3. Hoạt động văn hoá thông tin
2.2.4. Xây dựng các thiết chế văn hoá
Hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở:
Năm 1991 trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang chỉ có 5 thư viện Huyện (Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Yên Minh và Mèo Vạc). Mỗi thư viện huyện có một cán bộ với gần 1000 bản sách. Cũng trong năm, thực hiện Quyết định số 24/UB-QĐ của UBND Tỉnh Hà Giang, Thư viện thị xã được nâng cấp thành thư viện Tỉnh với 13.000 bản sách trong đó có 7.000 bản còn sử dụng được và có 5 cán bộ chuyên môn. Đến năm 2005 đã có 10 thư viện Huyện, Tỉnh cùng 33 tủ sách cơ sở với tổng số 87.700 bản sách cùng hàng trăm loại báo, tạp chí. Ngoài ra Ngành còn phối hợp với các đồn biên phòng xây dựng 15 tủ sách, mỗi tủ có từ 500 cuốn sách trở lên. Phối hợp với Bưu điện tỉnh xây dựng được 36 tủ sách cho 36 điểm bưu điện văn hoá xã, phường. Trong những năm qua nhờ sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt có sự năng động trong công tác lãnh đạo chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, hệ thống thư viện đã tìm được nhiều nguồn tài trợ từ quỹ Thuỵ Điển - Việt Nam, Cục xuất bản, Vụ Thư viện, Thư viện quốc gia…Chính vì vậy đến năm 2007 hệ thống thư viện toàn tỉnh đã có bước phát triển khá hoàn chỉnh. Toàn tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 11 thư viện Huyện, thị với tổng số sách là 134.627 bản sách; 390 tủ sách cơ sở, trong đó 15 tủ sách đồn biên phòng, 153 tủ sách bưu điện văn hoá xã, 195 tủ sách pháp luật, 27 tủ sách cơ quan với tổng số sách hơn 200.000 bản. Đặc biệt năm 2004 thư viện tỉnh còn xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống thư viện điện tử đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của khoa học kỹ thuật và nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Các huyện có đông người Mông sinh sống như như Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Xín Mần... đều xây dựng thư viện. Độc giả thư viện là người Mông tuy còn ít, chủ yếu là học sinh các trường nội trú, các cán bộ giáo viên người Mông nhưng đây cũng là loại hình văn hoá mới bước đầu thâm nhập vào đời sống tinh thần người Mông.
Có thể nói hoạt động của hệ thống thư viện đã góp phần nâng cao dân trí, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phục vụ trong chương trình xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học…
Năm 2000 toàn tỉnh có 5 Nhà văn hoá thuộc ngành quản lý, gồm Nhà văn hoá trung tâm tỉnh, 4 nhà văn hoá các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên, Mèo Vạc.
Năm 2001 phát triển thêm được 5/193 nhà văn hoá xã, 142/1.820 trụ sở thôn đồng thời là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
Năm 2002 Nhà văn hoá xã vẫn là 5/193; trụ sở thôn là 406/1.830 Năm 2003 Nhà văn hoá xã 40/193; trụ sở thôn: 411/2.035
Năm 2004 Nhà văn hoá xã 40/193; trụ sở thôn 458/2.035
Hệ thống các thiết chế văn hoá mới ra đời ở vùng người Mông đóng vai trò quan trọng vào khâu phổ biến các giá trị văn hoá mới. Hệ thống các trung tâm văn hoá mới đã hình thành ở khu vực huyện lỵ đánh dấu bước tiến quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần người Mông. Đến nay ở tất cả các huyện có người Mông đều có các trung tâm văn hoá, rạp chiếu phim, thư viện, đài truyền thanh, trạm thu phát truyền hình… Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu, rộng với hình thức đa dạng phong phú, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá trong vùng đồng bào dân tộc được đông đảo nhân dân ủng hộ.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn về cán bộ chuyên môn và phương tiện hoạt động, song hàng năm các nhà văn hoá vẫn duy trì đều đặn việc tổ chức các hoạt động như: Chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, tuyên truyền cổ động, sinh hoạt câu lạc bộ và mở các lớp năng khiếu hè cho thiếu nhi. Nhà văn hoá trung tâm tỉnh đã còn có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, từng bước củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ. Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng và hội thi thông tin lưu động cấp tỉnh. Tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin cổ động và văn nghệ quần chúng của các huyện, thị. Trực tiếp biểu diễn nghệ thuật và tuyên truyền cổ động phục vụ cán bộ và nhân dân trên địa bàn Thị xã trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và những sự kiện chính trị của cả nước và của địa phương. Dàn dựng chương trình cho các đoàn nghệ thuật quần chúng để tham gia các cuộc do TW tổ chức đều đạt thành tích khá. Hàng năm duy trì đều đặn các cuộc liên hoan đưa thông tin về cơ sở, tổ chức các cuộc liên hoan dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc….nhằm bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống.
Nhìn lại chặng đường 8 năm qua (2000 – 2007), công tác văn hoá thông tin Hà Giang thực sự đã có bước chuyển biến khá toàn diện, nhất là về công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.