Trong những năm qua, do đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và đã xuất hiện nhiều nhân tố đa dạng để các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở, tổ chức xã hội và mọi người chủ động tạo việc làm mới, nên đã giải quyết được một bước yêu cầu về lao động, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lực lượng lao động của Bến Tre đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần nhanh chóng khắc phục như: trình độ lao động thấp, sử dụng công cụ thô sơ còn nhiều; lực lượng lao động thuộc thành phần kinh tế cá thể nhỏ chiếm đại bộ phận, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, năng suất lao động và giá trị thấp (năm 1999 có 530.495 người lao động ở khu vực I chiếm 82,2% lao động trong các ngành kinh tế chỉ tạo được 3.856 tỷ đồng, 65,8 % GDP của Tỉnh).
Mặt khác, do dân số lao động còn tăng ở mức cao vì chịu ảnh hưởng của quy luật tăng bù sau chiến tranh nên hàng năm bình quân có gần 16.000 người đến tuổi lao động cần giải quyết việc làm (năm 1996 có 14.168 người, 1997 có 14.637 người, 1998 có 16.059 người, 1999 là 18.611 người). Bên cạnh đó một số lao động dư thừa do sắp xếp lại tổ chức sản xuất, giải thể các đơn vị sản xuất kinh doanh, bộ đội xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, người hồi hương từ các nước trở về... đang có nhu cầu bố trí việc làm nhưng chưa đáp ứng được, dẫn đến sức ép ngày càng tăng và bức bách hơn. Ngoài ra, còn do khả năng thu hút lao động được tạo ra từ việc phát triển kinh tế hàng năm khoảng 7.000 người, nên số người đến tuổi lao động mỗi năm cần giải quyết việc làm nhưng chưa sắp xếp được còn nhiều.
Như vậy thực trạng về cơ cấu lao động của Bến Tre vẫn chủ yếu là lao động nông nghiệp, trình độ lao động thấp kém, chưa phát huy được thế mạnh kinh tế của tỉnh, đời sống kinh tế - xã hội thấp kém.
Xuất phát từ tầm quan trọng và tính bức xúc của vấn đề lao động và việc làm, trong thời gian vừa qua Bến Tre đã tổ chức thực hiện bố trí lao động, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định như: thực hiện các chương trình trồng rừng, khuyến nông - ngư, di dân phát triển vùng kinh tế mới ngoài tỉnh, chương trình cho vay giải quyết việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo, thành lập và phát triển các trung tâm xúc tiến việc làm. Tuy nhiên, nếu nhìn bao quát thì đó chỉ là những giải pháp tình thế, muốn xây dựng được cơ cấu kinh tế theo hướng hiên đại hóa cần có giải pháp chặt chẽ và đồng bộ.