Lãi suất của một khoản vay tuỳ thuộc vào mức lãi suất chung, chi phí khi thực hiện khoản vay của ngân hàng, thời hạn cho vay, rủi ro của khoản cho vay… Nếu các nhân tố này tăng lên thì lãi suất cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt đối với các khoản tín dụng trung, dài hạn thì thường diễn ra trong thời gian dài, trong thời gian đó hoạt động kinh doanh của khách hàng vay và hoạt động của bản thân dự án luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nếu các yếu tố này thay đổi bất thường thì sẽ làm cho các dự tính của người vay lẫn ngân hàng sẽ bị sai lệch, khả năng xảy ra rủi ro sẽ cao. Chính bởi yếu tố này đã làm cho các khoản tín dụng trung, dài hạn có lãi suất thường cao. Ngân hàng nào mà xây dựng được một chính sách lãi suất phù hợp thì sẽ làm cho thu nhập của ngân hàng tăng lên, góp phần hạn chế rủi ro lãi suất, đồng thời nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm tín dụng ngân hàng so với các tổ chức tín dụng khác.
Hiện nay, ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã có hướng chỉ đạo cho các chi nhánh là áp dụng nhiều mức lãi suất khác nhau nhưng ở Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thành phố Hà Nội thì chưa thực hiện được. Tôi xin đưa ra một số giải pháp để góp phần xây dựng một chính sách lãi suất linh hoạt. Cần thực hiện:
- Lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng khách hàng như: đối với các khách hàng truyền thống của ngân hàng, với những khách hàng là các doanh nghiệp lớn, tổng công ty có tình hình tài chính lành mạnh, làm ăn hiệu quả… Tuy thực hiện chính sách này thì thu nhập của ngân hàng có thể bị giảm sút nhưng nhờ vậy sẽ tăng sự gắn bó của các khách hàng trong đó có nhiều các khách hàng lớn, duy trì thị phần của mình trong việc cung cấp tín dụng. Đây là vấn đề mang tính chiến lược.
- Lãi suất thay đổi theo thời gian
Như ta đã biết các ngân hàng phải huy động vốn có các mức chi phí khác nhau theo thời hạn do vậy khi cho vay ngân hàng cũng nên thực hiện mức lãi suất khác nhau theo thời gian (áp dụng mức lãi suất thấp hơn đối với các khoản vay có thời hạn ngắn hơn vì chi phí huy động vốn với thời hạn ngắn cũng rẻ hơn).Và một yếu tố nữa là những khoản vay với thời hạn ngắn thì thường tiềm ẩn ít rủi ro hơn, do vậy những khoản vay có thời hạn ngắn hơn mà áp dụng một mức lãi suất thấp hơn cũng là điều hợp lý.
- Lãi suất giảm dần theo mức tăng qui mô của các khoản tín dụng
Lý do là có thể áp dụng chính sách này là bởi vì cùng với một khoản cho vay mà có giá trị lớn thì ngân hàng sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với nhiều khoản vay có giá trị nhỏ gộp lại vì ngân hàng chỉ cần một lần thẩm định dự án, xác định giá trị tài sản đảm bảo… tuy vậy chính sách này chỉ nên áp dụng với những khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh làm ăn hiệu quả và hoàn toàn có khả năng trả nợ đúng hạn. Bởi vì rủi ro đem lại cũng cao hơn khi rủi ro tập trung toàn bộ cho một dự án thay vì chia sẻ cho nhiều dự án.