6. Kết cấu của luận văn
2.2.2 Những khám phá mới về lịch sử
Khác với các tôi tài tử Nguyễn Tuân, luôn nhìn lịch sử trong thế đối mặt với những cuộc chiến sinh tử để ca ngợi phẩm chất kiên cường, anh dũng của nhân dân, HPNT thường mô tả lịch sử trong tiến trình vững bền, liên tục từ quá khứ đến hiện tại và thường nhìn qua nội tâm với những nghiền ngẫm đậm chất triết lí. Cho nên, những sự kiện về một thời đã qua của dân tộc qua những trang ký của ông đều hiện hữu trong mối quan hệ thống nhất, liên kết cùng nhau bởi tiếng nói vừa đại diện cho lịch sử, vừa đại diện cho cái tôi nhà văn. Có lẽ vì thế mà những vấn đề lịch sử cũng như những nhân vật lịch sử luôn được HPNT soi chiếu, giải trình trong những quan điểm mới mẻ, mang đến những nhận thức bất ngờ, thú vị cho người đọc.
Vận động theo lối tư duy của một nhà khoa học, HPNT thật sáng suốt khi khẳng định rằng “Lịch sử nén chặt trong những di tích, khác với sách vở, nó làm vang động lòng người bằng sức mạnh hành tráng và tiếng nói sâu thẳm riêng của nó” (Di tích và con người). Bởi vậy, khi xem xét một vấn đề lịch sử nào đó, ông thường dựa vào những di tích còn sót lại hoặc qua những tư liệu lấy từ cổ sử, từ
đó đưa ra những phán đoán của mình nhằm đảm bảo tính khách quan, biện chứng của vấn đề.
Như một nhà sử học và khảo cổ học, HPNT đã vẽ lại khuôn mặt của thành cổ Châu Hóa, thủ phủ của dải đất miền Trung từ đèo Ngang đến Hải Vân, vào tận bắc sông Thu Bồn, thủ đô kháng chiến của nước Đại Việt dưới thời Hậu Trần sau khi Thăng Long mất vào tay giặc Minh. Dựa vào những “di tích lịch sử và khảo cổ học vẫn còn nhận ra được một cách đầy đủ” và những tài liệu cổ sử như “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, HPNT đã thận trọng đi đến kết luận Huế là “tên gọi dân gian” của thành cổ Châu Hóa và trong suốt quá trình Nam tiến của người Việt, thành phố này này đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ “như là thủ phủ của Châu Hoá suốt gần 350 năm cho đến khi trung tâm Kim Long ra đời vào năm 1636” (Trung tâm thành Châu Hoá).
Còn về đèo Hải Vân, địa danh cuối cùng khép lại biên giới thủ phủ Châu Hóa để mở ra dải đất phương Nam rộng dài phóng khoáng luôn là “một bí ẩn lịch sử” đối với bao người từ xưa đến nay. Bởi có mấy ai biết được để có ngọn đèo này, nhà Trần đã trì hoãn cuộc hôn nhân chính trị của công chúa Huyền Trân và vua Chăm Chế Mân trong suốt năm năm trời chỉ để biết chắc chắn một điều rằng biên giới phía Nam châu Lý trong món quà sính lễ được mở tới đâu? Điều này lịch sử không ghi lại bởi “trong nhiều trường hợp, vì một lí do đặc biệt nào đó, lịch sử chỉ cho ta biết một nửa sự thật” (Rượu hồng đào chưa nhắm đã say). Từ việc luận bàn về vấn đề nhạy cảm này của lịch sử, HPNT bày tỏ niềm cảm khái của mình về cái giá hy sinh của công chúa Huyền Trân “vì lợi cho dân tình đem lại mà cân”, để từ đó thấy được cái khát khao mở rộng bờ cõi đất nước của cha ông thuở trước.
Lịch sử luôn đòi hỏi sự công bằng. Dù không là nhà sử học nhưng trong tâm thức của HPNT, cái gọi là nhiệm vụ kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ “phù thế giáo một câu thanh nghị” không ngừng thôi thúc ông tìm kiếm sự đánh giá công bằng, khoa học đối với các vấn đề lịch sử.
