưng - Mỹ Thạnh (60 ha).

Cụm công nghiệp Tân Thạch (20 ha)

Cụm công nghiệp An Hiệp (30 ha)

Cụm công nghiệp Tân Phú - Phúc Túc (20 ha)

Ngoài ra sẽ bố trí một số cụm công nghiệp quy mô nhỏ (10 ha) ở các huyện như cụm công nghiệp Chợ Lách, cụm công nghiệp Tiệm Tôm huyện Ba Tri, cụm công nghiệp Bình Thắng (Bình Đại), cụm công nghiệp Nhuận Phú Tân (Mỏ cày).

Với quy hoạch các khu công nghiệp như trên, Bến Tre đề ra chỉ tiêu cụ thể một số ngành công nghiệp chính như:

Công nghiệp xay xát đảm bảo sản lượng xay xát đạt 390 ngàn tấn vào năm 2010. Công nghiệp chế biến đường đạt 10 tấn mía cây /ngày ở nhà máy đường An Hiệp. Củng cố các cơ sở sản xuất nước mắm hiện có, phấn đấu nâng cao độ đạm từ 12% lên 16% vào năm 2001; tăng sản lượng tiêu thụ từ 5,1 triệu lít năm 1999 lên 5,7 triệu lít vào năm 2010. Ngoài ra, tỉnh còn vạch chỉ tiêu cụ thể cho một số công nghiệp chế biến khác như nước khoáng, thủy sản, trái cây, dừa; công nghiệp may mặc, gia công giầy thể thao, công nghiệp cơ khí phục vụ các ngành nghề khác.

Như vậy, việc quy hoạch cụm công nghiệp, xác định các mũi công nghiệp chính và đề ra chỉ tiêu phấn đấu cũng chính là vạch hướng phân công lao động cho nội bộ ngành công nghiệp, nó vừa góp phần giải quyết nạn tồn đọng một số mặt hàng nguyên liệu của tỉnh vừa góp phần thiết thực sử dụng tốt nguồn lao động xã hội.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phân công lao động xã hội theo hướng hình thành và hoàn thiện cơ cấu kinh tế nông công nghiệp - dịch vụ ở tỉnh Bến Tre (2000 2010) pdf (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)