Yếu tố bên trong

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả công tác quản lý thuế GTGT tại chi cục thuế huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006- 2008 (Trang 61 - 64)

Là những yếu tố thuộc công tác quản lý thuế tại Chi cục thuế bao gồm nhiều vấn đề liên quan. Những mặt đạt được trong công tác quản lý và những mặt còn hạn chế, yếu kém cũng có tác động đến hiệu quả công tác quản lý thu thuế tại Chi cục.

+ Tác động tích cực:

Phát hiện kịp thời những khiếm khuyết, hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận chuyên môn. Từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đã góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các bộ phận và cá nhân có liên quan; các Đội, các bộ phận làm việc trên tinh thần hỗ trợ, phối hợp nhau nhưng có sự phân định công việc, quyền hạn, trách nhiệm nên đảm bảo sự chuyên trách trong công việc, tạo điều kiện cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thủ tục và quy trình được thông báo công khai, minh bạch ở các Đội thuế liên xã và tại phòng tiếp dân của Đội Tuyên truyền – hỗ trợ Người nộp thuế của Chi Cục Thuế huyện Châu Thành nên tạo thuận lợi cho công tác quản lý, thực hiện.

Việc giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân được thực hiện một cách khoa học, theo đúng trình tự và được thống kê, theo dõi một cách chặt chẽ hơn góp phần cho công tác quản lý thu thuế được nâng cao.

Kiểm soát được thái độ ứng xử, giao tiếp với công dân của cán bộ, công chức có liên quan đến hệ thống thuế, góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng quyền hành sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân và xảy ra tiêu cực.

Tiếp nhận được ý kiến phản hồi của công dân trong quá trình giải quyết hồ sơ, qua đó có biện pháp, thái độ chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Công tác kiểm tra thuế được thực hiện thường xuyên theo định kỳ và đột xuất nhằm ngăn chặn khai man trốn lậu thuế, chống thất thu NSNN.

Việc tổ chức thành lập một tổ chuyên trách phân công cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn sâu với tác phong, đạo đức tốt tham gia trực tổ một cửa để tiếp thu ý kiến, giải thích và hướng dẫn các đối tượng nộp thuế, nhân dân hiểu rõ đã góp phần cùng thực hiện tốt các luật thuế, chính sách thuế.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chánh cơ chế một cửa đồng thời áp dụng HT QLCL TCVN ISO 9001 : 2000 được công khai thủ tục hành chánh thuế minh bạch, rõ ràng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, nhân dân, cán bộ thuế trong việc thực thi luật thuế, chính sách thuế ngày càng tốt hơn.

Sự quan tâm thực hiện tốt công tác đối thoại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong quan hệ với cơ quan thuế về kê khai thuế, báo cáo hoá đơn,…từ đó giúp công tác quản lý thu thuế cũng được thuận lợi.

Như vậy, những cố gắng phấn đấu trong công tác quản lý đã thật sự góp phần đảm bảo tính hiệu quả nguồn thu thuế nộp vào NSNN và cũng là nền tảng, cơ sở để khẳng định, nâng cao tính hiện đại trong cải cách hành chính thuế, hệ thống thuế.

+ Tác động tiêu cực:

Công tác tuyên truyền các luật thuế, chính sách thuế chưa duy trì thường xuyên, một số cán bộ tại đội thuế liên xã còn yếu về chuyên môn nên việc thực hiện công tác quản lý thu còn hạn chế nhất là công tác tuyên truyền vận động.

Công tác thực hiện đề án Ủy nhiệm thu hàng năm thay đổi cán bộ Ủy nhiệm thu mới do đó còn bỡ ngỡ, việc quy định tuyển cán bộ Uỷ nhiệm thu chưa có quy định tiêu chí: Trình độ phổ thông, tuổi tác, … cho các xã do đó thực tế trình độ cán bộ Uỷ nhiệm thu chưa đồng đều, một số cán bộ được Ủy nhiệm thu chưa thực hiện tốt công tác này.

Việc xử lý các trường hợp cố tình vi phạm luật thuế như: vi phạm chế độ ngưng nghỉ, hộ nợ thuế GTGT chưa triệt để.

Sự phối hợp các ban ngành có liên quan ở một số trường hợp chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ và chặt chẽ.

Tình hình nợ đọng thuế còn khá phổ biến ở các địa phương xã. Số thuế GTGT nợ đọng tăng qua các năm: năm 2006: 141 triệu đồng, 2007: 185 triệu đồng và năm 2008 có số nợ lên đến 984 triệu đồng là minh chứng phản ánh chất lượng điều hành của cơ quan thuế, của cán bộ thuế về giải quyết nợ đọng thuế chưa tốt. Biểu đồ 5.2 thể hiện tình hình nợ đọng thuế qua 3 năm:

141 185 984 0 200 400 600 800 1000 Đvt: triệu đồng Năm 2006 Năm 2007 Năm 2008 Biểu đồ 5.2. Tình hình nợ thuế GTGT qua 3 năm

Mặt tác động tiêu cực khác nữa là hiện nay huyện cũng đã có quy trình thu thuế nợ đọng nhưng lại không đưa ra cách giải quyết cương quyết. Đối với doanh nghiệp ngoài việc truy thu và phạt thì có quy định cho niêm phong tài sản. Nhưng đối với hộ kinh doanh thì lại không có quy định cưỡng chế mà chỉ tính số tiền phạt trên tổng số thuế nợ, số thuế nợ này cứ theo ngày tháng mà tăng dần lên. Hiện tại có khá nhiều hộ nợ thuế từ nhiều năm đến nay vẫn không thể xử lý. Vì cơ quan thuế không có chức năng cưỡng chế mà phải có quyết định của tòa án, của các ngành có liên quan trong việc phối hợp.

