Vềđặc điểm kinh tế huyện và đời sống dân cư + Tác động tích cực:
Đặc điểm kinh tế huyện và đời sống dân cư là những yếu tố có tác động tích cực đến công tác quản lý thu thuế trong 3 năm qua tại Chi cục.
Kinh tế huyện luôn đạt tốc độ tăng trưởng qua các năm, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa khi nâng mức tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tốc độ tăng trưởng giữa các khu vực kinh tế đều tăng qua các năm đã tạo điều kiện cho nguồn thu đóng góp vào ngân sách nhà nước được tăng lên.
Huyện có hệ thống giao thông đồng bộ liên hoàn từ huyện đi các xã, đặc biệt có quốc lộ 1A chạy ngang qua là tuyến giao thông chính và là nơi trung chuyển hàng hóa từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây đã tạo điều kiện cho mở rộng giao thương với các với tỉnh bạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế huyện, từ đó tăng các nguồn thu cho ngân sách.
Mạng lưới chợ phân bố gần như đều khắp trên địa bàn huyện (20 chợ lớn nhỏ/24xã và Thị Trấn), đặc biệt tập trung ở các chợ đầu mối thuận tiện giao thông thủy bộ và gắn với các tụ điểm dân cư như: chợ Tân Hiệp, chợ Long Định, chợ Vĩnh Kim, chợ Bình Đức; 4 chợ này đều nằm trong 3 vùng kinh tế phát triển hình thái đô thị và các
dự án khu công nghiệp phát triển đã góp phần bổ sung vào ngân sách huyện khá lớn khi 4 chợ này chiếm 42% hộ kinh doanh và hơn 53% doanh thu của huyện.
Như vậy, với những tác động tích cực do đặc điểm kinh tế huyện và dân cư đem lại đã góp phần giúp duy trì và tăng nguồn thu ngân sách trong đó nguồn thu từ thuế GTGT qua các năm.
+ Tác động tiêu cực:
Đặc điểm kinh tế của huyện Châu Thành là nông công nghiệp chủ yếu. Kinh tế nông nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên, chủ yếu là các mặt hàng nông sản trái cây, năng suất và chất lượng tăng chậm, hiệu quả của các sản phẩm còn thấp. Các chợ vựa có quy mô nhỏ, chưa thực hiện được điều tiết thị trường. Các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương đều nhỏ lẻ. Các ngành thương mại - dịch vụ có quy mô nhỏ và phân tán. Hàng năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đe dọa. Do đó nguồn thu thuế huyện bổ sung vào ngân sách tỉnh là không nhiều trong đó có số thu từ thuế GTGT.
Theo ThS. Nguyễn Thị Lệ Thúy, (2009), cho rằng, đối với người nộp thuế có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, hoạt động kinh doanh hiệu quả, có năng lực tài chính thì đây là yếu tố đảm bảo cho việc nộp thuế đúng quy định của pháp luật. Nhìn bức tranh đời sống xã hội tại địa phương có thể phác họa phần nào nền kinh tế huyện. Khi mà mức thu nhập bình quân của người dân trên năm còn khá thấp (12,8 triệu đồng/năm) và tỷ lệ hộ nghèo là 11,5% thì giữa nhận thức về trách nhiệm của công dân với cộng đồng xã hội và tư lợi cá nhân có sự so sánh. Sự tuân thủ nghĩa vụ thuế sẽ hạn chế, từ đó làm giảm số thu ngân sách.
Bên cạnh đó bối cảnh kinh tế chung cả nước năm 2006, nhất là 2 năm 2007 và 2008 gặp nhiều khó khăn, lạm phát và lãi suất tín dụng tăng cao làm cho giá cả nhiều mặt hàng đầu vào cũng tăng lên, từ đó làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN giảm; nhiều DN gặp khó khăn về vốn trong triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến không có khả năng nộp thuế đúng qui định; một số doanh nghiệp xin ngưng hoạt động kinh doanh thật sự, một số tạm nghỉ nhưng lẫn lén lút hoạt động, tình trạng gian lận, trốn thuế tăng lên. Từ đó làm cho số thu thuế ở huyện bổ sung vào NSNN cũng biến động theo, số thu thuế không nhiều, tình hình nợ đọng thuế tăng cao, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Doanh nghiệp bị hạn chế.
Như vậy đặc điểm kinh tế huyện và đời sống dân cư cũng là một yếu tố tác động đến sự tuân thủ thuế của doanh nghiệp. Nó có thể là một nguyên nhân gián tiếp (vì sự tuân thủ thuế còn tùy thuộc vào nhận thức của từng Doanh nghiệp), có thể là nguyên nhân trực tiếp (sự biến động của các ngành kinh tế tại huyện: năm 2008 tổng giá trị sản xuất của nông nghiệp và thương mại dịch vụ thực hiện được 2.294 tỷ đồng, chỉ đạt 97,79% kế hoạch, số hộ kinh doanh xin nghỉ nhiều tại các công trình quy hoạch Cụm công nghiệp Song Thuận, Tam Hiệp và khu Công nghiệp Tân Hương, và xin ngưng hoạt động do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ) làm số thực thu thuế GTGT đã không đạt chỉ tiêu đề ra.
