Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tích cực đổi mới, bổ sung hoàn thiện cơ chế tín dụng theo hướng thông thoáng phù hợp với thực tiễn hoạt động và thông lệ quốc tế, chú trọng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản qui định về nghiệp vụ tín dụng nhằm nâng cao năng lực quản lý và đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng. Cụ thể: tập trung hoàn thiện qui trình tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, ban hành qui định về tiêu chuẩn và yêu cầu tối thiểu đối với hệ thống quản trị rủi ro hữu hiệu…
NHNN cần nghiên cứu và xây dựng một hệ thống các chỉ số mang tính chuẩn mực để thống nhất đánh giá so sánh chất lượng tín dụng của các NHTM, hệ thống chỉ số và giới hạn để dự báo trước các nguy cơ rủi ro cho các NHTM. Có thể định kỳ hàng năm thu thập thông tin và tính toán các báo cáo của các NHTM để đánh giá tình hình chất lượng toàn ngành và có những điều chỉnh kịp thời.
NHNN phối hợp cùng các NHTM có thể triển khai xây dựng qui trình tín dụng, thẩm định chung toàn ngành để phục vụ cho công tác thẩm định và ra phán quyết tín dụng, xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp loại doanh nghiệp một cách thống nhất
nhằm mục đích hỗ trợ cho công tác quản trị rủi ro nhất là rủi ro tín dụng. Không nên để tình trạng mỗi ngân hàng một kiểu như hiện nay.
NHNN cần tăng cường hỗ trợ cho các NHTM trong việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ tín dụng, thẩm định. Có thể định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội nghị hội thảo về kinh nghiệm tín dụng trong toàn ngành ngân hàng.
Đổi mới hoạt động thanh tra, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, tăng cường công tác giám sát từ xa kết hợp với thanh tra tại chỗ nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm của các tổ chức tín dụng. Chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xử lý và kiến nghị xử lý sau thanh tra đối với các tổ chức tín dụng.
Tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát từ xa theo thông lệ quốc tế (CAMELS), tuy phương pháp này đã được thực hiện từ lâu nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, nhất là ở các chi nhánh địa phương. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện qui trình thanh tra tại chỗ (BASEL I, II) theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
NHNN cần nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng, cải thiện chất lượng thông tin đầu vào để tạo nguồn đầu ra thông tin một cách chính xác về thị trường và doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM có thể sử dụng thông tin để phục vụ cho công tác thẩm định và ra phán quyết tín dụng, nhờ đó nâng cao được chất lượng tín dụng.