Trong đường lối kinh tế của Đảng, Đảng ta đã đề ra là xây dựng nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 và quá trình "hội nhập mạnh mẽ của hệ thống kinh tế thế giới và khu vực" đã đặt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng trước nhiều thách thức và cơ hội lớn, trong đó có cơ hội về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở tỉnh. Nhưng muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp, hay công nghiệp, đều phải tiến hành phân công lao động xã hội nhằm sử dụng tốt nguồn lao động dồi dào, khai thác được tài nguyên thiên nhiên, phát triển sản xuất các hàng hóa mới, để hội nhập với kinh tế thế giới tạo cơ may tích lũy tốt hơn, tạo thế vững chắc cho tiến trình đầu tư công cụ hiện đại, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế của tỉnh.
Theo đà phát triển chung với kinh tế cả nước, tỉnh đã định hướng kinh tế đến năm 2010 như sau: "Từng bước đổi mới công nghệ và nâng cao tỷ trọng cơ giới hóa trong nông - ngư nghiệp, đổi mới nhah trang thiết bị và mở rộng quy mô công nghiệp, xây dựng hệ thống kinh tế mở, đẩy mạnh thương mại - dịch vụ và tăng nhanh mối quan hệ thị trường tạo lực đẩy phát triển mới cho toàn tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa"[26, tr.18].
Tóm lại, muốn chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế của tỉnh theo
hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP thì nhất thiết phải tổ chức phân công lao động thích hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đó.