3. Hoạt động văn hoá thông tin
3.3.5. Lựa chọn các loại hình, nội dung và hình thức văn hoá mới phù hợp với nhu cầu văn hoá tinh thần của người Mông
nhu cầu văn hoá tinh thần của người Mông
Nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người Mông được hay không một phần quan trọng nhờ vào vấn đề lựa chọn loại hình văn hoá, nội dung và hình thức văn hoá mới sao cho phù hợp với xã hội và đời sống tinh thần của người Mông.
Các loại hình văn hoá mới như rạp chiếu phim, nhà văn hoá, thư viện... chủ yếu đáp ứng nhu cầu thời gian rỗi hàng ngày đều ít thu hút được người Mông đến xem. Ngược lại, so với văn hoá mới (văn hoá công nghiệp), văn hoá dân gian vừa thích hợp với người Mông, vừa có "ưu điểm" hơn. Trong bảng giá trị của người Mông, tính cộng đồng, bình đẳng luôn được đề cao. Tham gia lễ đuổi ma tà, đi dự hội, hoặc hát giao duyên, người Mông đều thấy bình đẳng với mọi người, thấy sức mạnh của cộng đồng. Nhưng khi tham gia sinh hoạt văn hoá mới, tính cộng đồng thường "chìm" đi, nhường chỗ cho cá nhân phát triển. Mặt khác, trong sinh hoạt văn hoá dân gian, người dân vừa là khán giả, vừa là diễn viên. Do đó, khi tham dự lễ hội, họ vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ vừa đáp ứng cả nhu cầu sáng tạo (trực tiếp hát, tham dự các trò chơi). Trong khi đó, nếu xem phim, xem nghệ thuật, người dân chỉ đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ,
họ chỉ vừa lòng với vai trò khán giả bình thường. Vì vậy, sự giải toả tinh thần của văn hoá dân gian diễn ra sâu sắc hơn văn hoá mới.
Trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở mới chỉ coi trọng một chiều văn hoá chuyên nghiệp xuống phục vụ cơ sở nhân dân. Quan niệm và thực tế hoạt động như vậy ít khuyến khích người dân chủ động sáng tạo văn hoá mà chỉ thụ động chờ đón văn hoá mới của nhà nước đem đến. Ngược lại, văn hoá dân gian truyền thống khi được khơi nguồn sẽ khuyến khích quần chúng tham gia đông đảo với ý thức chủ động và tự giác. Một đội nghệ thuật quần chúng chỉ có một số ít diễn viên được tham gia, nhưng cuộc hát giao duyên lại thu hút gần như hầu hết nam nữ thanh niên trong làng. Sự hưởng ứng của quần chúng với văn hoá dân gian là rộng khắp vì văn hoá dân gian truyền thống vừa phù hợp với nhu cầu thị hiếu của quần chúng vừa dễ tổ chức, điều kiện hoạt động đơn giản, thích hợp với cuộc sống của người dân nông thôn miền núi. Một đêm biểu diễn nghệ thuật quần chúng phải có đủ ánh sáng, phương tiện, nhạc công... Nhưng một tối hát giao duyên chỉ cần sự nhiệt tình và giọng hát của những người tham dự. Một hội diễn phải có ban tổ chức, ban giám khảo, có kinh phí cho luyện tập, kinh phí cho giải thưởng. Song tổ chức một hội làng, một lễ hội của vùng chỉ cần một chút lễ vật (chi cho phần lễ), một vài giải thưởng (có giá trị tinh thần là chính). Do đó, sự chi phí của văn hoá dân gian đơn giản, không tốn kém và phù hợp với điều kiện sinh hoạt văn hoá của người Mông.
