tổng lực các nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Tăng nguồn thu ngân sách nhưng phải đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý, chống thất thu ngân sách và điều tiết ngân sách theo Luật ngân sách. Đồng thời cần làm tăng nguồn thu ngân sách thông qua việc xin tăng hỗ trợ đối với những dự án phát triển nông nghiệp ngoại thành có mục tiêu, phát sinh ngoài dự toán ngân sách nhưng rất cần cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ Trung ương; đẩy mạnh cổ phần hóa, nhất là bán, cho thuê những doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp; tăng nguồn thu từ lệ phí trước bạ nhà đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất; động viên vốn ngân sách nhà nước thông qua lao động công ích, tăng viện trợ nước ngoài không hoàn lại cấp cho thành phố (đặc biệt là nông nghiệp), nhờ phát hành chứng khoán thành phố v.v..
Trong số những giải pháp tăng thu cho ngân sách thành phố, cần coi trọng giải pháp tăng nguồn thu nhờ xúc tiến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng tốc độ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, tận thu phí trước bạ và thuế chuyển quyền sử dụng đất. Đặc biệt chú trọng nguồn vốn "đổi đất lấy vốn". Cụ thể là, cho phép lập quy hoạch và bán quyền sử dụng, thu tiền một lần những khu đất mới và những khu đất đang có công trình xây dựng... theo phương thức đấu giá công khai với thời hạn tùy thuộc quy hoạch, mục tiêu và chất lượng công trình, hoặc sẽ sử dụng, thậm chí có thể bán quyền sử dụng đất tới 70 năm hoặc lâu hơn nữa nếu xét thấy có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cho phép [37, 36]. Tạo vốn qua quỹ đất có lợi ở chỗ, một mặt, ngân sách thành phố sẽ thu được nguồn tài chính rất lớn, trong khi đó, vẫn có thể tiếp tục thu được những khoản phí sử dụng đất hàng năm của những khu đất đã bán; Nhà nước vẫn là chủ sở hữu trên hết và duy nhất những khoảnh đất đã bán quyền sử dụng. Mặt khác, người mua sẽ yên tâm đầu tư trên mảnh đất thuộc quyền sử dụng của mình với thời hạn đã được xác định. Kinh nghiệm này được người Trung Quốc áp dụng cực kỳ thành công khi Hồng Kông trở về với Đại lục.
Nên chăng, phân quỹ đất thành phố thành 2 loại: loại không cho phép kinh doanh và loại khuyến khích mua đi, bán lại, thuận tiện cho người mua quyết định kế hoạch sử dụng. Với cách này thị trường bất động sản thành phố từng bước được hình thành một cách công khai, sống động làm giảm thị trường "ngầm" bất động sản; tăng nguồn thu từ phí trước bạ, thuế quyền sử dụng đất. Kinh nghiệm này cũng được áp dụng thành công ở đặc khu kinh tế Thẩm Quyến - Trung Quốc. Hiện nay mô hình "vắt đất ra vàng" đang được chính phủ Trung Quốc tổng kết, rút kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi ra phạm vi toàn quốc.
Một khi vốn ngân sách Thành phố dồi dào, kết hợp với chủ trương tăng cường đầu tư đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo điều kiện tăng chi ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn ngoại thành. Lượng vốn huy động được từ ngân sách Thành phố sẽ tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế biến nông phẩm hàng hóa, cơ sở giống cây trồng vật nuôi, mở rộng thị trường... Song, cần nhận thức rằng vốn ngân sách như là "vốn mồi", tạo ra "cú hích" cho nông nghiệp ngoại thành chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn khác đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.