Khách hàng đến vay vốn ở ngân hàng thông thường sẽ phải trình bày các phương án kinh doanh, đầu tư của họ. Sau đó ngân hàng sẽ tiến hành thu thập thông tin về khách hàng
trên nhiều mặt (thông tin về năng lực pháp lý, năng lực điều hành, quản lý sản xuất kinh doanh của khách hàng, năng lực tài chính và các thông tin xoay quanh phương án kinh doanh, dự án của khách hàng) tiếp đó các cán bộ tín dụng (có thể kết hợp cùng cán bộ thẩm định) tiến hành thẩm định về khách hàng và dự án, phương án kinh doanh của họ. Nếu hồ sơ của khách hàng đáp ứng được những điều kiện của ngân hàng, có khả năng trả nợ cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ quyết định cho khách hàng vay.
Muốn nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng:
Thứ nhất, là phải nâng cao chất lượng thông tin. Thông tin chính là cơ sở để cán bộ
thẩm định tiến hành các bước phân tích đánh giá một dự án. Việc thu thập, xử lý và quản lý thông tin cần đầy đủ càng chính xác thì quyết định cho vay càng hiệu quả, hạn chế rủi ro gây tổn thất cho ngân hàng. Thông tin tín dụng có thể lấy được từ các nguồn sau:
- Phỏng vấn trực tiếp: gặp gỡ trực tiếp giữa ngân hàng và người vay vốn: thăm quan công ty, nhà xưởng, nói chuyện giám đốc và người lao động, xem xét cơ sở vật chất, vật thế chấp… phỏng vấn trực tiếp giúp ngân hàng xác định được những gì đang diễn ra ở doanh nghiệp, loại trừ phần nào những khách hàng không trung thực.
- Mua hoặc tìm kiếm thông tin qua các trung gian (qua các cơ quan quản lý, bạn hàng chủ nợ của người vay, qua các trung tâm thông tin, tư vấn…), thông qua đó thấy được mối liên hệ của khách hàng với các trung gian trên, thấy được phần nào thình trạng phát triển hay suy thoái của người vay. Kênh thu thập thông tin này khách quan hơn so với kênh trực tiếp.
- Thông qua các báo cáo của người vay (báo cáo tài chính, báo cáo thu nhập, bán hàng…), bản dự án, phương án kinh doanh của người vay. Dựa trên các báo cáo này và phương án kinh doanh của người vay, ngân hàng sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh, tình hình của người vay trên cơ sở đó ước tính nhu cầu vốn, trong đó có nhu cầu tài trợ, đánh giá khả năng sinh lời, trả nợ, giá trị các tài sản thế chấp…
Thực tế việc thu thập thông tin tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thành phố Hà Nội chủ yếu dựa trên những số liệu mà người vay cung cấp, thông tin qua tiếp xúc trực tiếp, thông tin trong quá khứ của khách hàng (uy tín người vay, dư nợ, tình hình trả nợ của khách hàng…) còn việc mua hay tìm kiếm thông tin qua các trung gian còn rất hạn chế. Để nâng cao chất lượng thông tin ngân hàng cần phải:
- Cần có cơ chế chi cho cán bộ tín dụng để thu thập thông tin, bởi vì có rất nhiều thông tin hữu ích phải mua thông qua các trung gian.
- Cần thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề, các đầu mối cung cấp thông tin có liên quan đến lĩnh vực của ngân hàng như: Tổng cục thống kê, Tổng cục thuế, Bộ tài chính, Bộ kế hoạch - Đầu tư, NHNN, các ngân hàng thương mại khác, trung tâm thông tin CIC…
Thứ hai, là trong công tác thẩm định tín dụng thì phải luôn bám sát và thực hiện
đúng theo qui trình tín dụng của ngân hàng, vì nếu bỏ qua một bước nào hay thực hiện không đúng theo qui trình thì có thể dẫn đến chất lượng khoản tín dụng không cao. Trong công tác thẩm định các cán bộ tín dụng cần phải tuân thủ các bước sau:
- Thẩm định về năng lực pháp lý của khách hàng như: quyết định thành lập, đăng ký kinh doanh, quyết định bổ nhiệm giám đốc, kế toán trưởng, người quản lý tài chính, ai là người đại diện pháp nhân…
- Thẩm định về năng lực hoạt động và uy tín của khách hàng.
Kiểm tra về sự phù hợp của ngành nghề trong đăng ký kinh doanh với ngành nghề kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp, với dự án dự kiến đầu tư. Xu hướng phát triển của ngành trong tương lai.
Mô hình tổ chức bố trí lao động. Quản trị điều hành của lãnh đạo.
Quan hệ của khách hàng với các tổ chức tín dụng khác.
- Thẩm định về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của khách hàng.
Việc tính toán các chỉ số để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của khách hàng cần phải được thực hiện qua nhiều năm (tối thiểu 2 năm). Khi đánh giá, nhận xét cán bộ tín dụng cần phải nhìn một cách tổng thể về các chỉ tiêu đánh giá và có so sánh với thực tế, đặc điểm kinh doanh của khách hàng để việc đánh giá được chính xác và toàn diện.
- Thẩm định về hiệu quả và khả năng trả nợ của dự án, thẩm định về kinh tế kỹ thuật của dự án (thực hiện theo qui trình thẩm định dự án đầu tư).
- Thẩm định về khả năng đáp ứng nguồn vốn, lãi suất, thời hạn cho vay của bản thân ngân hàng.
Cân đối các nguồn vốn đầu tư, nhu cầu vốn vay khả năng cân đối nguồn cho vay loại tiền cho vay của ngân hàng, trường hợp món vay lớn, hoặc không thu xếp cho vay toàn bộ có thể làm đầu mối để thực hiện cho vay đồng tài trợ.
Xác định thời hạn vay phù hợp với khả năng cân đối vay trả của khách hàng và ngân hàng.
Xác định lãi suất cho vay phù hợp với chính sách khách hàng bảo đảm đủ bù đắp chi phí, trích dự phòng rủi ro kinh doanh có lãi hợp lý.
- Thẩm định về các biện pháp bảo đảm tiền vay.
Ngân hàng thoả thuận với khách hàng lựa chọn các biện pháp bảo đảm tiền vay thích hợp.
Thứ ba, là cần phải nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn cho các cán bộ tín
dụng, cán bộ thẩm định đồng thời cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong công tác thẩm định. Như đã phân tích ở phần trên các dự án của ngân hàng thì có phần lớn là các thông số kỹ thuật ở rất nhiều ngành nghề khác nhau mà trong khi đó các cán bộ của ngân hàng chủ yếu là tốt nghiệp ở các trường kinh tế ra do vậy sự hiểu biết và thẩm định được các dự án là gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, bên cạnh việc bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng thì ngân hàng cần phải có sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn để họ phối hợp cùng ngân hàng thực hiện thẩm định dự án có như vậy thì chất lượng thẩm định tín dụng mới được nâng cao.