Vì vậy, có thể nhận định ở vùng người Mông Hà Giang văn hoá dân gian tồn tại như một thực thể chủ đạo. Đồng thời văn hoá dân gian còn chi phối các hoạt động văn hoá mới: về chất lượng, về phương thức hoạt động... Người Mông rất yêu thích dân ca, đồng bào nghe đài phát tiếng Mông hầu hết đều yêu thích chương trình dân ca của đài. Chương trình phát thanh tiếng Mông muốn thu hút đông đảo thính giả Mông phải có chương trình dân ca, có chương trình âm nhạc Mông hấp dẫn. Tổ chức các hoạt động văn hoá ở vùng đồng bào Mông (dù văn hoá dân gian hay văn hoá mới) đều phải tôn trọng chu kỳ thời gian rỗi cấp mùa vụ của người Mông, tổ chức các hoạt động trong thời điểm nông nhàn (không mở hội diễn trong khi người dân đang sản xuất nương rẫy dù đó là ngày kỷ niệm lớn). Như vậy, trong giải pháp lựa chọn loại hình hoạt động văn hoá ở vùng
người Mông Hà Giang thì hết sức coi trọng loại hình văn hoá dân gian, khơi nguồn tạo điều kiện cho văn hoá dân gian phát triển là chủ yếu.
Trong thời gian này văn hoá dân gian vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng dần dần văn hoá mới - văn hoá công nghiệp sẽ chiếm lĩnh mặt bằng đời sống văn hoá tinh thần của người Mông. Do đó, bên cạnh vấn đề khơi nguồn văn hoá dân gian phát triển cần chú ý lựa chọn các loại hình văn hoá mới thâm nhập vào vùng người Mông.
Người Mông cư trú ở vùng cao - địa bàn hiểm trở, giao thông kém phát triển. Người Mông cư trú mang tính chất biệt lập, kinh tế chủ yếu vẫn là kinh tế tự cung tự cấp. Môi trường sống mang tính chất khép kín. Do đó nhu cầu thông tin, nhu cầu giao tiếp văn hoá là nhu cầu đặc biệt cấp thiết ở vùng người Mông. Thông tin ở xã hội người Mông truyền thống là thông tin trực tiếp, được thực hiện bằng những cuộc tụ họp nhóm nhỏ: dăm ba người đàn ông hút thuốc lào trò chuyện, một tốp phụ nữ đợi lấy nước thông tin cho nhau những điều tai nghe mắt thấy trong ngày, trước hết là chuyện trong nhà, ngoài ngõ, chuyện thời tiết... Những người đi chợ về, những người từ nơi xa đến là những nguồn thông tin lớn. Hiện nay hình thức thông tin này vẫn tồn tại nhưng người dân có nhu cầu muốn được thông tin gián tiếp qua hệ thống thông tin đại chúng. Do đó, xây dựng đời sống văn hoá ở vùng người Mông thì biện pháp hàng đầu là nâng cao chất lượng thông tin đại chúng. Biện pháp hàng đầu là đầu tư đổi mới cả về kỹ thuật và nội dung của các đài phát thanh tiếng Mông ở trong nước. Đảm bảo diện phủ sóng của các đài này mở rộng khắp vùng người Mông, chương trình phát tiếng Mông hấp dẫn với đồng bào. Giờ phát thanh nên phát sớm vào lúc người Mông ngủ dậy chuẩn bị đi làm, khoảng từ 4h30 đến 5h sáng. Và buổi tối phát vào thời điểm thời gian rỗi cấp ngày của người Mông: trước khi đồng bào đi ngủ (khoảng từ 21h đến 22h). Nội dung phát cần tăng cường chương trình văn nghệ: hát dân tộc, độc tấu sáo Mông, đàn môi... có chương trình kể chuyện cổ tích đan xen với chương trình kể chuyện làm ăn, phổ biến kiến thức...
Trong hệ thống thông tin đại chúng, chương trình truyền hình cần phát huy hiệu quả cao hơn ở vùng người Mông. Những đặc điểm của sóng truyền hình là sóng lan truyền theo đường thẳng mà ở vùng cao, núi nhiều nên công suất lớn của các trạm này rất hạn chế. Vì vậy cần nghiên cứu một chiến lược phủ sóng truyền hình ở vùng người
Mông một cách hiệu quả và thiết thực. Tăng cường lắp đặt các trạm thu phát truyền hình công suất nhỏ nhưng có số lượng nhiều để tăng diện phủ sóng.
