Từ những kết quả xem xét quá trình đấu tranh củng cố nền độc lập dân tộc của Liên bang Malaixia trong gần 50 năm qua, kể từ khi nước này giành được độc lập, bước đầu có thể đưa ra một vài kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, muốn củng cố được nền độc lập dân tộc, trước hết phải có cách tiếp cận tổng thể và quan niệm đúng đắn về độc lập dân tộc và phát triển; đồng thời xem xét đề ra chính sách phát triển đất nước luôn phải căn cứ vào điều kiện lịch sử, tương quan lực lượng cụ thể trong nước và quốc tế. Với điều của Malaixia, thì nước này không thể rập khuôn áp dụng các biện pháp giống như các nước khác để củng cố nền độc lập dân tộc, mà phải cùng lúc giải quyết ba vấn đề lớn là chủ nghĩa cộng đồng sắc tộc, phát triển có công bằng và dân chủ hóa xã hội. Hoàn cảnh cụ thể trong nước và quốc tế cũng không cho phép nước này nghiêng mạnh về một giải pháp nào đó trong củng cố nền độc lập dân tộc, mà luôn phải áp dụng phương pháp cân bằng, hài hòa quyền lợi giữa các thực thể khác nhau cùng tham gia và có lợi ích tại nước này.
Thứ hai, muốn có độc lập về chính trị thì phải củng cố và phát triển tiềm lực về kinh tế trong nước, trong đó phải tạo dựng một đội ngũ các nhà doanh nghiệp người bản địa có bản lĩnh về chính trị, khả năng về vốn và khoa học-kỹ thuật. Sự độc lập về kinh tế là nền tảng đảm bảo sự độc lập về chính trị và chủ quyền an ninh quốc gia. Kinh nghiệm
Malaixia cho thấy, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu mới người Malaixia (bao gồm các nhà kỹ trị quản lý nhà nước, các nhà doanh nghiệp, điều hành công ty có trình độ học thức cao, giới giáo viên, bác sĩ, các nhà khoa học v.v... của người bản địa, người Hoa, người gốc ấn Độ) không những là cơ sở chính cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả, mà quan trọng không kém là tạo ra nền tảng khá vững chắc, củng cố liên minh cầm quyền của ba đảng là UMNO, MCA và MIC trong "Mặt trận Quốc gia"; đồng thời đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc.
Thứ ba, sự theo đuổi chính sách tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, hài hòa dân tộc và củng cố nhà nước pháp quyền, xã hội công dân mà Malaixia đã và đang củng cố sức mạnh toàn diện, tổng hợp quốc gia, làm tăng sức đề kháng, tự cường dân tộc. Đây là một trong những kinh nghiệm khá thành công của Malaixia - một đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự phân chia quyền chính trị và hoạt động kinh tế theo tôn giáo, sắc tộc. Hiển nhiên, sự công bằng xã hội và hài hòa dân tộc được củng cố thì việc duy trì ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế cũng như củng cố nền độc lập quốc gia được đảm bảo.
Thứ tư, việc theo đuổi chính sách đối ngoại thiên về trung lập và không liên kết, chủ động hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Malaixia là tương đối phù hợp với thực tiễn lịch sử trong nước và quốc tế của nước này. Kinh nghiệm Malaixia cho thấy rằng, sự uyển chuyển, linh hoạt trong việc lựa chọn đối tác, bạn thù, thực hiện "cân bằng động" trong quan hệ quốc tế và luôn dựa trên nguyên tắc trung thành với quyền lợi của tổ quốc, phục vụ đường lối phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị trong nước, tăng nhanh uy tín của mình trên trường quốc tế là yếu tố then chốt đưa đến thành công của mặt trận đối ngoại của nước này.
