Sự tự biểu hiện của cái Tôi trữ tình

Một phần của tài liệu ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 97 - 102)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.1 Sự tự biểu hiện của cái Tôi trữ tình

Có thể nói, cái Tôi trữ tình (của người tham gia, người chứng kiến, người trần thuật) chiếm một vị trí quan trọng đối với thể ký nói chung, đặc biệt là bút ký và tùy bút. Nó được xem là một yếu tố liên kết trong tác phẩm. Nó không phản ánh, tái hiện hiện thực cuộc sống một cách thụ động, khuôn sáo mà luôn phải rất năng động, chủ động và sáng tạo trong mọi tình huống để có thể ghi nhận, nắm bắt mọi sắc thái của cuộc sống, của tâm hồn con người ở sự tinh tế, nhạy cảm nhất. Chính vì thế mà mỗi nhà văn viết ký luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo để định ra cho mình một cách thức biểu hiện cái tôi trữ tình mang dấu ấn phong cách cá nhân gây ấn tượng sâu sắc với người đọc.

Vốn là con người có phong cách phóng khoáng, tự do, mang đậm cá tính nghệ sĩ, HPNT luôn sử dụng triệt để khả năng tung hoành của cái Tôi trữ tình. Trong mọi tác phẩm của mình, ông luôn là người kể chuyện trực tiếp. Để làm được điều này, nhà văn phải có vốn sống phong phú, sâu rộng bởi nếu chỉ là người sống hời hợt, vốn kiến thức nông cạn thì cái Tôi trong ký như một kẻ vô duyên và làm cho người đọc cảm thấy dễ chán. Với HPNT, bằng vốn kiến thức uyên bác về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, qua những trang ký của mình, ông đã chuyển tải đến người đọc lượng thông tin phong phú về cuộc sống và con người ở mọi miền đất nước, khiến có lúc người đọc cảm thấy mình đang được trực tiếp chứng kiến những gì mà nhà văn đã kể, tả “để mà suy nghĩ”. Bởi vậy, trong các tác phẩm, HPNT luôn ở vị trí là người giới thiệu, dẫn dắt câu chuyện, tái hiện mọi sự vật hiện tượng đồng thời bày tỏ những suy nghĩ, liên tưởng của mình khiến cho câu chuyện được ông kể lại luôn tạo sự hấp dẫn, hứng thú đối với người đọc. Lê Xuân Việt đã từng nhận xét: “Lật những trang viết của anh, xem anh kể chuyện trên trang giấy mà như được truyền thêm những hiểu biết, và

như được trực tiếp chứng kiến thiên nhiên giàu đẹp và con người anh hùng trên Tổ quốc chúng ta” [125, tr.144].

Để có thể chuyển tải được những vấn đề nhân sinh lớn lao, sâu sắc, cái tôi trữ tình của nhà văn luôn hướng đến chiều sâu của sự suy nghiệm để có thể vừa bày tỏ được những suy nghĩ chủ quan của mình vừa tái hiện được vẻ đẹp tâm linh của sự vật hiện tượng. Thật vậy, trong tác phẩm “Châu thổ ngàn năm”, nhằm tái hiện lại truyền thống đấu tranh của nhân dân với thiên tai, địch họa để bảo vệ vùng đất châu thổ sông Hồng đồng thời bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với hậu phương lớn miền Bắc trong sự nghiệp chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, HPNT đã đi vào chiều sâu của sự suy tưởng để đưa ra những chiêm nghiệm sâu sắc về vẻ đẹp tự nhiên của nó, về những khó khăn gian khổ mà nhân dân nơi đây đang phải gánh chịu và cả truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng, oanh liệt của họ : “vùng châu thổ sông Hồng lại hiện ra trong trí tưởng của tôi bằng tất cả vẻ đẹp yên tĩnh lâu đời của nó, giống như trong những bài hát quan họ”, “Đêm nay, tôi biết là ở một quãng đê vỡ nào đó trên sông Hồng, nước lũ đang tràn qua những kè đá và rít lên dữ dội hơn cả tiếng máy bay phản lực của giặc Mỹ ở trên không, và những người thanh niên của đất nước tôi ở ngoài ấy đang ngâm mình trong nước lạnh cắt ruột, quàng siết tay vào vai nhau, dựng thành những lớp kè bằng cột sống và bắp thịt chống lại con nước để cứu đê”, “Tự nhiên lúc đó, tôi có cái ước muốn sôi nổi rằng một ngày kia hết giặc tôi sẽ trở lại ngôi trường cũ ở Huế, để trong một bài giảng nào đó, có thể là một bài học địa lý chăng nữa, tôi được dịp nói lại cho những thế hệ em tôi hiểu về những người giữ đê châu thổ sông Hồng như chị(Châu thổ ngàn năm).