Mặt khác, bên cạnh các loại hình thông tin gián tiếp, cần đặc biệt coi trọng loại hình thông tin trực tiếp, tiêu biểu nhất là hoạt động của các đội thông tin lưu động được trang bị gọn nhẹ (gồm xe máy, video, camera...) có điều kiện toả xuống các bản làng tuyên truyền kiến thức bằng các hình thức nghệ thuật như kịch thông tin, băng hình thông tin... Trình độ tư duy của người Mông là cụ thể và đơn giản (không phải là tư duy trừu tượng), tâm lý người Mông là đề cao sự trung thực, nhìn nhận cụ thể sự vật bằng sự thật, "trăm nghe không bằng một thấy", cho nên phương thức hoạt động thông tin lưu động là tuyên truyền về người thật, việc thật, camera quay những con người, hình ảnh cụ thể chiếu lại cho đồng bào xem rất phù hợp với tư duy và tâm lý người Mông. Giá trị tuyên truyền càng nâng cao, lượng thông tin càng có chiều sâu và lan rộng các đối tượng. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, lực lượng thông tin lưu động vẫn là đội quân chủ lực truyền tải thông tin đến các làng Mông xa xôi.
Một số hình thức thông tin trực tiếp khác có điều kiện gắn liền người tuyên truyền với người được tuyên truyền như các buổi nói chuyện của các cán bộ, tuyên truyền của các đội truyền thông, các đoàn thể về dân số, phòng dịch bệnh... cần chú trọng phát triển. Lượng thông tin trực tiếp tuy không lan xa bằng phương tiện thông tin gián tiếp (đài, báo...) nhưng lại hấp dẫn, có khả năng truyền cảm cao. Hình thức thông tin trực tiếp càng có hiệu quả ở những môi trường tập trung đông người (chợ phiên, cuộc họp, lễ hội...). Do đó cần coi trọng hình thức thông tin trực tiếp, nâng cao tính hấp dẫn, lượng truyền thông tin của thông tin trực tiếp.
Trong điều kiện địa hình phức tạp, các đoàn nghệ thuật không đến được nhiều ở các xã, bản vùng cao nên lực lượng điện ảnh - video lưu động là đội quân nghệ thuật quan trọng nhất hiện nay. Điện ảnh, video là loại hình nghệ thuật hấp dẫn đối với người Mông. Phim chiếu ở vùng người Mông cần có cấu trúc giản dị, phần lớn đi theo mạch thời gian, âm thanh nghe rõ, phối hợp với trình độ, thị hiếu của người dân vùng cao.Các đơn vị chiếu bóng với phương tiện gọn nhẹ, dễ cơ động hơn nhiều loại hình nghệ thuật khác, có khả năng đến được các làng Mông xa xôi, hẻo lánh, phục vụ đồng bào. Trang
thiết bị của điện ảnh (video) dễ đầu tư, số người vận hành gọn nhẹ, được trang bị thêm xe máy là có thể đến được hầu hết các xã người Mông. Nơi chiếu video cũng đơn giản, đó chỉ là lớp học, là một bãi tương đối bằng phẳng ở ven bản, là ngôi nhà của một gia đình... là có thể thích hợp với vùng cao. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tác phẩm của điện ảnh và video. Bộ Văn hoá đã có những băng hình cung cấp cho miền núi nhưng chương trình chưa thật hấp dẫn, còn phim và băng hình lại chủ yếu là tiếng phổ thông... Cần phải đổi mới khâu sản xuất băng hình cho vùng người Mông, cần sản xuất các băng hình lồng tiếng Mông cho các đội chiếu video, các đội thông tin lưu động. Khâu sản xuất được tổ chức tại cấp tỉnh (đối với băng tuyên truyền) thì nội dung sẽ phù hợp với người xem.
Như vậy các loại hình văn hoá được lựa chọn phù hợp với vùng đồng bào Mông bao gồm các loại hình văn hoá dân gian (đặc biệt là lễ hội), hệ thống thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, trạm thu phát truyền hình), đội thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động được coi là đội quân chủ lực truyền tải văn hoá mới lên vùng cao và các loại hình văn hoá sử dụng văn tự, sách...