Hoạt động văn nghệ quần chúng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đời sống văn hoá của dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang hiện nay doc (Trang 59 - 60)

3. Hoạt động văn hoá thông tin

2.2.5. Hoạt động văn nghệ quần chúng

Giai đoạn 2000 - 2007 phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh phát triển rộng khắp, đáp ứng một phân nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo giá trị văn hoá mới của nhân dân. Nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 90/CP của Chính phủ về xã hội hoá các hoạt động văn hoá, các đội văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp ở các xã và trong nhiều cơ quan, xí nghiệp cũng xây dựng các tổ, đội văn nghệ nghiệp dư. Chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Đội ngũ sáng tác trong phong trào quần chúng ngày càng đông đảo. Các hoạt động văn hoá phát triển đa dạng, phong phú và khá sinh động.

Năm 2000 toàn tỉnh có 734 đội văn nghệ (tăng gấp 5 lần so với năm 1991, tăng gấp 3 lần so với năm 1995) và đến năm 2005 toàn tỉnh đã có 1075 đội văn nghệ quần chúng và văn nghệ dân gian và đến năm 2007 toàn tỉnh đã có 1.603 đội văn nghệ quần chúng trong đó có khoảng 300 đội của người Mông ở các huyện trong tỉnh đang hoạt động rất có hiệu quả, góp phần đắc lực vào việc khôi phục các giá trị văn hoá truyền thống của 22 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn, tạo ra các hoạt động văn hoá phong phú và đa dạng của tỉnh Hà Giang. Đặc biệt năm 2005, Ngành văn hoá thông tin còn phối hợp với Công đoàn viên chức tỉnh xây dựng và đưa vào thực hiện Đề án biểu diễn văn nghệ thường xuyên khối các cơ quan tại Thị xã Hà Giang. Trong mỗi cơ quan đơn vị, phong trào văn hoá văn nghệ ngày càng lên cao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá không chỉ trong khối công nhân viên chức mà toàn thể đồng bào nhân dân trong tỉnh. Hơn nữa, các đoàn nghệ thuật quần chúng của tỉnh còn tích cực tham dự các cuộc liên hoan nghệ thuật do Trung ương tổ chức như: Liên hoan tiếng hát làng Sen, Liên hoàn đàn hát then toàn quốc, Đàn và hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, là lực lượng không thể thiếu trong các hoạt động văn nghệ thể thao theo cụm dân cư và trên địa bàn tỉnh như: Liên hoan văn nghệ cụm, ngày hội văn hoá thể thao cấp huyện và cấp tỉnh.

Hoạt động văn nghệ thể thao theo các cụm dân cư vẫn được duy trì và tổ chức tốt đã tác động tích cực đến phong trào TD ĐKXD ĐSVH ở cơ sở. Hàng năm các đội văn nghệ

quần chúng biểu diễn hơn 3000 buổi phục vụ hơn một triệu lượt người xem. Các sinh hoạt văn hoá quần chúng này lại được đẩy mạnh nhân ngày lịch sử, các dịp kỷ niệm truyền thống, các kỳ tổng kết, các đợt mừng công, những ngày Xuân, ngày Tết…

Trong các mặt hoạt động văn hoá ở cơ sở, hoạt động nghệ thuật quần chúng có sự khởi sắc. Trong thập kỷ 70, 80 hầu hết các xã Mông đều xây dựng được đội văn nghệ. Mỗi năm các đội nghệ thuật quần chúng đều biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã từ 1 đến 2 lần. Nhiều đội nghệ thuật quần chúng như đội văn nghệ liên tiếp giành được nhiều huy chương vàng, bạc trong các hội diễn nghệ thuật toàn tỉnh và toàn quốc. Các tiết mục văn nghệ đều là những tiết mục dân ca truyền thống được dàn dựng đưa lên sân khấu, thu hút được đông đảo người xem. Diễn viên các đội nghệ thuật đều là các nghệ nhân, các nam nữ thanh niên. Các đội nghệ thuật quần chúng được thành lập và phát triển không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ mà còn kích thích nhu cầu sáng tạo văn hoá của nhân dân. Thông qua hoạt động văn nghệ quần chúng, nghệ thuật truyền thống được kế thừa, gìn giữ và phát triển.

Hoạt động của các nhà văn hoá, câu lạc bộ ở các vùng người Mông ít hiệu quả, chưa thu hút được người Mông tham gia. Các buổi chiếu phim ở rạp, nhà văn hoá, các buổi biểu diễn nghệ thuật….chỉ thu hút được thanh niên Mông đang học tập và làm việc ở thị trấn. Nhưng những sinh hoạt văn hoá ở chợ (hoạt động thông tin, biểu diễn văn nghệ…) thu hút được đông đảo người Mông tham gia. Các nghệ nhân dân tộc Mông đến chợ Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ có thể lên sân khấu hát dân ca phục vụ người đi chợ. Nhìn chung, các hoạt động văn nghệ quần chúng đã đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân ở cơ sở nhất là đối với đồng bào vùng sâu, xa, vùng biên giới, góp phần làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội từng vùng, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng dân cư.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đời sống văn hoá của dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang hiện nay doc (Trang 59 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)