3. Hoạt động văn hoá thông tin
2.3.1. Có sự đan xen giữa yếu tố truyền thống và yếu tố mới trong đời sống văn hoá của dân tộc Mông tỉnh Hà Giang
Đời sống văn hoá dân tộc Mông ở Hà Giang trong quá trình đổi mới đã xuất hiện các xu hướng khác nhau. Có xu hướng yếu tố văn hoá truyền thống bị suy yếu hoặc biến mất khỏi đời sống tinh thần người Mông, có xu hướng yếu tố truyền thống được cải tiến, nâng cao thích hợp với đời sống văn hoá tinh thần hiện tại; có yếu tố văn hoá mới xuất hiện trong đời sống văn hoá của người Mông...
Diện mạo đời sống văn hoá tinh thần người Mông Hà Giang hôm nay có đan xen giữa yếu tố văn hoá truyền thống với văn hoá mới, cùng cộng sinh tồn tại. Sự đan xen này thể hiện ở nhiều dạng khác nhau. Có khi trong một sinh hoạt văn hoá, văn hoá truyền thống đóng vai trò nội dung cần truyền tải, văn hoá mới lại là phương tiện. Những năm
gần đây, đài, video catset, truyền hình đã trở thành những sinh hoạt văn hoá khá thông dụng của người Mông Hà Giang. Có khi trong sinh hoạt văn hoá truyền thống lại chứa đựng một số yếu tố văn hoá mới. Các yếu tố văn hoá truyền thống còn đan xen vào sinh hoạt văn hoá hiện đại, trở thành một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt văn hoá hiện đại. Tiêu biểu là các chương trình biểu diễn của đội thông tin lưu động, các đội văn nghệ xung kích (đến phục vụ các phiên chợ, các làng Mông) bao giờ cũng có các tiết mục văn nghệ dân gian, từ điệu múa khèn đến tiếng sáo, kèn lá hoặc những bài hát dân ca. Nhiều chương trình hoạt động văn nghệ hát dân ca thu hút khán giả. Như vậy, truyền thống vẫn được bảo lưu, nó không chỉ bám rễ trong sinh hoạt văn hoá truyền thống mà còn thâm nhập vào các sinh hoạt văn hoá mới, làm cho các sinh hoạt này càng thêm phong phú, thu hút được đông đảo tầng lớp người Mông ở Hà Giang tham gia.
Các yếu tố văn hoá mới thâm nhập vào văn hoá truyền thống dân tộc Mông, liên kết với yếu tố văn hoá truyền thống góp phần phát triển đời sống văn hoá tinh thần người Mông.
Trước hết là trong ngôn ngữ: hàng loạt từ mới có nguồn gốc từ tiếng Việt và một
số dân tộc khác được bổ sung cho kho từ vựng Mông. Đó là các loại từ phản ánh sự biến đổi phát triển trong sản xuất mới, kinh tế văn hoá, xã hội, các từ phản ánh quan hệ chính trị về bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các từ phản ánh kỹ thuật và phương thức sản xuất… Tuy nhiên những từ vị cơ bản trong ngôn ngữ Mông và cấu trúc ngữ pháp Mông vẫn giữ nguyên. Có nhiều từ hiện đại có nguồn gốc Hán - Việt, nhưng các từ này chỉ được kết hợp với nhau theo một quy tắc ngữ pháp Mông. Không có quy tắc ngữ pháp này không thể hiểu nghĩa dù chỉ là một câu. Ngôn ngữ Mông trở nên phong phú có khả năng phản ánh được nhiều yếu tố mới trong đời sống.
Trong nghệ thuật biểu diễn: cây sáo Mông từ vị trí người bạn tâm tình của các
chàng trai Mông đã được các nghệ sỹ nâng cao trở thành nhạc cụ biểu diễn độc đáo. Cây sáo Mông truyền thống có âm sắc độc đáo, đậm đà chất trữ tình, nhưng có hạn chế là âm lượng thấp, giai điệu chậm và đơn sơ. Người Mông hôm nay đã cải tiến nâng cao âm lượng sáo mở rộng bậc âm (từ 6 lỗ nâng lên 13 lỗ), tạo thêm âm thanh rè bằng cách sửa đổi góc độ của lưỡi gà. Tính năng của sáo Mông được phát triển nhờ biểu diễn kết hợp
với khèn, đàn môi, sáo đôi, sáo dàn (7 cây). Sáo Mông không chỉ là nhạc cụ độc tấu mà còn là nhạc cụ hoà âm…Và các điệu múa khèn, múa gậy tiền cũng được các biên đạo múa nghiên cứu nâng cao. Cây sáo Mông, điệu múa khèn Mông, múa gậy tiền Mông được kế thừa, nâng cao trở thành đặc sắc nghệ thuật riêng của dân tộc Mông trong vườn hoa văn hoá nghệ thuật Việt Nam.
