II. Thực trạng triển khai chiến lược xúc tiến hỗn hợp trong kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm
4. Hoạt động tuyên truyền
4.1. Mục tiêu tuyên truyền
Mục tiêu của Bảo Long Hà Nội khi thực hiện tuyên truyền trước hết nhằm làm cho nhiều người biết đến Bảo Long hơn, từ đó thuyết phục, lôi kéo khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm của mình. Bên cạnh đó còn có mục đích mang tính xã hội hơn, đó là tuyên truyền cho người dân biết rằng việc mua bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba là bắt buộc, là trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ xe, lái xe khi tham gia giao thông. Vì người sử dụng xe cơ giới là loại phương tiện luôn tiềm ẩn nguồn nguy hiểm cao độ phải có trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng. Về nguyên tắc, chủ xe cơ giới phải bồi thường thiệt hại cho người thứ ba khi phương tiện tham gia giao thông không may gây tai nạn. Nhưng trong thực tế nhiều nạn nhân, nhiều gia đình nạn nhân không được bồi thường thiệt hại do chủ xe không đủ khả năng tài chính hoặc người gây tai nạn bị chết trong vụ tai nạn. Do vậy để đảm bảo mọi người dân bị thiệt hại do xe cơ giới gây ra đều được bồi thường thoả đáng, Nhà nước quy định bắt buộc chủ phương tiện phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba. Mục tiêu tuyên truyền của chi nhánh ngoài giúp cho khách hàng thấy được tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, còn cho họ thấy được những lợi ích mà họ được hưởng khi tham gia loại hình bảo hiểm này. Vì khách hàng thường quan tâm đến quyền lợi của họ trước tiên. Nhiệm vụ của Bảo Long Hà Nội là chỉ ra cho họ thấy được: nếu không may chiếc xe gây ra tai nạn, Bảo Long Hà Nội sẽ thay thế họ bồi thường cho người bị nạn khi được chủ xe yêu cầu, hoặc nếu họ đã bồi thường thì Bảo Long Hà Nội sẽ hoàn trả cho họ số tiền họ đã bồi thường.
4.2. Nội dung tuyên truyền
Nội dung tuyên truyền chủ yếu là giới thiệu về Bảo Long Hà Nội, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, các nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu. Đồng thời tuyên truyền về trách nhiệm tham gia bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba do Pháp luật quy định. Các quy định bắt buộc đó được thể chế hoá bằng các văn bản Pháp luật:
• Bộ luật Dân sự (Điều 532.2 và 584), Luật kinh doanh bảo hiểm (Điều 8.2.a) của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Những quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực.
• Nghị định số 115/1997/NĐ-CP (17/12/1997) về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định: Doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới, kể cả chủ xe là người nước ngoài sử dụng xe cơ giới trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
• Nghị định 15 của Chính phủ (Chương V, điều 25) quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ bảo hiểm như sau:
+ Khoản 2b: Phạt tiền từ 20000 đồng đến 50000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực khi sử dụng xe mô tô.
+ Khoản 3c: Phạt tiền từ 50000 đồng đến 100000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực.
Ngoài ra Bảo Long Hà Nội còn tuyên truyền những lợi ích đối với khách hàng khi tham gian bảo hiểm nói chung và bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba nói riêng. Vì những lợi ích kinh tế trực tiếp thường tác động tới khách hàng và mang lại hiệu quả rõ nét nhất.
4.3. Thiết kế thông điệp và lựa chọn công cụ tuyên truyền
Thông điệp tuyên truyền mà Bảo Long Hà Nội muốn gửi tới khách hàng được thể hiện qua câu khẩu hiệu của Bảo Long: “An toàn nhất, tin cậy nhất, hiệu quả nhất”. Điều đó chứng tỏ Bảo Long Hà Nội luôn muốn cung cấp những dịch vụ tốt nhất mang lại sự an toàn cho khách hàng của mình. Đồng thời tạo chỗ dựa cho họ và lòng tin từ phía khách hàng.
Công cụ để thực hiện tuyên truyền mà Bảo Long Hà Nội có thể sử dụng thường là tivi, rađio, báo, tạp chí… Tuy nhiên Bảo Long Hà Nội mới chỉ dừng lại ở việc quảng cáo, giới thiệu về công ty và chi nhánh trên một số báo. Còn với hình thức tuyên truyền qua tivi và rađio thì do nhiều nguyên nhân mà đến nay vẫn chưa được thực hiện, trong đó có nguyên nhân về tài chính.
Riêng đối với nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba, Bảo Long Hà Nội luôn muốn khách hàng của mình hiểu rõ tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba vừa là chấp hành quy định bắt buộc của Pháp luật, vừa bảo vệ chính mình khi tham gia giao thông, vì giao thông đường bộ là loại hình giao thông có nguồn nguy hiểm cao nhất.
4.4.Thực hiện tuyên truyền
Trong tổng chi dành cho xúc tiến hỗn hợp, Bảo Long Hà Nội vẫn trích một khoản để chi cho tuyên truyền.
