Bất kỳ một lĩnh vực hoạt động nào chứ không riêng gì lĩnh vực hoạt động kinh doanh của ngân hàng, yếu tố con người chính là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành bại của hoạt động đó. Do vậy, để nâng cao chất lượng tín dụng trung, dài hạn thì vấn đề cốt lõi chính là cần nâng cao chất lượng các cán bộ tín dụng, thẩm định (sau đây gọi chung là cán bộ tín dụng), cần những cán bộ có đủ tài và đức. Bên cạnh trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo các cán bộ cần phải có một phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, và cần phải có một bản lĩnh vững vàng trước mọi tình huống. Do vậy cho dù các cán bộ nào có trình độ chuyên môn cao mà đạo đức có vấn đề, có biểu hiện tiêu cực thì dứt khoát không thể để trong đội ngũ cán bộ tín dụng.
Để nâng cao chất lượng tín dụng, trước hết trong công tác tuyển dụng cán bộ mới, ngân hàng cần chọn lọc (có thể thông qua thi tuyển khách quan) ra được những nhân viên mới không chỉ có những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ mà còn có cả những sự hiểu biết về các chính sách của Nhà nước, sự hiểu biết rộng về các lĩnh vực liên quan đến công tác sau này của họ, kỹ năng phân tích, khả năng xử lý trong các tình huống… đồng thời thực hiện bố trí luân chuyển cán bộ sao cho phù hợp, bố trí đúng người đúng việc để các cán bộ có thể phát huy tối đa năng lực của mình.
Tiếp đó, ngân hàng cần phải thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, về các chính sách tín dụng mới, kiến thức về pháp luật, kinh tế liên quan đến lĩnh vực mà họ công tác, cần tăng cường tổ chức giao lưu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghiệp vụ giữa các cán bộ tín dụng trong chi nhánh, giữa chi nhánh Hà Nội và các chi nhánh khác trong cùng hệ thống. Và ngân hàng cần có chế độ hỗ trợ cho những cán bộ đi học để nâng cao trình độ, sau vẫn phục vụ cho ngân hàng (ví dụ như cho cán bộ đi học thạc sỹ, tiến sỹ nhưng vẫn được hưởng lương).
Một yếu tố quan trọng nữa là ngân hàng cần quan tâm tới thu nhập của nhân viên, vì nếu nhân viên của ngân hàng có nguồn thu nhập ổn định đảm bảo được cuộc sống của họ từ đó sẽ tạo ra tâm lý tin tưởng và họ sẽ hết mình cống hiến cho công việc. Đồng thời ngân
hàng luôn đẩy mạnh thi đua lao động giỏi theo mục tiêu thi đua do Công đoàn và ban lãnh đạo ngân hàng phát động. Định kỳ biểu dương thành tích của những cán bộ tín dụng xuất sắc.
3.2.6 Tăng cường công tác quản lý nợ, cần tổ chức bộ phận quản trị rủi ro chuyên trách
Công tác quản lý nợ là công tác vô cùng quan trọng đối với các NHTM, nếu công tác này không được thực hiện tốt thì sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của các ngân hàng. Vì vậy, công tác quản lý nợ cần luôn được tăng cường, cần thực hiện theo hướng sau:
- Cần thực hiện phân loại nợ định kỳ (sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, có thể nói Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã đi đầu trong việc xây dựng hệ thống này) để xác định đúng chất lượng tín dụng làm cơ sở trích lập các khoản dự phòng nhằm hạn chế rủi ro tín dụng. Trên cơ sở đó ta sẽ có những chính sách cụ thể cho các khách hàng đó là: mở rộng quan hệ tín dụng với khách hàng đó hay là duy trì theo mức cũ hoặc là hạn chế, ngừng quan hệ tín dụng.
- Cần có sự giám sát chặt chẽ đối với những khách hàng có dư nợ lớn phải gia hạn, những khách hàng có tình hình tài chính kém, kinh doanh không hiệu quả. Đối với những khoản nợ mà xin gia hạn, cần có sự thẩm tra kỹ càng, và những khoản nợ nào nhận thấy không đáp ứng được đủ các điều kiện đặt ra, không thể trả được nợ trong tương lai thì dứt khoát phải dừng cấp tín dụng.
- Cần tăng cường kiểm tra giám sát đối với những khách hàng sau khi vay vốn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khách hàng sử dụng nguồn vốn sai mục đích. Nếu phát hiện ra những khách hàng sử dụng vốn sai mục đích thì phải dừng giải ngân các kỳ sau (thông thường giải ngân tín dụng được chia làm nhiều đợt), triển khai các biện pháp mạnh để rút dư nợ.
- Đối với các khoản nợ quá hạn ngân hàng có thể xử lý một cách linh hoạt không nên cứng nhắc. Đối với những khách hàng bị nợ quá hạn chủ yếu là do những yếu tố khách quan tác động và ngân hàng xét thấy họ có khả năng duy trì kinh doanh và có ý thức trả nợ ngân hàng, thì ngân hàng có thể hỗ trợ họ bằng cách giảm một phần hoặc toàn bộ lãi phạt của khoản nợ cũ, cho vay mới (nếu doanh nghiệp cần vốn để khắc phục khó khăn) với lãi suất ưu đãi để họ có thể khắc phục khó khăn, khôi phục lại tình hình sản xuất kinh doanh
để họ có khả năng trả được nợ ngân hàng. Còn những khoản nợ mà ngân hàng xét thấy khách hàng hoàn toàn không có khả năng thu hồi được nợ thì phải thực hiện:
+ Trường hợp với những khách hàng có tài sản đảm bảo, thì ngân hàng có thể tiến hành phát mại tài sản, đối với những tài sản mà không thực hiện phát mại được ngay (ví dụ như đối với những máy móc chuyên dụng) thì ngân hàng cần có biện pháp để khai thác một cách kịp thời.
+ Trường hợp đối với khách hàng không có tài sản đảm bảo (chủ yếu do thời kỳ trước để lại, nhiều khoản cho vay thực hiện dưới hình thức cho vay tín chấp), mà sau khi dùng mọi cách không thể thu được nợ thì buộc phải thực hiện biện pháp mạnh là thông báo toàn ngành, kiện ra toà án.
Và để công tác quản lý nợ được hiệu quả hơn, ngân hàng cần thành lập bộ phận quản trị rủi ro chuyên trách để quản trị rủi ro tín dụng, thực hiện phân loại các khoản vay theo mức độ rủi ro, xây dựng hạn mức tín dụng đối với từng khách hàng, ngành kinh tế, khu vực và có những giải pháp xử lý đối với các khoản vay có vấn đề. Và việc thành lập bộ phận chuyên trách này sẽ giảm tải khối lượng công việc cho các cán bộ tín dụng phụ trách vì hiện nay một cán bộ tín dụng phụ trách sẽ phải đảm nhiệm tất cả các công việc sau cho một khoản vay: từ việc hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ vay, tìm kiếm thông tin, đánh giá thẩm định tiến hành cho vay, đăng ký tài sản đảm bảo theo dõi giám sát khách hàng, tư vấn cho khách hàng cho đến các việc thu nợ, đòi nợ, việc phát mại tài sản, làm các thủ tục khởi kiện ra toà. Do vậy, việc lập ra bộ phận này góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.