Hay khi về với Cà Mau, mảnh đất ở cực Nam của Tổ quốc, ông đã bày tỏ nỗi lòng vừa ngưỡng mộ vừa yêu thương da diết, trìu mến của mình đối với vùng đất đã từng làm vẻ vang truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của

cội giữa những bờ kênh ken dày những rễ đước kiên cố còn mang đầy những sự tích bưng biền. Vậy mà tôi cứ thấy cái Mũi Đất ấy tuồng như còn ở đâu thật xa, đang cất tiếng gọi tôi từ dưới chân sóng của một đại dương nào đó mà con người chưa chinh phục. Cảm giác ấy cứ lảng vảng trong giấc ngủ chập chờn của tôi dưới vòm lá đước rì rào mùa gió chướng vùng biển cực Nam”, “Tôi đăm đăm nhìn khu rừng mắm đã bắt đầu sáng chói lên trong những vệt nắng vàng trên đầu. Dù biết rằng khu rừng ấy còn rất trẻ, tôi vẫn có cảm giác mang máng rằng nó đã có đấy từ cổ đại, mọc cùng một lần với những khu rừng nguyên sinh bên triền sông Hồng, và hình như có một mẩu nhau rốn của tôi đã được cưu mang dưới lớp phù sa phập phồng của nó. Lòng tôi bỗng nhiên dậy lên một nỗi cảm động không thể nào tả hết, như thể là tôi đã tới được một cái đích nào đó trong cuộc đời(Đất Mũi).

Dường như, với bản chất là “một nhà thơ đồng nội”, cái tôi trữ tình của nhà văn cũng mang đậm tâm hồn của con người xứ Huế, thích ưu du, thơ mộng, luôn hướng vào chiều sâu tâm linh khi miêu tả, tái hiện các sự kiện, nhân vật và cảnh sắc thiên nhiên ở các vùng miền khác nhau của Tổ quốc. Chính điều này làm cho những suy nghiệm của ông trở nên sâu sắc, chất chứa nhiều tầng nghĩa, và cái tôi trữ tình vì thế cũng mang vẻ độc đáo, hấp dẫn riêng.

Không chỉ hướng vào chiều sâu của sự suy nghiệm, trong quá trình biện giải hiện tại, cái tôi trữ tình của nhà văn luôn vẫn có sự liên tưởng, ngưỡng vọng về quá khứ xa xăm, trở về với những ký ức, hồi ức của mình để nhìn nhận cuộc sống hiện tại được sâu sắc, cụ thể hơn. Có thể nói, sự liên tưởng nhiều chiều, bất chấp trình tự thông thường của thời gian kết hợp với việc khai thác những ấn tượng chủ quan trong lối hành văn linh hoạt đã khiến cho ký HPNT mang đậm chất trữ tình.

Có khi, đó là sự liên tưởng về thời thơ ấu đầy lãng mạn và tinh nghịch, như hình ảnh người thầy giáo làng mặc áo dài đen, đội khăn đóng, mang giày hạ, nghiêm trang nhưng rất đỗi nhân từ đã để lại một ấn tượng thương kính dịu dàng trong ông về bài học vỡ lòng đầu tiên mà thầy đã truyền đạt “Tôi cảm thấy thằng bé trong tôi đã khác ngày hôm qua, vì trên trang giấy trắng của tâm hồn tôi, thầy tôi đã viết lên một bài học về lòng Nhân ái(Bài học vỡ lòng của tôi); hay thiên nhiên “trong cuộc vận động kỳ ảo của nó đã in vào tâm hồn thơ bé của tôi một dấu ấn không bao giờ phai mờ, và sau này trở thành một tình cảm bầu bạn không thể thiếu được khi tôi suy nghĩ về một mảnh đất”, và thói quen chăm chú theo dõi các cảnh tượng của tạo vật trong những năm tháng thơ trẻ đã trở nên có ích biết bao với nhà văn bởi thiên nhiên không chỉ chứa đựng trong nó “vô vàn những thông tin về vẻ đẹp vũ trụ” mà còn là “yếu tố thống nhất biện chứng với ý niệm về Tổ quốc, với tình yêu Tổ quốc(Những cuốn sách tôi đã đọc hồi còn bé)

Cũng có khi, đó là sự liên tưởng về thế giới khát vọng và cống hiến của thời tuổi trẻ với những ngày sôi nổi, nhiệt thành cùng bạn bè xuống đường biểu tình chống Mỹ, những đêm hối hả, bí mật cho những trang báo đấu tranh ra đời, và những ngày trại bên bờ Nam sông giới tuyến “công khai bày tỏ với sông Bến Hải lời thề quyết tâm bảo vệ Tổ quốc(Hành lang của người và gió); dịu dàng, lãng mạn hơn là hình ảnh Hát, người con gái “mang súng”, “mái tóc huyền xõa nước”, “đôi môi cuồng dại run rẩy” của ngày chia tay trên bến sông rừng, trong ký ức trai trẻ của HPNT “đẹp như không bao giờ có thật trong đời(Sử thi buồn)