Văn hoá chợ: ở vùng cao không chỉ là trung tâm trao đổi hàng hoá mà còn là trung
tâm giao lưu văn hoá. Nam nữ thanh niên đi chợ để được gặp gỡ, hát giao duyên. Nhiều người đến chợ để thăm hỏi họ hàng, trò chuyện với bạn bè bên mâm “thắng cố”. Sinh hoạt văn hoá truyền thống ở chợ diễn ra chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp, nhu cầu giải trí. Hiện nay, ngành văn hoá thông tin Hà Giang đã xây dựng một số thiết chế văn hoá ở chợ như sân khấu hoạt động văn nghệ thông tin, phòng chiếu phim, điểm chụp ảnh…Sinh hoạt văn hoá ở chợ được kế thừa và nâng cao, có tổ chức và mang tính chất tự giác, đáp ứng đượ nhiều nhu cầu của nhân dân.
Văn hoá dân gian: Trong đời sống xã hội người Mông trước đây, các loại hình văn
hoá dân gian gần như đóng vai trò độc tôn. Đầu thế kỷ này một vài yếu tố văn hoá mới đã len lỏi vào xã hội Mông (sách báo, radio) nhưng mới chỉ xuất hiện ở một vài gia đình thổ ty, tay sai người Pháp. Từ giữa thập kỷ 60 thế kỷ XX đến nay các loại hình văn hoá mới - văn hoá công nghiệp hiện đại đã được chuyển tải đến các làng Mông Hà Giang. Đó là các loại hình văn hoá sử dụng bằng hình ảnh (điện ảnh, video, nhiếp ảnh), các loại hình văn hoá sử dụng văn tự (chữ quốc ngữ và chữ Mông), loại hình thông tin đại chúng (hệ thống phát thanh, truyền thanh và truyền hình, báo chí và internet...).
Mặt khác, tuy với những mức độ khác nhau, một số yếu tố văn hoá tinh thần mới đã thâm nhập vào đời sống tinh thần người Mông. Có những yếu tố văn hoá như hệ thống thông tin đại chúng (nhất là radio, truyền hình) đã xâm nhập mạnh mẽ trong mỗi gia đình Mông, nhưng cũng có yếu tố văn hoá chỉ thâm nhập mạnh mẽ trong một thời gian ngắn sau lại bị hạn chế như chữ viết Mông. Có yếu tố suốt một thời gian dài thâm nhập khá chật vật thậm chí bị chối bỏ nhưng những năm gần đây lại tác động khá mạnh mẽ vào đời sống tinh thần Mông như Kitô giáo. Trong hệ thống thông tin đại chúng, các phương tiện nghe và nhìn có khả năng thâm nhập mạnh vào vùng người Mông (radio
và tivi) nhưng các loại báo và tạp chí chỉ dừng lại ở khu vực thị xã, thị trấn hoặc các giáo viên cán bộ là chủ yếu. Loại hình sử dụng văn tự (kể cả chữ Mông) hiện nay khó có điều kiện tác động, thâm nhập vào đời sống văn hoá tinh thần Mông. Bên cạnh các yếu tố văn hoá mới thâm nhập vào đời sống văn hoá tinh thần người Mông còn xuất hiện các giá trị văn hoá mới. Trong xã hội truyền thống, người Mông đề cao sự cố kết cộng đồng dòng họ, dân tộc. Nhưng trong quá trình đoàn kế chống ngoại xâm và xây dựng, phát triển kinh tế vùng cao, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, người Mông đã có ý thức đoàn kết các dân tộc anh em. Từ sự đề cao cố kết dân tộc đến đoàn kết các dân tộc là một sự biến đổi mạnh mẽ trong đời sống tinh thần Mông.
Trong xã hội truyền thống, người Mông không có khái niệm cụ thể về Tổ quốc. Họ cho rằng, Tổ quốc chỉ là những nơi người Mông đang sống, còn những nơi khác là đất nước của các dân tộc khác. Trong ngôn ngữ người Mông chỉ có từ “Tráng Tế” là quê hương, là những mảnh đất, mảnh rẫy người Mông đang trồng trọt để đảm bảo sự sống. Nhưng trong quá trình đoàn kết dân tộc, cùng chung lưng chống giặc ngoại xâm, xây dựng Tổ quốc người Mông là Tổ quốc Việt Nam. Và tinh thần yêu nước trở thành một giá trị mới trong bảng giá trị của người Mông. Mặt khác các giá trị trong quan hệ xã hội như lòng vị tha, tính cộng đồng…nay cũng được nâng lên một trình độ mới. Trong lao động sản xuất, người Mông không chỉ đề cao đức tính cần cù, sự kiên trì, nhẫn nại mà bước đầu còn chú trọng tới việc tính toán đầu tư canh tác và chi tiêu. Sự tính toán và tiết kiệm này đã nảy nở ở vùng trồng cây đặc sản, có sản xuất hàng hoá…