Thực hiện chính sách ngoại giao nghiêng về trung lập, không liên kết và cân bằng chiến lược giữa các nước lớn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Quá trình đấu tranh củng cố nền độc lập dân tộc của Liên bang pptx (Trang 67 - 71)

cân bằng chiến lược giữa các nước lớn

Cũng giống như các nước á-Phi-Mỹ Latinh khác, sau khi giành được độc lập (1957), Liên bang Malaya (từ 1963 là Malaixia) phải lựa chọn và tiến hành các biện pháp thích hợp với điều kiện, tình hình cụ thể trong nước và xu hướng quốc tế để củng cố chủ quyền quốc gia non trẻ của mình. Hơn nữa sự nghiệp phát triển và canh tân đất nước là nhiệm vụ chủ chốt, hàng đầu đòi hỏi phải có sự trợ giúp đắc lực của chính sách đối ngoại. Nếu như có một đường lối đối ngoại đúng đắn, phù hợp với thực tiễn thì không những góp phần củng cố được nền độc lập và chủ quyền quốc gia, mà còn thúc đẩy nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị trong nước. Hơn nữa, đường lối và chính sách đối ngoại là sự kéo dài, phản ánh của chính sách đối nội và sự lựa chọn con đường phát triển kinh tế - xã hội và chính trị của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng và mối quan hệ hữu cơ, ràng buộc lẫn nhau của chính sách đối nội cũng như đối ngoại, chính phủ Malaixia ngay từ ngày đầu giành được độc lập đã chủ trương theo đuổi một chính sách đối ngoại thiên về trung lập và không liên kết. Những nguyên tắc cơ bản của đường lối đối ngoại của nước này được khẳng định trong các Hiến pháp 1957, 1963 và 1971, và được ghi rõ trong các văn kiện của đảng UNMO rằng Malaixia theo đuổi chính sách chung sống hòa bình, thân thiện với tất cả các nước trên thế giới. Các đời thủ tướng và các lãnh tụ của Đảng cầm quyền UMNO luôn khẳng định rằng, Malaixia thi hành một chính sách ngoại giao trung lập, không liên kết và tuân theo 5 nguyên tắc chung sống hòa bình mà Hội nghị Băng Đung đưa ra vào năm 1955 [31, tr. 318-319]. Tuy nhiên, mức độ đậm, nhạt của chính sách trung lập, không liên kết của Malaixia thay đổi qua các giai đoạn phát triển của đất nước và xu thế biến đổi của quốc tế.

Do cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc chủ yếu bằng con đường thương lượng hòa bình và do giai cấp tư sản lãnh đạo, nên Malaixia sau khi được trao trả độc lập vẫn còn có những mối quan hệ mật thiết Vương quốc Anh. Thực dân Anh vẫn còn duy trì ảnh hưởng lớn về kinh tế và an ninh quốc phòng. Hơn nữa, ở giai đoạn đầu, chính quyền tư sản dân tộc chưa đủ mạnh, đang phải đấu tranh với lực lượng du kích do Bắc Kinh hậu thuẫn. Ngoài ra, sau khi Liên bang Malaixia được thành lập (1963), bao gồm cả Xingapo, Sabah và Sarawak thì mâu thuẫn giữa Malaixia và Inđônexia bùng nổ và xẩy ra chiến tranh biên giới. Thực tế đó buộc các nhà lãnh đạo của Malaixia dù muốn hay không vẫn phải dựa vào sự ủng hộ của chính phủ Anh. Do vậy trong những năm đầu sau khi giành được độc lập, Malaixia vẫn phải tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với Anh và các nước thuộc Khối Liên hiệp Anh và các nước tư bản chủ nghĩa khác, mặc dầu biết rằng, các nước đó không muốn để cho Malaixia hoàn toàn được độc lập. Điều này được thể hiện rõ nét là sau hơn một tháng Tuyên bố độc lập, vào tháng 10 năm 1957, Malaya lúc đó đã ký ngay với Anh "Hiệp ước phòng thủ và tương hỗ", trong đó chính phủ Anh được quyền duy trì các lực lượng vũ trang của họ tại nước này, kể cả các lực lượng dự trữ chiến lược của khối Liên hiệp Anh. Ngoài ra, Anh và Malaya cùng phối hợp hành động để bảo vệ quyền lợi của nhau ở khu vực Viễn Đông khi bị đối phương tiến công bằng vũ lực (Đến năm 1959 có thêm Ôxtraylia và Niu Dilân tham gia Hiệp ước nay). Tiếp đến cũng ngay trong năm 1957 Liên bang Malaya chính thức tham gia vào khối Liên hiệp Anh. Chính sự chi phối bởi ảnh hưởng lớn của Anh trong đời sống kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cũng như rơi vào thế đối đầu với Inđônexia nên trong thập niên đầu sau khi giành được độc lập, chính sách đối ngoại của Malaixia có phần nghiêng về phương Tây và chống lại chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, chính sách trung lập, không liên kết của Malaixia vẫn được thể hiện khá rõ nét trong nhiều khía cạnh. Ví dụ như, mặc dù chưa có quan hệ với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhưng Malaixia vẫn không công nhận chính thể Đài Loan là đại diện của Trung Quốc, tuy giữa Đài Bắc và Kuala-lumpur có mối quan hệ khá chặt chẽ. Hơn nữa, từ nửa sau những năm 60, Malaixia bắt đầu phát triển quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, mà điển hình là thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô vào năm 1967.