Nói tóm lại, xuất phát từ nhận thức rằng, độc lập về chính trị chưa phải là độc lập hoàn toàn, nguy cơ trở lại kiếp sống nô lệ dưới nhiều hình thức có thể trở thành hiện thực. Các thế lực thực dân đế quốc không dễ dàng từ bỏ quyền lợi của họ ở các thuộc địa cũ, cũng chẳng hân hoan đón chào những người dân ở xứ "bảo hộ" ngày trước nay được
tự do, hạnh phúc, được xếp ngang hàng với mình. Chính vì vậy, Chính phủ Malaixia do NMNO lãnh đạo ngay từ khi giành được độc lập, song song với việc củng cố quyền lãnh đạo chính trị, đã bắt tay ngay vào việc xây dựng và kinh tế, trong đó từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế của người bản địa là một trong những chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Cùng với chính sách này, chính phủ kêu gọi sự đoàn kết dân tộc và khuyến khích sự hợp tác kinh tế đa dân tộc, đa thành phần kinh tế. Không những thế, chính phủ luôn kết hợp mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi hài hòa dân tộc và công bằng xã hội. Hơn nữa, để tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển lâu dài và bền vững, chính phủ luôn coi trọng xây dựng, củng cố tình đoàn kết đa dân tộc, theo đuổi chính sách hòa bình, trung lập, phi liên kết, nhấn mạnh đến hữu nghị và hợp tác láng giềng và cân bằng chiến lược giữa các nước lớn. Hơn nữa, Chính phủ Malaixia do UMNO cầm quyền tương đối linh hoạt trong việc theo đuổi chính sách thêm bạn, bớt thù, "cân bằng động" trong quan hệ quốc tế. Chính có cách tiếp cận một cách tương đối toàn diện về nền độc lập dân tộc và chủ quyền an ninh quốc gia, nên nước này không những bảo vệ được thành quả đấu tranh giành độc lập trước đây, mà còn làm tăng nhanh tính độc lập, tự chủ và sức đề kháng dân tộc trên tất cả các mặt. Bài học khá thành công của công cuộc củng cố nền độc lập dân tộc của Malaixia chỉ là để tham khảo là biết kết hợp những đường lối đối ngoại không chỉ theo nguyên tắc là thành công trong việc sử dụng nếu như có một đường lối đối ngoại đúng đắn, phù hợp với thực tiễn thì không những góp phần củng cố được nền độc lập và chủ quyền quốc gia, mà còn thúc đẩy nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị trong nước. Hơn nữa, đường lối và chính sách đối ngoại là sự kéo dài, phản ánh của chính sách đối nội và sự lựa chọn con đường phát triển kinh tế - xã hội và chính trị của đất nước.
Tóm lại, trải qua gần 50 năm kể từ ngày được trao trả độc lập. Liên bang Malaixia đã đạt được thành tựu to lớn trên tất cả các mặt, từ phát triển kinh tế đến đoàn kết dân tộc và an ninh quốc phòng. Từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu đã trở thành một trong những ứng cử viên mới của câu lạc bộ NIC cùng với một nền chính trị tương đối và ổn định và dân chủ, ngày càng có uy tín cao trong khu vực và trên thế giới. Cùng với cơ hội thuận lợi này, xu thế hòa bình cùng hợp tác, tồn tại và phát
triển đang thịnh hành hiện nay, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hiện đại hóa và bảo vệ tổ quốc của Malaixia.
Tuy nhiên, nền độc lập và sự thống nhất quốc gia - dân tộc của Malaixia vẫn còn có những yếu tố tiềm ẩn đe dọa. Đó là sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa cộng đồng sắc tộc, sự phân hóa giàu nghèo và bất công xã hội vẫn tồn tại lớn, đe dọa sự ổn định chính trị. Ngoài ra, sự gia tăng sức ép của toàn cầu hóa, khu vực hóa và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cực quyền cũng gây không ít khó sử trong việc duy trì bản sắc và chủ quyền quốc gia truyền thống. Thêm vào đó, những tiềm ẩn đang nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, ly khai dân tộc, thiên tai, dịch bệnh v.v. có thể làm tổn thương an ninh quốc gia và an toàn xã hội.