Tóm lại, đặc điểm kinh tế huyện và đời sống dân cư có những tác động tích cực nhưng cũng có tác động tiêu cực đến hiệu quả công tác quản lý thu thuế tại Chi cục thuế huyện Châu Thành. Trong đó sự phát triển kinh tế với tốc độ tăng và vượt qua các năm đã giúp nguồn thu ngân sách được duy trì, tăng qua các năm. Quy mô nhỏ lẻ, phân tán; tình hình lạm phát, lãi suất tăng cao; cơ cấu một số khu vực kinh tế giảm (đặc biệt là khối thương mại – dịch vụ năm 2008 không đạt kế hoạch và giảm tỷ trọng so với năm
2007), cùng với chính sách quy hoạch các khu công nghiệp đã tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến nguồn thu không đạt kế hoạch.
Về phía hộ sản xuất kinh doanh + Tác động tích cực:
Đại bộ phận người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, người nộp thuế đã sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật; ý thức trong chấp hành nghĩa vụ thuế; tíchcực quan tâm tìm hiểu luật thuế, chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật, chính sách thuế, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, nghĩa vụ thuế đã tạo điều kiện cho cơ quan thuế thực hiện công tác quản lý và tổ chức thu được nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có một số cá nhân, tổ chức vẫn còn vi phạm. Chính những vi phạm này đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý thu thuế, gây cản trở và thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
+ Tác động tiêu cực:
Nhìn trên góc độ hộ sản xuất kinh doanh, xét trên 3 yếu tố là quy mô của doanh nghiệp và thời gian hoạt động kinh doanh; sự hiểu biết, nhận thức nghĩa vụ thuế và tâm lý doanh nghiệp.
Trước tiên là quy mô của doanh nghiệp. Nhìn chung, đối tượng kinh tế tham gia trên thị trường tại huyện chủ yếu là các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ. Đây là đối tượng khó quản lý và kiểm soát gây thất thu thuế vì thường không lưu giữ sổ sách kế toán và không đăng ký thuế một cách tự nguyện, do đó có sự chênh lệch giữa hộ nộp thuế thực tế với hộ hoạt động kinh doanh trên thị trường nhưng không khai báo.
Kế đến là thời gian hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp. Trong 3 năm qua, số hộ sản xuất kinh doanh thuộc diện quản lý tại Chi cục thuế có sự thay đổi về số lượng, về loại hình doanh nghiệp, có một số hộ nghỉ, có một số hộ mới ra hoạt động. Đối với những Doanh nghiệp mới ra hoạt động kinh doanh thường ít kinh nghiệm và thiếu thông tin về kiến thức thuế, luật thuế nên dễ gây ra sai phạm trong kê khai và thanh toán thuế. Đối với Doanh nghiệp có thời gian hoạt động lâu năm, đã hiểu rõ luật thuế, có kinh nghiệm trong thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng vẫn cố tình vi phạm. Qua kiểm tra, Chi cục thuế phát hiện hành vi vi phạm của các đối tượng này thường là trốn thuế và gian lận thuế.
Các sai phạm trong trốn thuế chủ yếu là hàng hóa đã bán nhưng Doanh nghiệp không xuất hóa đơn, không kê khai thuế GTGT; Doanh nghiệp đã bán hàng, đã lập hóa đơn nhưng không kê khai tính thuế; sản xuất, kinh doanh mặt hàng thuộc diện chịu thuế, nhưng Doanh nghiệp không tính thuế GTGT.
Cách thức gian lận thuế GTGT là Doanh nghiệp kê khai không trung thực trong khấu trừ đầu vào, kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với hóa đơn không hợp pháp; không phân bổ hoặc phân bổ sai thuế GTGT đầu vào cho mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế; kê khai thuế GTGT mặt hàng chịu thuế suất 10% thành mặt hàng chịu thuế suất thấp hơn là 5%, hoặc đưa mặt hàng thuộc diện chịu thuế sang mặt hàng không chịu thuế. Hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT ngày càng tinh vi hơn như thành lập nhiều Doanh nghiệp trung gian ở nhiều nơi khác nhau, lập hồ sơ khống, tổ chức mua bán lòng vòng hàng hóa, dịch vụ... để hạn chế sự kiểm soát của cơ quan thuế. Do đó gây
khó khăn cho công tác quản lý hộ, cũng như công tác tổ chức thu và kiểm tra thuế, làm thất thoát nguồn thu thuế, lượng thuế thu về không nhiều.