Từ những năm 70, khi thủ tướng Tun Abdul Razak Hussein lên nắm quyền (1970-1976), chính sách đối ngoại của Malaixia tỏ rõ thái độ trung lập và không liên kết hơn trong các vấn đề quốc tế. Từ thời gian này chính phủ Malaixia nhấn mạnh đến mở rộng quan hệ với tất cả các nước, các tổ chức trên thế giới. Trước đó vào năm 1969, Malaixia chính thức là thành viên của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) và tự nhận mình là quốc gia Hồi giáo; và cựu thủ tướng đầu tiên Tunku Abdul Rahman (1957-1970) đảm nhiệm chức Tổng thư ký của OIC [43, tr. 206-207; 212]. Tiếp đến tháng 9-1970 tại Hội nghị lần thứ III của Phong trào không liên kết (NAM) tổ chức tại Lusanka của Dambia, Malaixia chính thức trở thành thành viên của phong trào này. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị khá lớn đối với Malaixia nói chung, ASEAN nói riêng trong việc đấu tranh chống áp đặt của cường quyền và can thiệp từ bên ngoài, biểu hiện tinh thần độc lập, tự chủ của người Đông Nam á.

Sự kiện khá nổi bật, đáng chú ý trong việc theo đuổi chính sách trung lập, không liên kết của Malaixia là sự ra đời của "Tuyên bố Đông Nam á là một khu vực hòa bình, tự do và trung lập" (ZOPFAN) vào tháng 11-1971. ý tưởng về ZOPFAN được chính phủ Malaixia chính thức đưa ra tại Hội nghị phong trào không liên kết nhóm họp tại Lusaka năm 1970 và sau đó được các thành viên ASEAN tiếp nhận, ủng hộ một cách mạnh mẽ.

Sự ra đời của ZOPFAN trong bối cảnh hình thành Tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Xô và giảm sự dính líu quân sự của Mỹ tại Việt Nam và sự rút quân của Anh khỏi Xingapo và Malaixia. Malaixia cũng như nhiều nước khác cho rằng, việc giảm bớt sự có mặt của Mỹ và Anh tại khu vực này sẽ tạo cơ hội cho các cường quốc khác tăng cường can thiệp vào khu vực. Để góp phần làm dịu tình hình đối đầu trong khu vực và thiết lập một nền hòa bình lâu dài ở Đông Nam á, đồng thời củng cố nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, giảm bớt hoặc ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài ZOPFAN đã được thông qua. Hay nói một cách khác là Tuyên bố Kuala-Lumpur 1971 nhằm mục đích trung lập hóa Đông Nam á và củng cố quyền dân tộc tự quyết, khu vực tự cường của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Malaixia.

