3. Hoạt động văn hoá thông tin
3.1.1. Những nhân tố tích cực
Trước hết, đó là sự bùng nổ của truyền thông toàn cầu (hay toàn cầu hoá truyền thông đại chúng) là một hệ quả tất yếu sự phát triển của thế giới về kinh tế, văn hoá xã hội, khoa học kỹ thuật cùng với sự giao lưu giữa các quốc gia, dân tộc. Sức mạnh của truyền thông là mang lại những lợi ích thiết thực cho con người. Toàn cầu hoá truyền thông đã làm cho sự phát triển văn hoá của vùng, miền, cũng như của các quốc gia, dân tộc có sự biến đổi sâu sắc [22]. Có thể xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung tác động của truyền thông toàn cầu đến sự biến đổi văn hoá được biểu hiện trên
các phương diện: tư tưởng, tôn giáo; đạo đức, lối sống; khoa học công nghệ; giải trí,
nghệ thuật…
Sự tác động của truyền thông toàn cầu đã góp phần: nâng cao trình độ dân trí hiểu biết của con người, khẳng định những giá trị văn hoá chuẩn mực; giáo dục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của tộc người, của dân tộc; giáo dục, xây dựng lối sống tích cực trong đời sống xã hội, là cơ sở để sáng tạo các giá trị văn hoá mới, tạo ra hình thức, phương tiện mới để giao lưu văn hoá, chọn lọc tiếp thu các giá trị của các nền văn hoá khác.
Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn của các dân tộc thiểu số Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh thế giới có những định hướng quan trọng cho việc xây dựng các chính sách, biện pháp về bảo vệ và phát triển văn hoá trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các quốc gia có quyền xây dựng và thực hiện các chính sách biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ nền văn hoá truyền thống và phát huy các hình thức biểu hiện văn hoá và ngôn ngữ của mình. Tăng cường tinh thần đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển nhằm giúp đỡ các nước này có thể tạo thế cân bằng hơn trong thương mại sản phẩm và dịch vụ văn hoá, thúc đẩy sự đa dạng trong biểu hiện văn hoá. Công ước về bảo vệ và phát huy tính đa dạng trong các biểu đạt văn hoá của UNESCO đang có hiệu lực.
Đảng và Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách thiết thực tạo môi trường pháp lý, nguồn đầu tư cho việc xây dựng đời sống văn hoá trên các địa bàn cơ sở cả nước. Nhà nước tiếp tục thực hiện các Chương trình cấp quốc gia về xoá đói, giảm nghèo, về văn hoá, thông tin, phòng chống tội phạm; Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam và các phong trào thi đua yêu nước; chủ động bố trí nguồn ngân sách ở mức 1,8% trong tổng ngân sách quốc gia cho văn hoá.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của cả nước cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc Mông đã thu được những kết quả nhất định, đặc biệt là những kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện bước đầu. Những kết quả này có hiệu quả tốt với việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, các tệ nạn xã hội. Điều đó tạo niềm tin cho người dân, cho cán bộ, đảng viên. Qua đó, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân, bà con dân tộc thiểu số về vai trò của văn hoá được nâng lên, khơi dậy tính tự giác, chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động văn hoá.
Việc mở rộng được dân chủ trong xã hội, trong đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số, cùng với sự tiếp xúc được thông tin phong phú, đa dạng-trách nhiệm của người dân nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng về vấn đề văn hoá xã hội sẽ được phát huy.
Cùng với cả nước, xã hội hoá các hoạt động văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã có bước phát triển nhanh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Điều này sẽ thúc đẩy các hoạt động văn hoá và dịch vụ tăng nhanh, tạo điều kiện cho người dân trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá, xây dựng đời sống văn hoá ngày càng phát triển.