Bài học lớn nhất, bao trùm của Malaixia trong cuộc đấu tranh củng cố nền độc lập dân tộc là có cách tiếp cận tổng thể và thực hiện đồng thời các biện pháp, từ phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng cho đến chính sách đối ngoại mềm dẻo và linh hoạt nhưng có tính nguyên tắc. Kinh nghiệm điển hình về bài học khá thành công của Malaixia trong chính sách đối nội là cùng lúc phải giải quyết ba vấn đề lớn là: chủ nghĩa cộng đồng sắc tộc, phát triển có công bằng và dân chủ hóa xã hội. Còn về chính sách đối ngoại tuy là phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản, nhưng nghiêng về trung lập và không liên kết. Đây là yếu tố khá đặc thù nổi bật của Malaixia.
Kết luận
Từ việc tìm hiểu quá trình và con đường đấu tranh củng cố nền độc lập dân tộc của Liên bang Malaixia gần 50 năm qua, kể từ khi nước này giành được độc lập từ tay người Anh, bước đầu có thể đưa ra một số nhận xét và kết luận sau:
Thứ nhất, trải qua cuộc đấu tranh lâu dài, bằng nhiều hình thức, cả đấu tranh chính trị nghị trường lẫn vũ trang, cuối cùng nhân dân Malaixia đã giành lại được nền độc lập của mình vào ngày 31-8-1957. Đây không những là kết quả của phong trào đấu tranh chống thuộc địa của các nhóm cộng đồng sắc tộc, mà đại diện là của họ UMNO, MCA, MIC và MCP, mà còn là chịu tác động sâu sắc, sức ép phải trao trả độc lập bởi sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc sau 1945. Cùng với việc giai cấp tư sản nắm quyền lãnh đạo trong cách mạng dân tộc dân chủ, sự trao trả độc lập bằng con đường đàm phán hòa bình và thỏa hiệp và đã chế định sự lựa chọn con đường phát triển chủ nghĩa tư bản của nước này. Thế nhưng, trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội ở những năm 50-60 và sự gia tăng can thiệp của các nước lớn vào Đông Nam á, nên buộc Malaixia thiên về chính sách đối ngoại không liên kết và cân bằng thế lực, nhằm giảm bớt hay tránh sự chống đối từ bên ngoài.
Thứ hai, cùng với sự pha trộn và đan xen các hình thái kinh tế - xã hội, sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo, đặc biệt là sự khác nhau về địa vị xã hội và văn hóa tộc người giữa người Melayu, người Hoa và người gốc ấn Độ đã buộc chính phủ nước này lựa chọn thể chế chính trị đa nguyên, thực hiện chính sách nâng đỡ người bản địa, khuyến khích hợp tác kinh tế đa dân tộc, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, hài hòa và thích nghi dân tộc (mọi cộng đồng dân tộc tự thích nghi mà không có sự ép buộc hay cản trở từ phía chính phủ). Mặt trận quốc gia (National Front), trong đó hạt nhân chính là Tổ chức dân tộc thống nhất Malay (UMNO) là một liên minh chính trị của giới kỹ trị và tầng lớp doanh nghiệp của người Melayu, Hoa và ấn Độ. Cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa UMNO, MCA, MIC không chỉ là yếu tố chính thúc đẩy sự ổn định chính trị trong nước, mà quan trọng hơn là thúc đẩy
nhanh chóng sự phát triển của tầng lớp trung lưu mới người Malaixia. Học không chỉ là hạt nhân chính nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, mà còn là cơ sở đoàn kết, tập hợp lực lượng cho sự phát triển về mọi mặt của đất nước này.
