Về thực hiện nguyên tắc trả lương

Một phần của tài liệu Đánh giá và đề xuất biện pháp hoàn thiện trả lương tại bưu điện tỉnh Nam Định (Trang 63 - 64)

Căn cứ vào quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Tổng công ty, bưu điện tỉnh Nam Định đã xây dựng được quy chế phân phối và trả lương tại đơn vị với nguyên tắc được quy định rõ ràng như sau:

- Phân phối theo lao động làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng.

- Thực hiện hình thức trả lương khoán theo công việc và kết quả thực hiện công việc về khối lượng và chất lượng hoàn thành.

- Gắn chế độ trả lương của cá nhân với kết quả sản xuất kinh doanh của tập thể và của toàn đơn vị.

- Quy chế phân phối tiền lương phải được tập thể lao động thỏa thuận, thông qua và phải bảo đảm nguyên tắc tập trung.

- Chính sách tiền lương phải được gắn với nội dung quản lý nhân sự khác như: Đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng, thu hút và định hướng phát triển nguồn nhân lực.

Qua đó ta có thể thấy rằng, bưu điện tỉnh Nam Định đã thực hiện đúng và đầy đủ nguyên tắc phân phối và trả lương đã đặt ra trong đơn vị mình.

Để đảm bảo nguyên tắc công bằng, trả lương ngang nhau cho những lao động như nhau, lao động làm nhiều hưởng nhiều, Bưu điện tỉnh đã thực hiện chính sách tiền lương gắn với hiệu quả công việc dưới hình thức khoán công việc. Đối với khối sản xuất, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch để giao quỹ tiền lương khoán cho tập thể chính là doanh thu, còn đối với khối quản lý thì khoán theo khối lượng công việc.

Tiền lương của cán bộ công nhân viên gồm có hai phần: Lương chính sách và lương khoán. Lương chính sách bao gồm: Lương cơ bản và các khoản phụ cấp theo quy định của Nhà nước. Lương khoán là tiền lương người lao động nhận được trên cơ sở mức độ và chất lượng hoàn thành công việc của mình. Bưu điện Tỉnh đã đánh giá lao động bằng hệ số mức độ phức tạp công việc theo hiệu quả lao động chứ không trả lương theo chức danh. Bưu điện tỉnh đã đưa ra 4 nhóm yếu tố để đánh giá mức độ phức tạp công việc và 4 mức hoàn thành công việc làm căn cứ để trả lương. Việc trả lương khoán căn cứ vào hệ số phức tạp công việc theo hiệu quả lao động không những đảm bảo tính công bằng giữa những người lao động cùng nghề mà còn đảm bảo mối quan hệ hợp lý giữa những người lao động làm khác nghề nhau trên cơ sở hệ số mức độ phức tạp công

việc mà bưu điện tỉnh đã xây dựng. Ngoài ra, hàng tháng, bưu điện tỉnh cũng tiến hành đánh giá, xếp loại năng suất chất lượng của đơn vị và từng cá nhân làm căn cứ để thưởng năng suất chất lượng vào cuối quý.

Để thực hiện gắn chế độ trả lương của cá nhân với kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, Bưu điện tỉnh Nam Định đã sử dụng hệ số hoàn thành kế hoạch để điều chỉnh quỹ lương khoán thực hiện của đơn vị (Nếu đơn vị hoàn thành kế hoạch thì hệ số bằng 1,0; không hoàn thành thì hệ số bằng 0,9). Bên cạnh đó, tiền lương của Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch công đoàn tăng giảm tương ứng với kết quả sản xuất kinh doanh chung của toàn Bưu điện tỉnh (Nếu toàn Bưu điện tỉnh không hoàn thành kế hoạch thì hệ số hiệu quả công việc đạt 0,95; hoàn thành kế hoạch thì hệ số hiệu quả đạt 1,0; hoàn thành vượt mức thì hệ số hiệu quả đạt 1,04, hoàn thành xuất sắc kế hoạch thì hệ số hiệu quả đạt 1,07). Nhờ vậy, các cá nhân sẽ nỗ lực làm việc, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ vì cả lợi ích của cá nhân mình và cả Bưu điện tỉnh.

Để đảm bảo nguyên tắc tập trung, quy chế phân phối tiền lương của Bưu điện tỉnh Nam Định đã được toàn thể cán bộ, công nhân viên thảo luận, thông qua. Mọi cán bộ, công nhân viên trong bưu điện tỉnh đều có nghĩa vụ thực hiện nội dung quy chế này.

Ngoài ra, Bưu điện tỉnh Nam Định còn đảm bảo gắn chế độ tiền lương với các nội dung khác như đào tạo, khuyến khích học tập, định hướng nguồn nhân lực… bằng cách hình thành quỹ khuyến khích tài năng trẻ, bổ trợ cho người lao động đi học tập nâng cao trình độ, quy định rõ ràng, cụ thể các khoản phụ cấp người lao động được hưởng…. nhằm khuyến khích, thu hút người lao động giỏi, có trình độ làm việc cho bưu điện tỉnh.

Tuy nhiên phải thấy rằng, để đảm bảo thực hiện nguyên tắc tiền lương thì điều quan trọng là Bưu điện tỉnh cần đánh giá đúng lao động, vì đánh giá đúng sẽ có phân phối thu nhập đúng. Ngoài ra, dù áp dụng nguyên tắc phân phối thu nhập theo hiệu quả công việc nhưng vẫn chưa thực sự gắn trách nhiệm của người thực hiện với công việc được giao. Người lao động nếu hoàn thành công việc sẽ được hưởng lương cao, nhưng nếu chưa hoàn thành công việc họ chỉ phải nhận lương thấp hơn mà chưa phải chịu trách nhiệm nào về việc không hoàn thành công việc đó. Vì thế, đôi khi lại không khuyến khích được người lao động nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc.

Một phần của tài liệu Đánh giá và đề xuất biện pháp hoàn thiện trả lương tại bưu điện tỉnh Nam Định (Trang 63 - 64)