Xét đến yếu tố cuối cùng là tâm lý Doanh nghiệp. Tâm lý Doanh nghiệp bị tác động bởi sự nhận thức về sự công bằng, bình đẳng trong tuân thủ nghĩa vụ thuế. Công bằng đối với mỗi tổ chức, cá nhân trong việc nộp thuế. Bình đẳng trong tiếp cận thông tin và thủ tục hành chính. Công bằng, bình đẳng còn thể hiện ở sự hợp lý và tin tưởng. Sự hợp lý trong chính sách thuế, sắc thuế, thuế suất cho từng ngành hàng. Sự tin tưởng vào một chính quyền đại diện lợi ích chung cho cộng đồng, một cơ quan thuế trong sạch, và không tham nhũng. Thế nhưng trong 3 năm qua khi thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ ngành đã phát hiện tổng cộng 5 trường hợp vi phạm của cán bộ thuế trong đó hết 4 trường hợp vi phạm về chế độ quản lý thu thuế, chiếm dụng tiền bằng cách thu tiền trước của hộ (thu tiền theo quý, năm) không ra lai.
Tóm lại, việc đứng trên góc độ nhà sản xuất kinh doanh để phân tích giúp cho chúng ta có cái nhìn rộng hơn, có các biện pháp khác nhau để quản lý và bảo vệ họ. Đối với những hộ mới ra kinh doanh chưa hiểu về luật thuế, kiến thức thuế, cơ quan thuế cần tăng cường hướng dẫn về thủ tục, chính sách thuế. Đối với những hộ đã kinh doanh lâu năm nên đẩy mạnh công tác kiểm tra,…Nâng cao công tác kiểm tra nội bộ ngành để kịp thời xử lý cán bộ vi phạm, để an lòng dân, từ đó tranh thủ sự tín nhiệm của dân. Như vậy, đây cũng là một yếu tố đồng thời cũng là một nguyên nhân gián tiếp tác động đến hiệu quả công tác quản lý thu thuế vì một trong những tính chất của thuế là tính cưỡng chế, do đó trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về cơ quan thuế.
Về chính sách thuế GTGT + Tác động tích cực:
Chính sách thuế GTGT thật sự đã phát huy những mặt tích cực đối với nền kinh tế, tạo bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế, những quy định về thủ tục, thời hạn kê khai, báo cáo hóa đơn được thông thoáng và đơn giản hơn, các văn bản công văn về quy trình thực hiện, công tác tổ chức quản lý thu đối với hộ kinh doanh cá thể, nhận và kiểm tra tờ khai thuế đối với doanh nghiệp được hướng dẫn rõ ràng tạo điều kiện cho công tác quản lý thu thuế được dễ dàng, hoàn thiện hơn.
+ Tác động tiêu cực:
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật thuế GTGT được thông qua ngày 10/5/1997, đến nay đã ba lần được sửa đổi, bổ sung vẫn còn bộc lộ một số hạn chế đã ảnh hưởng đến công tác quản lý thu thuế tại cơ quan thuế.
Về thuế suất, chưa rõ ràng trong phân định ranh giới áp dụng mức thuế suất 5% và 10%: vừa theo tên hàng hoá, dịch vụ, vừa theo công dụng hàng hoá, dịch vụ, vừa theo tính chất của hàng hoá, dịch vụ, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất không thống nhất, nảy sinh nhiều vướng mắc trong quá trình xác định kê khai và tính thuế cho cả người nộp thuế lẫn cán bộ thuế.
Chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ trong quy định về điều kiện được khấu trừ, được hoàn thuế: Luật thuế GTGT hiện hành quy định căn cứ khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào là hoá đơn GTGT mua hàng hoá, dịch vụ. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng khấu trừ khống hoặc hoàn thuế khống thông qua việc sử dụng hoá đơn ghi chép không trung thực với thực tế và các loại hoá đơn bất hợp pháp khác để gian lận trong khấu trừ, làm giảm số thuế GTGT phải nộp hoặc tăng số thuế GTGT được hoàn,
do đó gây khó khăn trong công tác kiểm tra thuế, đòi hỏi phải kiểm tra thường xuyên, định kỳ trong khi khả năng kiểm tra của cơ quan thuế là có hạn, không bao quát được hết các đối tượng để kiểm tra. Do đó thất thoát thu thuế vẫn “ngầm” xảy ra.
Về hình thức văn bản, Thuế GTGT được thể hiện tại 3 văn bản Luật khác nhau là Luật thuế GTGT năm 1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2005. Với nhiều văn bản Luật cùng quy định về thuế GTGT nên chưa tạo thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật, công tác quản lý thu thuế và quy trình thực hiện thường xuyên phải thay đổi theo trong khi một số cán bộ chưa nắm bắt kịp thời.
Như vậy, chính sách thuế GTGT có những tác động tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến công tác quản lý thu thuế tại Chi cục. Trong đó tác động tiêu cực sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý thu thuế của cơ quan thuế, gây mất bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế. Nguyên nhân là do khi xây dựng chính sách thuế chưa bao quát hết đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế; chưa nhận thức hết phạm vi điều chỉnh của từng mức thuế suất và chưa lường hết các nguồn thu phát sinh trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường là một nguyên nhân giáp tiếp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội trốn thuế và gian lận thuế, cán bộ thuế gặp khó khăn trong thực thi chính sách thuế.