Thứ ba, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và nền độc lập non trẻ của mình, Chính phủ Malaixia do Đảng Liên minh cầm quyền mà hạt nhân chính là UMNO lãnh đạo đã và đang thi hành chính sách thiên về trung lập, không liên kết, cân bằng chiến lược và chủ động hội nhập trong quan hệ quốc tế. Hơn nữa, chính sách đó dành nhiều nỗ lực cho việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng và tổ chức khu vực, mà điển hình là các nước và tổ chức ASEAN. Đây là một trong những nét điển hình, nổi trội của chính sách đối ngoại của Malaixia kể từ khi giành được độc lập cho tới nay. Chính nhờ có chính sách đối ngoại tương đối hợp lý đối với điều kiện cụ thể và bối cảnh quốc tế khu vực trong gần 50 năm qua, nên sự phát triển trong nước và nền độc lập dân tộc của Malaixia không ngừng được củng cố.
Thứ tư, tuy nền độc lập và sự thống nhất quốc gia - dân tộc của Malaixia không ngừng được củng cố, nhưng sự đe dọa tiềm ẩn vẫn tồn tại. Đó là sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa cộng đồng sắc tộc, sự phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội cũng như sự phát triển không đồng đều còn tồn tại khá lớn. Hơn nữa, những mâu thuẫn cố hữu của chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản cầm quyền vẫn là nhân tố có thể bùng nổ, gây bất ổn, đe dọa đến chủ quyền và an ninh quốc gia. Các thế lực thực dân đế quốc không dễ dàng từ bỏ quyền lợi của họ ở các xứ thuộc địa cũ. Họ luôn tìm cách nô dịch các nước yếu kém hơn bằng các chiêu bài mới sử dụng "vấn đề dân chủ, nhân quyền", "đầu tư phát triển" v.v... để bắt các nước đó đi theo quỹ đạo của mình. Thêm vào đó, sự gia tăng sức ép của toàn cầu hóa, khu vực hóa và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cường quyền hiện nay về khía cạnh nào đó cũng gây không ít khó sử trong việc duy trì bản sắc và chủ quyền quốc gia truyền thống v.v... Ngoài ra, những vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên ít nhiều cũng đe dọa đến sự ổn định và phát triển của nhiều nước, trong đó có Malaixia.
Thứ năm,bài học lớn nhất, bao trùm của Malaixia trong cuộc đấu tranh củng cố nền độc lập dân tộc là có cách tiếp cận tổng thể và thực hiện đồng thời các biện pháp, từ phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng cho đến chính sách đối ngoại mềm dẻo và linh hoạt nhưng có tính nguyên tắc. Kinh nghiệm điển hình về bài học khá thành công của Malaixia trong chính sách đối nội là cùng lúc phải giải quyết ba vấn đề lớn là chủ nghĩa cộng đồng sắc tộc, phát triển có công bằng và dân chủ hóa xã hội. Còn về chính sách đối ngoại tuy là phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản, nhưng nghiêng về trung lập và không liên kết. Đây là yếu tố khá đặc thù nổi bật của Malaixia.
Như vậy, trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, nền độc lập dân tộc của Liên bang Malaixia không ngừng được củng cố, tiềm lực tổng thể của quốc gia tăng lên nhanh, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân được cải thiện gấp nhiều lần, uy tín quốc tế được nâng cao, trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá gia nhập vào câu lạc bộ của các nước NIC ở châu á trong nay mai. Kinh nghiệm cho thấy rằng, nếu như có một đường lối xây dựng đất nước (cả đối nội lẫn đối ngoại) một cách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn thì không những góp phần củng cố được nền độc lập và chủ quyền quốc gia, mà còn thúc đẩy nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị trong nước.
danh mục tài liệu tham khảo
1. Đỗ Thanh Bình (2006), Lịch sử phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XX - Một cách
tiếp cận mới, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
2. Lê Thu Hà (1995), "Malaixia - Chính phủ công bằng và hiệu quả", Châu á - Thái Bình Dương, (4).
3. Nguyễn Văn Hà (1997), "Đổi mới cơ cấu kinh tế của Malaixia từ khi giành độc lập