Bảng 12: Ngân sách tuyên truyền của Bảo Long Hà Nội (2001-2005)
Chỉ tiêu 2001 2002 2003 2004 2005
Ngân sách tuyên truyền
(tr. đ) 24.00 24.25 48.00 69.75 37.40
Tốc độ tăng ngân sách
tuyên truyền (%) - 1.04 97.94 45.31 -46.37
Nguồn: Bảo Long Hà Nội
Ngân sách tuyên truyền của Bảo Long Hà Nội tăng liên tục từ năm 2001 đến 2004. Tuy nhiên tốc độ tăng không đều (năm 2002 ngân sách tuyên truyền tăng 1,04% so với 2001, từ năm 2002 đến 2003 tăng gần gấp đôi, đến năm 2004 tốc độ tăng giảm xuống còn 45,31%). Năm 2005 ngân sách tuyên truyền giảm xuống 46,37%, chỉ còn 37,4 triệu đồng. Kế hoạch ngân sách tuyên truyền năm 2006 đã được lập ngay từ đầu năm là 88,15 triệu đồng, tăng ngân sách lên 35,69% so với năm 2005.
Tháng 4 năm 2004 Bảo Long Hà Nội in tờ gấp cho Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam tuyên truyền về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba. Nội dung của tờ gấp bao gồm:
- Vì sao phải bắt buộc các chủ xe cơ giới tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba? Trước hết để đảm bảo mọi người dân bị thiệt hại do xe cơ giới gây ra đều được bồi thường thoả đáng. Chính vì vậy bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trước hết nhằm mục đích nhân đạo- bảo vệ quyền lợi của người dân. Hơn nữa bảo hiểm này cũng có lợi cho chủ xe: nếu không may gây ra tai nạn, doanh nghiệp thay thế họ bồi thường cho người bị nạn khi được chủ xe yêu cầu, hoặc doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hoàn trả cho họ số tiền khi họ đã bồi thường.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật của Nhà nước: Bộ luật
nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Những quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực. Nghị định số 115/1997/NĐ-CP (17/12/1997) về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Bên cạnh đó còn có Nghị định 15 của Chính Phủ (chương V, điều 25) quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ bảo hiểm .
- Cách tính bồi thường thiệt hại, gồm bồi thường thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng của người bị nạn và cách tính bồi thường thiệt hại tài sản của người thứ ba theo thiệt hại thực tế và mức độ lỗi.
- Mức trách nhiệm và biểu phí bảo hiểm bắt buộc của chủ xe mô tô với thời hạn 1 năm; ưu đãi về phí bảo hiểm cho trường hợp tham gia bảo hiểm dài hạn trên một năm.
- Những điểm mới trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba như: mức trách nhiệm về người nâng lên 30 triệu đồng/ người/ vụ, tăng 2,5 lần so với mức cũ (12 triệu đồng/người/vụ), nhưng phí chỉ tăng 1,2 lần; giảm bớt các thủ tục bồi thường và các trường hợp loại trừ bảo hiểm…
Ngoài bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba bắt buộc theo quy định của Pháp luật, chủ xe có thể tham gia bảo hiểm trách nhiệm tự nguyện- phần vượt quá mức trách nhiệm bắt buộc (về phí bảo hiểm, mức trách nhiệm và điều kiện bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe thoả thuận).
Năm 2005, Bảo Long Hà Nội tài trợ cho giải bóng đá thanh niên Tuyên Quang- nơi có tổng đại lý lớn của Bảo Long Hà Nội với doanh thu khoảng 200 triệu đồng (2004). Ngoài ra Bảo Long Hà Nội luôn đóng góp một phần kinh phí cho hoạt động của thanh niên quận Ba Đình- Hà Nội (nơi đặt trụ sở chính của chi nhánh). Tất cả những hoạt động này có tác dụng tuyên truyền quảng bá hình ảnh của công ty và chi nhánh Bảo Long Hà Nội, tạo mối quan hệ tốt với các tổ chức, với khách hàng.
4.5. Đánh giá kết quả tuyên truyền
Cũng giống như quảng cáo, đánh giá kết quả của hoạt động tuyên truyền rất khó vì những tác động của nó không trực tiếp và không dễ nhận biết. Thực tế số lần xuất hiện thông tin trên báo của Bảo Long Hà Nội không nhiều và không liên tục. Với tần suất như vậy thì chưa đủ để đo lường thái độ của khách hàng về phương thức tuyên truyền và cách thức thực hiện. Tuy nhiên nó vẫn có tác dụng
thông báo về sự có mặt và tồn tại của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Điều đó cũng giúp cho khách hàng biết đến Bảo Long Hà Nội và tìm đến khi có nhu cầu tham gia các loại hình bảo hiểm nói chung và bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba nói riêng. Nhờ có những hoạt động tuyên truyền của Bảo Long Hà Nội, người dân có cơ hội hiểu rõ hơn về tác dụng của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba và nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định Pháp luật. Nhưng do ngân sách tuyên truyền không ổn định và còn hạn chế nên việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền không thường xuyên, không liên tục nên hiệu quả mang lại không được như mong muốn. Do đó Bảo Long Hà Nội nên chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền để ngày càng nhiều người biết đến chi nhánh và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.