Đánh giá chất lượng giáo viên theo tiêu chuẩn nghề nghiệp:

Một phần của tài liệu Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên THCS âp dụng thí điểm tại thị xã Phúc Yên- Tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 40 - 42)

- Để chính xác hoá việc đánh giá và phân loại giáo viên dù sử dụng phương pháp thống kê hay phương pháp điều tra thu thập ý kiến người học, xu thế những năm gần đây trên thế giới là xây dựng một số chuẩn chuyên nghiệp cho người thầy, gọi là chuẩn nghề giáo viên, góp phần làm cho dạy học trở thành một nghề chuyên nghiệp cũng như định hướng cho người thầy rèn luyện phấn đấu, cho các cấp quản lý công cụ đánh giá phân loại, từ đó có kế hoạch sử dụng và bồi dưỡng người thầy một cách hợp lý và hiệu quả.

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên (theo cấp học) là những yêu cầu cơ bản về phẩm chất và năng lực nghề nghiệp đối với giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục của một cấp học. Những yêu cầu này làm cơ sở để thiết kế “thước đo” với các thang bậc nhất định để áp vào năng lực giáo viên, xem năng lực giáo viên ở nấc thang nào.

Những yêu cầu cơ bản đối với người dạy được thể hiện trên 3 mặt: Tư tưởng, đạo đức; kiến thức, kỹ năng sư phạm; kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Do yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục, đòi hỏi phải “chuẩn hoá” giáo viên ở mỗi cấp học, tức là phải thể chế hoá yêu cầu đó thành “chuẩn nghề nghiệp”.

Ba mặt tư tưởng, đạo đức; kiến thức, kỹ năng chuyên môn; và kiến thức, kỹ năng sư phạm của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên được cụ thể thành các yêu cầu, mỗi yêu cầu lại được cụ thể thành các câu hỏi/item21 và mỗi câu hỏi lại được cụ thể hoá thành các minh chứng có thể xác định được trong thực tế (“đo đếm” hoặc quan sát được). Các minh chứng ở mỗi câu hỏi có “độ khó” khác nhau và phản ánh mức độ đạt được tiêu chí đó.

Các yêu cầu thể hiện đối với giáo viên được lựa chọn, sắp xếp có tính đến vị trí, vai trò của người giáo viên ở mỗi cấp học, nhằm trả lời cho các câu hỏi họ là ai và mối quan hệ họ phải xử lý hàng ngày. Để trả lời cho câu hỏi họ là ai? Các yêu cầu thường xoay quanh các chủ đề: Chuyên gia về lĩnh vực chuyên môn được giảng dạy, nhà sư phạm, nhà giáo dục (theo nghĩa hẹp), người anh/ người mẹ hiền, người tổ chức, người hoạt động chính trị - xã hội, người nghiên cứu, nhà cải cách. Các mối quan hệ hàng ngày mà người giáo viên phải xử lý trong công tác bao gồm quan hệ với người học, quan hệ với phụ huynh học sinh, quan hệ với đồng nghiệp, quan hệ với nhà trường, quan hệ với chính quyền và các tổ chức kinh tế - xã hội.

- Đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp nhằm các mục đích sau: + Tạo cơ sở thống nhất giữa các cấp học trong việc đánh giá năng lực nghề nghiệp của giáo viên theo cùng một cách tiếp cận và các công cụ được sử dụng;

+ Kết quả đánh giá giáo viên theo Chuẩn là căn cứ quan trọng nhất để các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng giáo viên;

+ Trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục khác xây dựng lại chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên;

+ Căn cứ vào Chuẩn nghề nghiệp, giáo viên tự đánh giá và có kế hoạch tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực nghề nghiệp.

Ngoài các phương pháp đánh giá nêu trên, các phương pháp đánh giá/ phân loại truyền thống về người dạy như:

+ Bình xét thi đua hàng năm hay phân loại người dạy theo nhận xét chung về chất lượng giảng dạy (giỏi, khá, đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu);

+ Các kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng còn giá trị nhất định trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên những thử nghiệm mang tính đột phá về quan niệm và phương thức như áp dụng chuẩn trong đánh giá giáo viên, điều tra ý kiến người học về chất lượng và hiệu quả hoạt động giảng dạy của người dạy đã làm phong phú và đổi mới thực sự phương pháp đánh giá. Phương pháp đánh giá giáo viên theo Chuẩn đã sử dụng các công cụ đo lường được thiết kế theo một quy trình chuẩn mực và thu thập nhiều nguồn thông tin nên kết quả đánh giá khá phong phú và có độ tin cậy. Dưới đây sẽ trình bày về quy trình và công cụ đánh giá người dạy thông qua việc áp dụng Chuẩn nghề nghiệp.

Một phần của tài liệu Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên THCS âp dụng thí điểm tại thị xã Phúc Yên- Tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 40 - 42)