Những nhân tố tác động tiêu cực

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đời sống văn hoá của dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang hiện nay doc (Trang 82 - 83)

3. Hoạt động văn hoá thông tin

3.1.2. Những nhân tố tác động tiêu cực

Trước hết là những vấn đề từ truyền thông toàn cầu đưa lại, như: việc sử dụng ngôn ngữ. Nếu tham gia “làng truyền thông toàn cầu” với hơn 80% là tiếng Anh để tiếp nhận, trao đổi các thông tin văn hoá, thì sẽ dẫn đến tình trạng: khả năng điều khiển vận dụng ngôn ngữ của từng dân tộc, quốc gia bị giảm xuống. Sự tác động của những nước có nền công nghiệp văn hoá phát triển đi cùng với ưu thế về thông tin, sẽ dẫn đến áp đặt về văn hoá đối với các quốc gia khác. Việc lưu hành những thông tin phản văn hoá, nhất là trên mạng máy tính toàn cầu, sẽ có tác động xấu về văn hoá, xã hội. Nó không những làm băng hoại về đạo đức mà có khi còn đe doạ đến vấn đề bảo tồn sự đa dạng văn hoá. Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam không nằm ngoài sự tác động đó.

Mặt khác, khi trình độ kỹ thuật truyền thông càng phát triển mạnh mẽ, thì càng tạo ra thách thức mới đối với chủ thể tiếp nhận, sáng tạo cũng như quản lý văn hoá. Sự phát triển không đồng đều của truyền thông đại chúng trên thế giới đã dẫn đến sự chênh lệch về hưởng thụ các sản phẩm truyền thông văn hoá, nhất là đối với các nước đang phát triển. Lợi thế thường thuộc về những tập đoàn truyền thông khổng lồ ở các nước phát triển. Chính điều này cũng dễ dẫn đến áp đặt văn hoá và biến sản phẩm văn hoá thành hàng hoá đơn thuần trong vòng xoáy thương mại của nó. Đối với vùng dân tộc thiểu số, nơi mà dân trí thấp, kinh tế-xã hội chậm phát triển, thì sự tác động đó đang hàng ngày hàng giờ làm mất đi bản sắc dân tộc.

Toàn cầu hoá về kinh tế đang đem lại những thời cơ và thách thức. Về mặt tiêu cực, toàn cầu hoá đang là nguyên nhân làm tăng lạm phát, giảm tốc độ phát triển của một số nền kinh tế. Việc tự do hoá các sản phẩm kinh tế cùng với việc toàn cầu hoá thông tin qua mạng Internet, đã dẫn tới việc xâm thực về văn hoá và tư tưởng. Vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng các dân tộc thiểu số nước ta cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá và bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, mỗi địa phương. Không những thế, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, nhân dân đang suy thoái.

Những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động hàng ngày vào đời sống của nhân dân, của bà con dân tộc thiểu số. Trước hết đó là sự phân hoá giàu nghèo trong vùng dân tộc thiểu số sinh sống, giữa miền xuôi và miền ngược. Đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc Mông sinh sống cũng đang đứng trước những vấn đề bức xúc: tệ nạn ma tuý, HIV, những hiện tượng phản văn hoá, tội phạm gia tăng, tội buôn bán người qua biên giới, truyền đạo trái phép… Điều này đang làm giảm tính tích cực của người dân trong việc xây dựng đời sống văn hoá và phá hoại những thành quả của xây dựng đời sống văn hoá.

Sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở của hệ thống chính trị ở cơ sở. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc Mông, đội ngũ làm văn hoá vừa thiếu vừa yếu trầm trọng. Sự yếu kém về trình độ, cộng với thiếu trách nhiệm ở nhiều cơ sở, đã làm cho các hoạt động văn hoá nhiều khi chỉ mang tính hình thức, hiệu quả thấp.

Cùng với những khó khăn trên, là sự phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Dưới chiêu bài dân chủ, tự do tôn giáo tín ngưỡng, các thế lực phản động đã tập hợp lực lượng chính trị, đầu tư tiền của, truyền đạo trái phép, lôi kéo bà con dân tộc, đặc biệt là lớp trẻ chạy theo lối sống thực dụng, hám tiền, bất chấp giá trị dân tộc.

Trên đây là những thuận lợi và khó khăn trong công tác xây dựng đời sống văn hoá của những năm tới. Để khắc phục, hạn chế những khó khăn đó, chúng ta phải xây dựng được chiến lược phát triển văn hoá đúng đắn, có biện pháp và kiên quyết đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực cản trở phong trào, tạo các nguồn lực cho sự phát triển.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đời sống văn hoá của dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang hiện nay doc (Trang 82 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)