Vấn đề dân tộc và tôn giáo liên quan đến ba cộng đồng tộc người chính là người Melayu, người Hoa và người ấn Độ luôn là trung tâm của chính sách phát triển quốc gia
của Malaixia. Như đã đề cập ở trên, người Melayu và các tộc người thiểu số địa phương là nhóm tộc người bản địa, chiếm số đông, lớn nhất, nhưng lại có vị trí kinh tế thấp nhất trong các cộng đồng. Phần lớn họ sinh sống ở nông thôn, theo Hồi giáo và có quan hệ mật thiết về văn hóa và huyết thống với người Hồi giáo tại khu vực này. Còn người Hoa chủ yếu theo Phật giáo và Đạo giáo cùng với thờ cúng tổ tiên. Họ có dân số đứng thứ hai, chủ yếu sống ở đô thị và có vai trò kinh tế nổi trội. Còn cộng đồng người ấn Độ chủ yếu là người Tamil, theo Hindu giáo đứng vào hàng thứ ba về dân cư và vai trò trong đời sống kinh tế - xã hội và chính trị của nước này. Cùng với sự tồn tại tự nhiên của ranh giới tộc người (huyết thống, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng), sự khác nhau về ranh giới nghề nghiệp, quyền lợi kinh tế và địa vị xã hội luôn là vấn đề nhạy cảm, có thể tạo ra những cản trở đối với sự thống nhất và phát triển quốc gia. Trong thực tế, do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, xung đột sắc tộc giữa người Hoa và người Malayu đã xảy ra, điển hình là cuộc ẩu đả sắc tộc xảy ra sau kỳ bầu cử quốc hội năm 1969 tại Kuala Lumpur. Sau sự kiện này, Chính phủ Malaixia, do người bản địa kiểm soát, đề ra chính sách NEP. Tiếp theo, sự điều chỉnh chính sách nhằm thu hút người Hoa cùng với người bản địa lập nên các tập đoàn kinh tế lớn và việc nới lỏng các hạn chế về Hoa văn đối với người Hoa trong những năm 80 - 90 mà Chính phủ Malaixia thi hành từ thời Mahathia làm Thủ tướng là những bằng chứng về sự tác động của yếu tố sắc tộc trong chính sách phát triển của quốc gia này. Đây là một đặc điểm nổi bật của lịch sử Malaixia hiện đại.
Ngoài yếu tố tộc người và tôn giáo bên trong Malaixia như đã nêu trên, môi trường văn hóa và chính trị tộc người của khu vực, đặc biệt là sự gần gũi về văn hóa và huyết thống giữa người Melayu và người bản địa Inđônexia, giữa người Hoa Malaixia và người Hoa khu vực cũng có tác động không nhỏ đến việc hoạch định chính sách và xử lý các mối quan hệ sắc tộc bên trong đất nước này. Mọi chính sách thân thiện hay kỳ thị đối với ba cộng đồng chính trên của Chính phủ Malaixia không chỉ có tác động đến toàn bộ đời sống xã hội trong nước, mà còn tạo ra phản ứng dây chuyền đối với cả khu vực, nhất là phản ứng từ các quốc gia lớn trong khu vực như Inđônexia, Trung Quốc và ấn Độ. Thêm vào đó, chính sách "chia để trị" của các thế lực đế quốc bên ngoài cũng góp phần làm tăng tính nhạy cảm dân tộc. Điều này không chỉ là hậu quả của chính sách cai trị mà
thực dân đế quốc trước đây để lại, mà còn là sản phẩm của chiến tranh lạnh và sau đó là tranh đua giành ưu thế địa - chính trị giữa các nước lớn trong khu vực. Hơn nữa, các thế lực chính trị cực đoan, sử dụng sự khác biệt về tôn giáo và sắc tộc (ví dụ như Đảng PAS (Đảng Hồi giáo Malaixia)) để mưu cầu quyền lợi của mình cũng góp phần làm tăng tính nhạy cảm chính trị và môi trường phát triển. Rõ ràng bối cảnh văn hóa tộc người ở khu vực nói chung, ở Malaixia nói riêng luôn là nét đặc trưng, có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình hòa hợp và phát triển quốc gia cũng như sự tồn tại và phát triển của từng nhóm tộc người. Chính vì vậy, biện pháp để củng cố nền độc lập dân tộc chỉ có thể bằng cách nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhóm xã hội - tộc người kém phát triển hơn, đồng thực hiện xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội và khuyến khích hợp tác, đoàn kết đa dân tộc.
