Xuất phát từ đặc điểm của đầu tư cảng biển là cần khối lượng vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, và mức độ rủi ro nên đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này không nhiều. Bảng 1 cho thấy tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tổng số vốn đầu tư xây dựng và phát triển cảng khá nhỏ.
Kể từ năm 2001, FDI đã tăng rõ rệt. Lượng FDI thu hút được năm 2001 là 2,3 tỷ USD (tăng 3,6% so với năm 2000) và cũng trong năm này, FDI vào cảng biển đạt 4,07 tr USD chiếm 0,18% FDI của cả năm . Năm 2002 đạt 2,35 tỷ USD. Trong năm 2003, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm 2002. Năm 2004, lượng vốn FDI thu được tăng 28,37% so với năm 2003, đạt 3,466 tỷ USD, trong đó cảng biển thu hút 11,31 triệu USD chiếm 0,326% lượng vốn đầu tư trong năm. Năm 2005 cả nước thu hút được 6,706 tỷ USD. Trong đó, cảng biển thu hút được 3,55 triệu USD chiếm khoảng 0,053% tổng vốn FDI toàn xã hội trong năm.
Trong thời gian qua, FDI vào cảng biển Việt Nam chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ và có xu hướng giảm rõ rệt qua các giai đoạn. Giai đoạn 1991-1997, FDI vào cảng biển đạt 2,212% tổng FDI của toàn xã hội. Nhưng đến giai đoạn 1998-2000 tỷ lệ này giảm mạnh chỉ đạt có 0,06%. Đến giai đoạn 2001-2005 thì có dấu hiệu tăng lên 0,22% nhưng vẫn còn quá nhỏ so với tiềm năng phát triển của ngành cảng biển.
Trước đây, vốn đầu tư nước ngoài vào cảng biển chủ yếu dưới hình thức liên doanh với Việt Nam nhằm khai thác cảng biển nhiều hơn là xây dựng cảng biển. Các cảng sử dụng nguồn vốn liên doanh chủ yếu là các cảng chuyên dụng hoặc cảng tổng hợp nhằm phục vụ cho chính việc sản xuất kinh doanh của liên doanh đó.
Công ty Bà Rịa – SERCE là công ty liên doanh đầu tiên giữa công ty nước ngoài (Mỹ) với Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 1996, đã xây dựng và khai thác có hiệu quả các cảng trong đó phải kể đến Cảng Phú Mỹ có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50 000 DWT và trở thành cảng cho tàu hàng rời lớn nhất khu vực hiện nay, dự kiến đạt công suất 14 triệu tấn (2010) và 25 triệu tấn (năm 2020).
Cảng VICT là cảng của công ty liên doanh phát triển tiếp vận số 1, là cảng liên doanh giữa doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam với Nhật Bản, Singapore.
Dự án xây dựng tổ hợp cảng nổi Nhện biển (Sea Spider) ở ngoài khơi cửa biển ĐỊnh An do công ty Dịch vụ vận tỉa Sài Gòn (TRANACO) thuộc Bộ GTVT liên doanh với Công ty Khai thác – Giao nhận - Dịch vụ đường biển SKY của Singapore thực hiện đã được Bộ GTVT, Cục Hàng hải thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng trị giá 63 triệu USD. Dự kiến đây là tổ hợp cảng nổi trung chuyển đa năng thuộc loại hiện đại nhất, có thể tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn.
Một số cảng chuyên dùng do các doanh nghiệp liên doanh như: cảng gas và xăng dầu liên doanh (Petex, Thăng Long, Total…), cảng liên doanh Caltex Việt Nam, Cảng Việt xô petro phục vụ dầu khí…, cảng xi măng Chinfong…phần lớn là vốn nước ngoài đóng góp để xây dựng cảng và mua sắm thiết bị.
Với từng loại nguồn vốn như đã nêu ở trên, trong những năm qua, hệ thống cảng biển Việt Nam đã được chú trọng đầu tư theo từng hạng mục cũng như theo cơ cấu vùng kinh tế.