Một đặc điểm nữa tạo nên sự độc đáo trong việc thể hiện cái tôi trữ tình của HPNT là nhà văn hay đi sâu vào phân tích diễn biến tâm lý của mình. Qua đó ông có thể bày tỏ được mọi khía cạnh của tâm hồn cũng như quan điểm của

mình đối với các vấn đề của cuộc sống và con người được trình bày trong tác phẩm. Trong tác phẩm “Như con sông từ nguồn ra biển”, HPNT viết về quá trình đi tìm lí tưởng sống của Giao, người bạn thân của mình, từ những năm Giao còn là một nghệ sĩ lang bạt, mang tâm trạng chán nản, cô đơn, bế tắc, chưa xác định con đường đi của mình đến khi giác ngộ được chân lí cuộc sống, tâm trạng tác giả dường như cũng có sự chuyển biến thăng trầm theo bước đường đi đến sự giải thoát “khỏi những cơn đau vùi” của bạn mình. Ông đã từng lo lắng, trăn trở cho số phận của bạn bởi có lúc, trong suy nghĩ của Giao, chiến tranh chỉ là “một mớ khói lửa hỗn loạn, khủng khiếp và không có nghĩa lý”. Bằng một niềm tin tha thiết mong bạn “đừng ngã nửa chừng” trên “triền dốc chênh vênh của tuổi trẻ”, ông đã cố tìm cách khuyên giải, thuyết phục để Giao thay đổi suy nghĩ, cách sống của mình. Để khi nhận ra trong những bài hát của Giao, điệu blu buồn quen thuộc đã được thay thế bằng một nhịp hành khúc mới, tuy chưa thật chắc nhưng “cũng đã hiện bóng những con người đang bước ra khỏi nỗi yếu hèn của đời sống để nhập vào cả một thành phố nổi dậy”, ông thật sự vui mừng, sung sướng bởi Giao đã “tìm thấy lại niềm tin giữa nhân dân” và cả chính ông cũng đã “tìm thấy niềm tin ở bạn bè(Như con sông từ nguồn ra biển). Sự bế tắc, mất phương hướng trong việc lựa chọn lí tưởng sống ở giai đoạn đầu không chỉ có ở riêng Giao mà đó từng là một tâm trạng thường trực đối với thế hệ trẻ trí thức thành thị, trong đó có cả HPNT trước khi tiếng súng giải phóng của dân tộc vang động vào thành phố đánh thức họ trước cuộc chuyển mình của đất nước. Đã có lúc, ông cũng như Giao, mang tâm trạng sợ hãi, lẩn tránh thực tại bằng những giờ lên lớp mệt mỏi, chán nản. Rồi ông cảm thấy “xấu hổ đến đau đớn” vì nhận ra mình đã trách mắng nhầm Dân, người học trò luôn ngủ quên trên lớp, bởi hằng đêm, khi cậu phải “luồn qua những vùng bóng tối ngoại ô để tìm cách giết giặc” thì ông lại đang “lang thang trên những con đường vắng, chỉ để lắng nghe tâm hồn bị

Người học trò đó đã đánh thức ông thoát khỏi sự mê muội trong hiện tại để tìm cho mình một cách sống cao đẹp.

Có thể nói, qua sự tái hiện những thăng trầm của nội tâm trong quá trình đi tìm và thực hiện lẽ sống có ý nghĩa chính đáng, HPNT đã bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về bổn phận, trách nhiệm của tầng lớp thanh niên trí thức đô thị miền Nam đối với vận mệnh dân tộc trước những khúc ngoặc của lịch sử. Điều này càng khẳng định một điều rằng: cái Tôi đầy trách nhiệm với cuộc đời luôn thường trực trong con người của nhà văn.

Bằng những rung cảm chân thực xuất phát tự đáy lòng, HPNT đã thể hiện được cái tôi trữ tình nhiều cung bậc cảm xúc, chất chứa những khát vọng nhân văn về cuộc sống và con người. Chính vì vậy mà đọc tác phẩm của ông, người đọc không chỉ thâu nhận được những thông tin phong phú, dồi dào về đất nước và con người Việt Nam mà còn cảm nhận được những suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời của một triết gia lãng tử luôn để cái tôi của mình hướng vào thế giới của tâm linh.

Một phần của tài liệu ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 97 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)