Yếu tố tiếp theo chế độ mô hình phát triển kinh tế - xã hội và chế độ chính trị của Liên bang Malaixia là Đảng cầm quyền trong hệ thống chính trị. Như đã đề cập ở trên, Malaixia là một nước quân chủ lập hiến, theo thể chế đa nguyên về kinh tế, chính trị cũng như văn hóa. Ngoài tác động của môi trường văn hóa dân tộc và sự đan xen của các hình thái kinh tế - xã hội, bối cảnh chính trị tộc người, trong đó sự hoạt động và vai trò của Đảng cầm quyền có ảnh hưởng sâu sắc đến sự lựa chọn mô hình phát triển và biện pháp củng cố và phát triền nền độc lập nước nhà. Đó là hoạt động của Mặt trận Quốc gia (National Front), của liên minh chính trị ba đảng phái lớn nhất là UMNO, Hiệp hội người Hoa Malaixia (MCA) và Đại hội ấn Malaixia (MIC), trong đó NMNO là hạt nhân chính, đóng vai trò nổi trội.
Trước hết là Tổ chức dân tộc thống nhất Malay (UMNO); Đảng này được chính thức thành lập vào ngày 11/5/1946 (trước đó có hai lần Hội nghị trù bị). Hạt nhân chính của tổ chức chính trị này là tầng lớp trí thức, giới báo chí, giáo viên người bản địa có tinh thần dân tộc rất cao. Do khai thác được tâm lý dân tộc người Melayu và dựa vào ảnh hưởng lớn lao mà giới quý tộc còn duy trì được trong tầng lớp nông dân, UMNO đã mạnh mẽ đòi thực dân Anh nhận quyền ưu đãi của cộng đồng người Malayu. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn UMNO đã trở thành một Đảng mang màu sắc cộng đồng tộc người Melayu, và được sự ủng hộ khá rộng rãi của các tầng lớp dân cư Malaixia. Để nắm
quyền lãnh đạo đất nước và giành độc lập dân tộc từ tay người Anh, Đảng này ngay từ đầu chủ trương liên minh với các đảng phái khác, nhất là với MCA và MIC. Từ năm 1981 cho tới 2003, dưới thời lãnh đạo của thủ tướng Mahathir Mohamed (ông này vừa kiêm chủ tịch Đảng UMNO), liên minh cầm quyền ba đảng chủ chốt trong Mặt trận hay Liên minh quốc gia tiến triển một cách vững chắc. Từ thời điểm đó sự liên kết của giới doanh nghiệp người Hoa, người ấn với tầng lớp trí thức, quan cai trị người Melayu diễn ra khá mạnh mẽ. Mục tiêu của UMNO nói riêng, Mặt trận quốc gia nói chung là phấn đấu vì một nước Malaixia độc lập và thịnh vượng trên nền tảng một xã hội đa nguyên và phát triển hài hòa giữa các dân tộc. Đây là một đặc điểm chính trị nổi bật, chi phối sâu sắc đường lối đối nội cũng như đối ngoại của Malaixia từ năm 1957 đến nay.
Tiếp đến, là Hiệp hội người Hoa Malaixia (MCA) được thành lập từ 1949 và Đại hội người ấn Malaixia (MIC) được thành lập vào năm 1946 là những tổ chức chính trị - xã hội của cộng đồng dân nhập cư từ Trung Quốc và ấn Độ. Hai tổ chức này lúc đầu chủ yếu làm chức năng phúc lợi xã hội trong cộng đồng của mình, dần dần trở thành một lực lượng chính trị, có tiếng nói quan trọng trong đời sống kinh tế cũng như hòa hợp dân tộc ở Malaixia. So với MIC, MCA có thành viên đông đảo và sức mạnh kinh tế cũng như chính trị lớn.
Đối lập với Mặt trận Quốc gia chủ yếu là Đảng Hồi giáo Malaixia (PAS) hoặc (PIS) và Đảng dân chủ hành động Malaixia (DAP); PAS đại diện cho người Malaixia theo đường lối cực đoan, bài trừ các tộc người không phải là cư dân bản địa (Bumiputera), chủ trương xây dựng một đất nước thuần túy Hồi giáo. Còn DAP đấu tranh vì một xã hội dân chủ theo mô hình các nước Bắc Âu. Trong thập niên gần đây PAS phát triển khá mạnh, nhất là ở các tỉnh phía có đông tín đồ Hồi giáo, và là do tác động của làn sóng phục hưng Hồi giáo và một phần là phản ứng lại mặt trái của toàn cầu hóa và cuộc chiến chủ nghĩa khủng bố do Mỹ phát động. Còn DAP cũng được mở rộng các thành viên của mình do sự gia tăng xã hội dân chủ tại quốc gia Hồi giáo này.
Có thể nói rằng, UMNO, MCA và MIC trong Mặt trận quốc gia đã và đang đóng vai trò chủ đạo trong hoạch định chính sách và chiến lược phát triển của đất nước
Malaixia. Họ không chỉ đại diện lợi ích cho các nhóm cộng đồng sắc tộc mà trước hết là lợi ích của giai cấp tư sản nói chung. Sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các đảng phái chính trị đó không chỉ là yếu tố chính thúc đẩy sự phát hài hòa giữa các nhóm cộng đồng dân tộc và đoàn kết quốc gia, mà còn cơ sở cho việc củng cố nền độc lập dân tộc và duy trì chế độ tư bản tại nước này.