Vấn đề công - tội của vương triều Nguyễn trước lịch sử là một vấn đề khá nhạy cảm. Dùng điểm tựa là tâm thức dân tộc kết hợp với vốn kiến thức văn hóa uyên thâm, HPNT đã từng bước tháo gỡ các vấn đề một cách khoa học, trong tương quan giữa cá nhân với toàn thể cộng đồng dân tộc. Tỏ rõ bản lĩnh của một người yêu nước có cái nhìn khoa học, HPNT đã phân biệt nhà Nguyễn độc lập trước 1883 với nhà nhà Nguyễn đánh mất chủ quyền dân tộc sau 1883, ông đã tự tìm ra cho mình một sự công bằng trong đánh giá lịch sử: “Nhà Nguyễn bại trận, bại trận vì không dám đi theo đường chiến tranh nhân dân chứ không phải là dễ dàng dâng nước cho giặc” (Vương triều Nguyễn trên đường phố Huế). Với quan điểm biện chứng: “Nhiều khi trong một hành động có ý đồ xấu, lại sinh ra một hiệu quả tốt, đó là lẽ thường trong lịch sử”, HPNT đã chứng minh được mặt tích cực của Lũy Thầy trong việc chặn đứng bước tiến của quân Trịnh để đưa quân Nguyễn tiến dần về phía Nam, giảm bớt sự nghiệt ngã cho thanh niên Việt Nam trong cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” (Chuyện nhà Nguyễn), để từ đó có thể đánh giá đúng “sự cống hiến lịch sử của Đào Duy Từ” (Thầy Đào Duy Từ) cũng như “cống hiến dân tộc cực kỳ to lớn của các chúa Nguyễn”
(Chuyện nhà Nguyễn) trong cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi.
Các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc bao giờ cũng là nét sinh động nhất làm nên khuôn mặt dân tộc. Có thể nói, sự nghiệp vĩ đại của họ đã làm cho bức chân dung lịch sử trở nên trọn vẹn hơn. Đặt các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc dưới góc nhìn lịch sử, HPNT không chỉ đánh giá một cách sâu sắc các vấn đề thuộc về lí tưởng anh hùng, tài năng, nhân cách, những trăn trở lựa
chọn và cả những bão táp nội tâm của họ trước những thời khắc quyết định của lịch sử mà còn khái quát được những vấn đề thuộc về diện mạo đời sống tinh thần của thời đại đã qua. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà văn không chỉ thông hiểu sâu sắc những học thuyết của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo mà còn phải có tấm lòng tri âm với cổ nhân.
Trong suy nghiệm của HPNT, từ lúc tìm đường rồi tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân Minh đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, Nguyễn Trãi luôn phải đứng trước những lựa chọn và mỗi lựa chọn của ông đều là kết quả của sự tìm kiếm trong thực tiễn của đất nước, nhân dân và trong logic của lịch sử. Trái ngược với nếp nghĩ của trí thức Nho sĩ cùng thời vốn chỉ biết đến mọi điều trên sách vở kinh viện, Nguyễn Trãi, với tư duy biện chứng sâu sắc, mới mẻ, đã vượt qua được thời đại mình bằng sự giải quyết vấn đề “khủng hoảng về đường lối đánh giặc cứu nước của toàn bộ phong trào kháng Minh đầu thế kỷ XV và làm đổi mới số phận của người Việt” (Nguyễn Trãi trước ngã ba thời đại). Do đó, sự có mặt của Nguyễn Trãi trong mỗi thời điểm mang ý nghĩa quyết định “không phải là một tình cờ lịch sử” mà là một sự lựa chọn đầy quyết đoán và bản lĩnh.
Không chỉ thế, xuyên suốt những cuộc lựa chọn của Nguyễn Trãi, HPNT đồng thời cũng làm toát lên tính cách lý tưởng của người anh hùng dân tộc này. Trong những giai đoạn của lịch sử, khi vấn đề “về - ở” của bản thân trở thành một nhu cầu bức bách, Nguyễn Trãi đã chọn cho mình một cách ứng xử riêng: về Côn Sơn “mượn đá để ngồi”. Trên cơ sở nắm bắt các quy luật vận động của lịch sử cũng như mối liên hệ giữa cá nhân với thời đại, HPNT đã đi đến một kết luận hết sức mới mẻ “Nguyễn Trãi là một thiên tài định hướng” và như “một biệt lệ lịch sử”, ông “luôn luôn chọn đúng hướng” (Nguyễn Trãi trước những ngã ba thời đại).
