+. Các lễ tiết trong năm: Cũng như các làng quê khác, lễ tiết truyền thống như
tết Nguyên đán, tết Hàn thực, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Trung nguyên, tết trung thu...đều hiện diện như một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Vào ngày tết Nguyên đán, những người con dù có đi buôn bán, làm ăn ở nơi đâu cũng đều trở về quê ăn tết và sum họp cùng gia đình. Ngày tết Hàn thực, hầu như gia đình nào cũng làm bánh trôi, bánh chay để cúng tổ tiên, ông bà, một số gia đình còn đem ra chùa cúng Phật, đem ra đình cúng Thành hoàng...Ngày tết Trung thu, ở cả xã đều quan tâm tổ chức cho các cháu vui chơi và phát quà cho các cháu.
+. Phong tục tập quán: Các phong tục tập quán ở đây mang đạm dấu ấn của địa phương, trong đó đáng chú ý là “ Lễ hội xuống đồng”. Lễ hội xuống đồng là tên gọi xuất phát từ tục làm lễ Hạ điền và Thượng điền. Ngày xưa vùng Hà Nam chỉ có một vụ mùa chính cấy lúa Tám Đồng, vụ mùa thường bắt đầu từ mồng 2 đến ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch .Trước khi toàn dân vào dịp cấy mùa , tại đình Hải Yến làm lễ tế Thần nông và nghi lễ cấy xứng đồng ( cấy đầu tiên) gọi lễ Hạ điền ( Lễ xuống đồng). Khi toàn dân trong vùng cấy xong vụ lúa mùa, tại đình Hải Yến làm lễ tế thần Nông và Thành hoàng, chứng giám mùa màng đã cấy xong, gọi là lễ Thượng điền ( lễ Lên đồng), cầu mang thần Nông và thần hoàng phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Trong hai nghi lễ thì nghi lễ Hạ điền tổ chức lớn, có cả hội thi bơi thuyền chải nên gọi là lễ hội Xuống đồng. Vào dịp lễ hội, làm lễ cáo yết Thần Hoàng và Thần Nông ở đình, có trống chiêng, cờ ngũ hành...Làng chọn ra một lão nông cao tuổi làm
chủ tế. Chủ tế phải là cụ ông cao tuổi, có đức độ, có uy tín với làng xã, vợ chồng xong toàn, con cái phương trưởng, có nếp có tẻ ( có nam có nữ), gia đình không có tang trở và biết việc tế. Thường người chủ tế là người cấy xứng đồng, trừ khi người cấy xứng đồng không thông thạo việc tế. Vị chủ tế mặc áo the, khăn xếp, lưng thắt đai đỏ, cắm một cây nêu trên buộc tua đỏ và các hình con tôm, con cá , con lợn, con gà, cây lúa...để xua đuổi tà ma, quỷ dữ, sâu bệnh hại lúa và con người để bảo vệ mùa màng, đồng thời cầu mong cho con người mạnh khỏe, gia súc gia cầm sinh sôi nảy nở. Cây nêu được cắm giưa một thửa ruộng đã cày bừa sẵn. Sau đó vị chủ tế khấn Thần Nông cầu xin cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Lễ xong ông tháo bó mạ cấy làm phép, rồi cấy những cây lúa đầu tiên của vụ mùa xung quanh cây nêu. Người lớn, trẻ nhỏ đứng trên bờ hò reo, té nước tới tấp. Sau nghi lễ này, toàn xã mới được xuống đồng cấy vụ lúa mùa. Không ai được cấy trước hội, nếu ai cấy trước thì mùa màng bị hạn, úng , sâu bệnh mất mùa, làng sẽ bắt vạ. Tiếp theo là phần hội với cuộc thi bơi thuyền chải giữa các xóm của làng Yên Hải xưa. Sau hội thi bơi các làng, thôn kéo chải về làm lễ tạ thần hoàng, ăn mừng vui vẻ , rồi xuống đồng cấy vụ mùa, hẹn năm sau lại về dự hội.
Phong tục ma chay, cưới xin ở xã Yên Hải xưa kia cũng giống như ở những làng quê khác vùng đồng bằng Bắc bộ, hôn nhân là do cha mẹ quyết định. Nét đặc biệt trong tập tục cưới hỏi ở xã Yên Hải nói riêng và của cả vùng xã đảo Hà Nam nói chung đó là anh em, họ hàng trong dòng họ của một Tiên Công không được phép lấy nhau, dù có cách xa đến 4 đời.