Tăng cường đầu tư phát triển cho các vùng lạc hậu, kém phát triển, nơi có phần đông người bản địa sinh sống

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Quá trình đấu tranh củng cố nền độc lập dân tộc của Liên bang pptx (Trang 48 - 49)

nơi có phần đông người bản địa sinh sống

Như đã đề cập một phần ở trên, sau hơn một thập niên xây dựng và phát triển kể từ sau ngày giành được độc lập, tuy có đạt được một số thành quả bước đầu trong xóa đói, giảm nghèo và thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, nhưng nhìn chung Malaixia vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, khoảng 4/5 dân số sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong số đó đại bộ phận dân cư ở đó là người Melayu bản địa sinh sống. Sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, các nhóm cộng đồng sắc tộc về mức sống và tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân hầu như ít được thay đổi. Chính vì vậy, một trong những hướng ưu tiên của NEP là tăng cường giúp đỡ các khu vực nông nghiệp và nông thôn bằng tài chính và thể chế. Trong tổng số Quỹ phát triển của chính phủ Liên bang (FGDA), thì số vốn dành cho phát triển nông nghiệp và nông thôn luôn chiếm tỉ lệ cao, tới 23,8% giai đoạn 1971-1975 và các kế hoạch 5 năm tiếp theo đều đạt mức 15-17%. Trong khi đó vốn dành cho hỗ trợ phát triển thương mại và dịch vụ chỉ bằng khoảng 1/4 quỹ dành cho nông nghiệp và nông thôn, chiếm bình quân khoảng 5- 7% [29, tr. 50].

Ngoài việc hỗ trợ về vốn, chính phủ còn lập ra các cơ chế nhằm giúp khu vực nông nghiệp và nông thôn có cơ sở pháp lý để phát triển nhanh hơn như lập ra các Chương trình hay dự án phát triển cây trồng, đặc biệt là các loại cây trồng có giá trị xuất khẩu cao như cao su, ca cao, hồ tiêu, dầu cọ, v.v... Bên cạnh đó chính phủ còn ban hành riêng Chính sách nông nghiệp quốc gia (đưa ra vào năm 1984), trong đó có các chương trình cải tạo đất, nâng cao năng xuất và đa dạng hóa cây trồng, thực hiện khai hoang và mở rộng diện tích canh tác. Để thực hiện các chương trình này, chính phủ thành lập các bộ phận chuyên trách. Ví dụ như Cơ quan phục hồi và phát triển đất Liên bang (FELCRA) vừa có chức năng cải tạo đất, vừa đưa ra kế hoạch và giúp đỡ các khu vực nông thôn mở rộng diện tích canh tác bằng khai hoang đất mới [29, tr. 55-56]. Ngoài các khoản quan tâm trên, chính phủ Malaixia còn ưu đãi về giá, thông qua các khoản thuế, nhất là thuế về xuất khẩu nông sản và nhập khẩu máy móc phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn [2, tr. 47].

Trong chương trình xóa đói giảm nghèo, giảm sự bất bình đẳng giữa các nhóm tộc người trong thu nhập và địa vị xã hội có chính sách phát triển hài hòa và hợp lý giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa miền Đông và miền Tây của Malaixia. Từ trước cho đến nay mức độ chênh lệch giữa các vùng miền trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như phân bố tộc người là rất lớn. Phần lớn người Hoa sống ở đô thị, các nơi có nền kinh tế phát triển, tiện lợi đi lại. Còn phần lớn người Melayu sống ở nông thôn, những nơi chậm phát triển. Chính vì vậy, chính sách phát triển hợp lý, cân bằng giữa các vùng miền, khu vực nông thôn và thành thị không những có ý nghĩa kinh tế, mà còn góp phần quan trọng không chỉ nâng cao địa vị kinh tế cho người bản địa, mà quan trọng hơn thúc đẩy sự đoàn kết và hài hòa giữa các dân tộc. Đây là một việc làm có ý nghĩa chính trị sâu sắc, từng bước xóa bỏ sự ngăn cách tự nhiên, đưa đến sự hòa hợp về dân tộc và xã hội, củng cố sức mạnh tổng thể quốc gia.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Quá trình đấu tranh củng cố nền độc lập dân tộc của Liên bang pptx (Trang 48 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)