Công tác vận động thu thuế chưa đồng bộ, còn một số cán bộ thuế quản lý xã chưa làm tham mưu tốt cho Đảng ủy, UBND, Hội đồng tư vấn thuế xã trong việc tuyên truyền, vận động thu và giải quyết xử lý nợ thuế, hộ dây dưa, kỳ kèo chưa dứt điểm nên kết quả thu đạt còn thấp, số nợ thuế còn nhiều.

Công tác thanh tra, kiểm tra thể hiện tính cưỡng chế hợp lý của quản lý thuế. Tần suất thanh tra, kiểm tra, khả năng phát hiện trốn thuế và rủi ro về thuế, các biện pháp cưỡng chế thuế, mức độ nghiêm khắc của hình phạt do trốn thuế, giận lận thuế cũng tác động đến sự tuân thủ thuế của Doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn thu thuế. Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khá đông trong khi năng lực cũng như tần suất kiểm tra tại Chi cục là có hạn, còn thấp nên thường cơ quan thuế chỉ chọn một số hộ kinh doanh điển hình để kiểm tra. Vì vậy có thể nói công tác thanh tra, kiểm tra ứng với tần suất kiểm tra và khả năng kiểm tra được bao nhiêu hộ tại Chi cục thuế cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý thuế.

Một số cán bộ thuế chưa có kỹ năng chuyên sâu, chuyên nghiệp, khả năng ứng dụng các tiến bộ công nghệ tin học vào quản lý thuế chưa phù hợp với yêu cầu quản lý hiện đại và yêu cầu cải cách hành chánh thuế.

Ứng dụng công nghệ tin học trong việc quản lý thuế còn ở mức thấp, mới tập trung chủ yếu vào công việc quản lý về đăng ký thuế, cấp mã số thuế, quản lý biên lai ấn chỉ. Đại bộ phận công việc quản lý thuế vẫn là thủ công, năng suất, hiệu quả quản lý thuế còn thấp dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát và quản lý thuế của cơ quan thuế.

Thái độ và phong cách ứng xử của một số cán bộ thuế chưa thật tận tụy, công tâm, khách quan, văn minh, lịch sự, chưa coi đối tượng nộp thuế là khách hàng quan trọng nhất để nâng cao chất lượng phục vụ; chưa trở thành người bạn đồng hành của đối tượng nộp thuế trong việc thực hiện các luật thuế và chưa thực sự được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, thậm chí còn có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, vụ lợi, thông đồng với đối tượng nộp thuế hoặc gây phiền hà, sách nhiễu các đối tượng nộp thuế, vừa làm thất thu cho ngân sách Nhà nước, vừa gây tốn kém và bức xúc cho một số đối tượng nộp thuế.

Có thể nói công tác quản lý hộ và quản lý doanh số là một phần của công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, trong công tác quản lý thu thuế ngoài quốc doanh vẫn còn chênh lệch lớn hộ giữa số hộ được cấp Giấy phép ĐKKD và số hộ lập bộ thuế là do: Các hộ xin giấy phép ĐKKD không hoạt động, hoặc để vay tiền ngân hàng nhưng thực tế không kinh doanh; hộ ngưng nghỉ kinh doanh không hoàn trả giấy phép ĐKKD theo quy định. Công tác thất thu thuế còn xảy ra ở các lĩnh vực: hộ nhỏ lẻ mới ra kinh doanh không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế chưa được kiểm tra xử lý để đưa vào quản lý kịp thời; việc quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh xe, ghe tư nhân, xây dựng cơ bản, các hộ kinh doanh buôn chuyến chưa có biện pháp hữu hiệu. Chính điều này đã ảnh hưởng đến nguồn thu thuế, phản ánh hiệu quả công tác quản lý thuế tại Chi cục.

Như vậy, những thiếu sót trong công tác quản lý thuế là yếu tố tác động tiêu cực, là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn thu thuế tại Chi cục.

Nhìn chung, qua phân tích các yếu tố tác động thì yếu tố kinh tế - đời sống dân cư và sự yếu kém trong công tác quản lý là hai yếu tố cơ bản đồng thời cũng là hai nguyên nhân chính tác động đến hiệu quả công tác quản lý thuế GTGT tại Chi cục thuế huyện Châu Thành Tỉnh Tiền Giang trong 3 năm qua.

Tóm lại, việc phân tích các yếu tố tác động đến hiệu quả công tác quản lý thuế tại Chi cục, giúp cơ quan thuế đánh giá những mặt đã làm tốt, từ đó nâng cao phát huy; xem xét mặt chưa tốt trong năm qua để khắc phục. Đồng thời dựa trên các yếu tố phân tích góp phần giúp Chi cục thuế có thể đưa ra hay bổ sung vào các giải pháp đã đề ra, vạch ra các mục tiêu và các chiến lược để quản lý thuế trong những năm tới.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả công tác quản lý thuế GTGT tại chi cục thuế huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006- 2008 (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)