3.2.1. Triển vọng
Mặc dầu có những khó khăn và đầy trở ngại, thậm chí có cả khủng hoảng và xung đột (như xung đột sắc tộc năm 1969), khủng hoảng kinh tế 1997-1998), nhưng nhìn chung Liên bang Malaixia trong gần 50 năm qua, kể từ ngày được trao trả độc lập đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt, từ phát triển kinh tế đến đoàn kết dân tộc và an ninh quốc phòng. Từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu đã
vươn lên trở thành một nước gần tới quy chế một nước công nghiệp mới ở châu á và một nền chính trị tương đối dân chủ và ổn định, ngày càng có uy tín cao trong khu vực và trên thế giới. Quan trong hơn là người dân của đất nước này được hưởng sự phân phối khá hợp lý và công bằng từ những thành quả của sự phát triển. Sự ổn định xã hội và nền độc lập dân tộc không ngừng được củng cố.
Để tiến tới xây dựng một quốc gia Malaysia thống nhất, sống trong hòa bình, tự do và tiến bộ, một xã hội dân chủ, năng động, có tri thức cao, công bằng, khoan dung và đùm bọc lẫn nhau như mục tiêu của Tầm nhìn 2020 đã đưa ra đòi hỏi sự nỗ lực lớn của tất cả cộng đồng dân tộc, mỗi công dân của Malaixia, trước hết là giới cầm quyền, các đảng phái chính trị của đất nước này. Với những thuận lợi, cơ hội mới đã và đang tạo ra (như nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao và có khả năng duy trì trong thời gian dài; nền chính trị trong nước tương đối ổn định và không ngừng phát triển theo chiều hướng nhà nước dân chủ và xã hội công dân và hòa hợp dân tộc; chính sách kinh tế vĩ mô và thế hệ lãnh đạo mới luôn đổi mới, thích ứng khá kịp thời với sự thay đổi của thời cuộc; uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao; xu thế hòa bình cùng hợp tác và phát triển vẫn đang là dòng chảy chính của khu vực và trên thế giới) thì có thể nhận định rằng sự phát triển của Liên bang Malaixia, nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của nước này không ngừng được củng cố. Mỗi khi sức mạnh tổng thể của quốc gia tăng lên, trong đó có tiềm lực kinh tế, có sức mạnh về quân sự và đại đoàn kết toàn dân, có sự phát triển hài hòa về dân tộc và xã hội thì sức mạnh chính trị, nền độc lập và chủ quyền quốc gia ít bị xâm phạm từ các thế lực chống đối trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, nền độc lập và sự thống nhất quốc gia - dân tộc của Malaixia vẫn còn có những yếu tố tiềm ẩn đe dọa. Đó là sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa cộng đồng sắc tộc. Sự khác biệt về sắc tộc và tôn giáo giữa người Melayu, người Hoa và người gốc ấn Độ vẫn còn là trở ngại lớn nhất đối với tiến trình hòa hợp dân tộc và củng cố sự thống nhất quốc gia của Malaixia. Tiếp đến là chính sách phân biệt đối xử của chính phủ Malaixia (dù là không trầm trọng lắm và ngày càng được dỡ bỏ) đối với các nhóm tộc người không phải là bản địa ít hay nhiều cũng gây cản trở cho sự đồng thuận quốc gia, gây chia rẽ dân tộc. Hơn nữa, sự tồn tại mâu thuẫn bên trong nội bộ Liên minh cầm
quyền (Mặt trận Quốc gia) và ngay trong Đảng cầm quyền UMNO cũng là yếu tố có khả năng gây mất ổn định chính trị và phát triển kinh tế của đất nước này. Ngoài ra, sự gia tăng sức ép của toàn cầu hóa, khu vực hóa và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cực quyền cũng gây không ít khó sử trong việc duy trì bản sắc và chủ quyền quốc gia truyền thống. Thêm vào đó, những tiềm ẩn đang nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống của đe dọa đến sự ổn định và phát triển. Chính vì vậy, có thể nói rằng, phát triển bền vững của Malaixia nói chung, nền độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia nói riêng tuy vẫn được duy trì ở mức độ khá cao, nhưng vẫn còn có những yếu tố gây cản trở đến quá trình trên. Nếu nền kinh tế liên tục phát triển và công bằng xã hội luôn được đảm bảo thì các vấn đề về chính trị - xã hội và an ninh quốc gia sẽ luôn được củng cố.