Trên tinh thần của Tuyên bố ZOPFAN, Malaixia vào tháng 3-1973 đã từ giã tham gia Hội đồng Châu á - Thái Bình Dương (AZPAK) (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtraaylia, Niu Dilân, Thái Lan, Nam Việt Nam và Đài Loan - một tổ chức hợp tác bị Mỹ và đồng minh của Mỹ chi phối lập ra từ 1966). Đặc biệt từ thời gian này Malaixia tích cực đi đầu trong việc cải thiện quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là với các nước lớn. Cụ thể là vào năm 1972, thủ tướng Abdul Razak thăm chính thức Liên Xô. Tiếp đến năm 1973, quan hệ ngoại giao chính thức Malaixia-Việt nam Dân chủ Cộng hòa cũng được thiết lập. Vào năm 1974, thủ tướng Abdul Razak thăm chính thức Bắc Kinh và quan hệ ngoại giao giữa hai nước này chính thức bắt đầu. Việc mở rộng hay thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc của Malaixia, ngoài mục đích tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đó cho triển khai kế hoạch ZOPFAN, còn nhằm chứng minh cho đường lối trung lập, chính sách cân bằng giữa các nước lớn mà nước này theo đuổi [30, tr. 70], [31, tr. 333].

Những sự kiện hay biến đổi ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng luôn nằm trong trung tâm chú ý của ASEAN, trong đó có Malaixia. Nếu như Thái Lan và Philippin là đồng minh thân thiết của Mỹ, là thành viên của SEATO, thì Malaixia tỏ ra trung lập, có thái độ ôn hòa hơn, tuy rằng họ hết sức thận trọng trong việc mở rộng quan hệ với Việt Nam [43, tr. 207].

Chiến thắng của cách mạng ba nước Đông Dương năm 1975 càng làm cho Malaixia củng cố thêm thái độ trung lập, không liên kết và cân bằng nước lớn của họ. Điều này được thể hiện là sau khi ngừng tiếng súng ở Đông Dương, Chính phủ Malaixia tuyên bố công nhận chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và đến tháng 10 năm 1975 Malaixia và Việt Nam dân chủ cộng hòa ký thỏa thuận trao đổi sứ quán. Lập trường trên của Malaixia được khẳng định khá rõ ràng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ nhất nhóm họp tại Bali (Inđônexia) tháng 2-1976 rằng, "Malaixia sẽ không tham gia vào sự đối đầu và cạnh tranh quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước không phụ thuộc vào hệ tư tưởng chính trị hay chế độ xã hội của họ, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và không can thiệp" [31, tr. 335].

Từ thời Thủ tướng Tun Hussein Onn (1976-1981), đặc biệt là dưới thời lãnh đạo của Mahathir Mohamad (1981-2004) và hiện nay là Abdulah Ahmad Badawi (từ 2004 đến nay), chính sách thiên về trung lập, không liên kết và cân bằng giữa các nước lớn ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, chính sách trung lập, cân bằng thế lực của Malaixia từ khi Tun Hussein Onn lên cầm quyền được thể hiện khôn khéo hơn bằng việc củng cố hợp tác ASEAN, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, giảm thiểu sự đối đầu với các nước khác, nhất với các nước lớn. Điều này cũng được thể hiện một phần trong chính sách của Malaixia đối với Việt Nam trong thập niên 70-80 - những năm hết sức phức tạp, đầy sóng gió trong quan hệ quốc tế khu vực. Ngay cả khi Việt Nam đưa quân vào Cămpuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol-Pot, Malaixia cũng gần giống như Inđônexia chỉ mong Việt Nam sớm rút quân, chứ không tỏ thái độ hằn học, đối đầu như nhiều nước ASEAN khác lúc đó. Từ giữa những năm 80 trở đi thái độ trung lập có tính xây dựng của Malaixia được biểu hiện khá rõ nét bằng việc muốn giải quyết nhanh vấn đề Campuchia, có lợi cho hòa bình hợp tác khu vực. Những sáng kiến thực hiện khu vực phi vũ khí hạt nhân, coi đó như một phần quan trọng để thực hiện ZOPFAN được Malaixia và Inđônexia đưa ra và đã thông qua giữa những năm 80 cũng là một trong những bằng chứng về thái độ trung lập, không liên kết của Malaixia [36, tr. 6-7].

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Quá trình đấu tranh củng cố nền độc lập dân tộc của Liên bang pptx (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)