Đặc điểm của Bưu điện tỉnh Nam Định

Một phần của tài liệu Đánh giá và đề xuất biện pháp hoàn thiện trả lương tại bưu điện tỉnh Nam Định (Trang 35 - 38)

2.1.3.1. Đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội của tỉnh Nam Định.

Nam Định là một tỉnh duyên hải nằm ở phía Nam vùng châu thổ sông Hồng, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía Đông giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông Nam và Nam giáp Biển Đông và phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình. Nam định có diện tích tự nhiên 1.649,86 km2, chiếm 6,25% diện tích đất đai Toàn quốc. Toàn tỉnh hiện có 10 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố loại II trực thuộc tỉnh và 9 huyện với 230 xã, phường, thị trấn. Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị - Kinh tế - Văn hóa của tỉnh, cách thủ đô Hà Nội 90 km.

Địa hình tỉnh Nam Định có thể chia thành 3 vùng:

- Vùng đồng bằng thấp trũng: gồm các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường. Đây là vùng có nhiều khả năng thâm canh phát triển nông nghiệp, công nghiệp dệt, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí và các ngành nghề truyền thống.

- Vùng đồng bằng ven biển: gồm các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng; có bờ biển dài 72 km, đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp ven biển.

- Vùng trung tâm công nghiệp – dịch vụ thành phố Nam Định: có các ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, các ngành nghề truyền thống, các phố nghề… cùng với các ngành dịch vụ tổng hợp, dịch vụ chuyên ngành hình thành và phát triển từ lâu. Thành phố Nam Định từng là một trong những trung tâm công nghiệp dệt của cả nước và trung tâm thương mại - dịch vụ, cửa ngõ phía Nam của đồng bằng sông Hồng.

Nam Định là vùng đất nằm giữa hạ lưu 2 con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy và có bờ biển dài 72 km từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy nên hệ thống giao thông đường Thuỷ phát triển với 400 km đường sông và đường biển. Ngoài ra Nam Định còn có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt. Dân số toàn tỉnh tính đến tháng 12 năm 2006 là 1.974.300 người ( số liệu Tổng cục Thống kê ), đại bộ phận là người Kinh, ngoài ra còn có một số cư dân thuộc các dân tộc khác.

Nam Định là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và văn hoá được Nhà nước xếp hạng và vùng sinh thái tự nhiên rộng lớn ở bãi bồi ven biển phục vụ cho du lịch, tham quan nghiên cứu. Có thể kể đến một số địa điểm du lịch nổi tiếng như: Quần thể di tích Đền Trần - Bảo Lộc, tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, quần thể di tích văn hoá Phủ Giầy, vùng đất bồi Cồn Lu - Cồn Ngạn (Giao Thuỷ)….Vùng ven biển có 2 bài tắm Quất Lâm và Thịnh Long đang được đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng để đón khách về tham quan du lịch nghỉ mát và tắm biển.

Có thể nói vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên – xã hội nêu trên đã tạo cho tỉnh Nam định nhiều lợi thế, khả năng phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và củng cố an ninh quốc phòng. Tất cả những nhân tố đó đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động thông tin liên lạc của tỉnh Nam định qua mỗi thời kỳ lịch sử tạo ra những yếu tố tích cực để hoạt động thông tin liên lạc ở đây phát triển dưới nhiều hình thức phong phú.

2.1.3.2. Đặc điểm của bưu điện tỉnh Nam Định.

Bưu điện tỉnh Nam Định là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam có chức năng quản lý, khai thác, cung cấp và kinh doanh các dịch vụ bưu chính, viễn thông, tin học trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Bưu điện tỉnh Nam Định có trụ sở chính đặt tại thành phố Nam Định, trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của toàn tỉnh với 9 bưu điện huyện, 1 bưu điện thành phố và

hệ thống bưu cục, bưu điện văn hóa xã trải rộng khắp tỉnh. Là một doanh nghiệp chủ đạo trên thị trường Nam Định, Bưu điện Tỉnh có những thuận lợi và khó khăn như sau:

Thuận lợi:

- Bưu chính Nam Định có mạng lưới tương đối hiện đại, rộng lớn, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng.

- Bưu chính Nam Định có đội ngũ công nhân viên giàu kinh nghiệm, có truyền thống tốt đẹp, số người được đào tạo cơ bản là cao.

- Bưu chính Nam Định có thị phần rộng lớn, có nhiều đối tác làm ăn tín nhiệm. - Bưu điện tỉnh là doanh nghiệp Bưu chính chủ đạo, đảm nhiệm nhiều dịch vụ công ích cho địa phương nên được ưu tiên và quan tâm.

- Bưu chính Nam Định đã có uy tín nhất định trên thị trường toàn tỉnh, là sự lựa chọn tin cậy của phần đông khách hàng.

- Thị trường Bưu chính Nam Định có nhiều tiềm năng khai thác, thuận lợi cho việc áp dụng các dịch vụ mới, chất lượng cao.

Khó khăn:

- Mạng lưới tuy dày đặc và hiện đại nhưng được đầu tư thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý và khai thác.

- Năng suất lao động chưa cao, bộ máy quản lý chưa phát huy hết hiệu quả. - Công tác chăm sóc khách hàng chưa được chú trọng.

- Do cơ chế hạch toán phụ thuộc nên Bưu điện tỉnh bị hạn chế tính chủ động trong việc ra những quyết sách cũng như trong hoạt động kinh doanh của đơn vị.

- Phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp ngoài ngành.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn nhưng trong những năm qua, Bưu điện tỉnh Nam Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy tối đa những điểm mạnh của mình và đã tạo ra những bước tiến quan trọng và vững chắc trong tiến trình cạnh tranh và hội nhập

Hiện nay toàn tỉnh đã có mạng lưới bưu chính, viễn thông hiện đại đủ khả năng cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ kể cả các dịch vụ truyền thống và dịch vụ chất lượng cao với tốc độ cao, an toàn và chính xác. Tính đến hết tháng 10 năm 2007 mạng Bưu chính trên địa bàn tỉnh Nam định có 330 điểm phục vụ, đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ, bình quân mỗi điểm phục vụ 5.757 người/điểm, bán kính phục vụ 1,4km. Đến nay, Bưu điện tỉnh đã có 8 tuyến đường thư cấp 1 và cấp 2 với chiều dài

2360 km, 100% các tuyến đường thư nội tỉnh đều có ôtô phục vụ.

Đời sống cán bộ công nhân viên ngày càng được cải thiện với thu nhập năm sau cao hơn năm trước trung bình là 10%.

Thành quả đó có được là do Bưu điện tỉnh Nam Định đã biết cách sử dụng nguồn nhân lực đúng, tổ chức sản xuất tốt, đầu tư có chiều sâu, tiết kiệm và có hiệu quả ....

Một phần của tài liệu Đánh giá và đề xuất biện pháp hoàn thiện trả lương tại bưu điện tỉnh Nam Định (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w