Từ góc độ lịch sử với điểm tựa là truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, HPNT đã tìm thấy nơi Nguyễn Huệ cái tâm nhân nghĩa sáng ngời qua “chiến lược con người” của ông. Khi khẳng định khát vọng lớn ở đời của Nguyễn Huệ là “làm sao xây đắp lên một nền đại chính để nhân dân sống có hạnh phúc”, HPNT đã thể hiện một cái nhìn mới về người anh hùng dân tộc: “Nguyễn Huệ không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là một nhà vương đạo mang cái tâm nhân nghĩa bao trùm cả thời đại ông” (Nguyễn Huệ với chiến lược con người). Nổi bật trong chiến lược con người của Nguyễn Huệ là vấn đề an dân và cuộc chinh phục trí thức bằng nhân tâm. Với quan điểm của người hiện đại, đó chính là bản chất dân chủ trong đường lối Đại chính của Nguyễn Huệ, một khái niệm mà trong thời đại đó, lịch sử chưa bao giờ có cơ hội để kiểm chứng. Bởi thế, tầm vóc lịch sử của Nguyễn Huệ đã vượt thoát khỏi khuôn thước thời đại trở thành tấm gương cho mọi thời đại “Nguyễn Huệ là một sức suy nghĩ mới, bây giờ vẫn mới” (Nguyễn Huệ với chiến lược con người).
Cũng bằng cái tâm thành kính của một Kẻ Sĩ yêu nước, HPNT đã đi tìm và khám phá được vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách và tài năng của những nhân vật lịch sử đã từng để lại dấu ấn trong lịch sử, trong văn học như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Đặng Huy Trứ, Hoàng Diệu, Bùi Thị Xuân, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ… Bằng ngòi bút tài năng và sự nghiệm suy đầy tính nhân văn của HPNT, chân dung những nhân vật lịch sử này hiện lên lộng lẫy, hoàn chỉnh hơn bao giờ hết. Thật vậy, đối với Nguyễn Công Trứ, HPNT không chỉ đồng cảm với những “chuyện oái oăm” trong cuộc đời ông mà còn nhận thức được cái khát vọng to lớn của con người “quyết mang tài kinh luân của mình ra để giành lấy một chỗ đứng trong trời đất” (Tay chơi) là muốn vươn đến một nhiệm vụ Kẻ Sĩ to lớn hơn, ấy là “nhiệm vụ thiên dân” (Nhân Euro 2000, lại nghĩ về một nhà thơ cổ); đó cũng là sự đồng cảm mà HPNT dành cho Cao Bá
mộng không thành, con người cô độc đó đêm đêm chỉ còn thấy bóng một “con huyền hạc, thân xác rỗng không như khí trời, tâm linh tràn đầy ánh sáng” (Chim huyền hạc) trong giấc ngủ của mình; đó còn là Trần Cao Vân mà cuộc đời ông là “một trái tim yêu nước đến vỡ máu cho đến khi dập nát” (Đứa con phù sa)…
Bằng cái nhìn biện chứng, sâu sắc, khoa học và hiện đại về các vấn đề lịch sử, các nhân vật lịch sử và anh hùng dân tộc, HPNT đã khám phá ra được nhiều điều mới mẻ ở những vấn đề tưởng như đã cũ, đã bị chôn vùi theo thời gian theo sự vận động liên tục không ngừng của lịch sử. Qua đó, nhà văn có dịp đưa ra những kết luận, lí giải mới cho những vấn đề lịch sử còn gây nhiều thắc mắc, tranh cãi trong dư luận. Vì thế mà bức tranh lịch sử được nhìn nhận đa chiều, sâu sắc hơn cả về bề rộng, bề sâu, vào tận cả nơi tâm hồn, lí tưởng, hoài bão con người của một thời đã qua. Quả thật, HPNT chỉ đặt bút xuống khi “đã quyết được với mình là từ trang viết đó khả dĩ có được một chút gì đấy còn lại với người, với đời cho dù sự kiện đã vĩnh viễn bị vùi lấp trong dòng thời gian” (Phạm Xuân Nguyên) [64, tr.76].