7. Kết cấu của luận văn
2.2.3. Những hạn chế
Trong quá trình triển khai thực hiện đường lối, chủ trương ở một vài địa phương thiếu toàn diện, có một ít cán bộ, đảng viên do nắm không chắc chủ trương, chính sách nên đôi khi còn định kiến; Do đó, chưa thường xuyên gần gũi, thuyết phục các chức sắc, chức việc tích cực; tín đồ khi vào Đảng ngại khó trong sinh hoạt tôn giáo; đảng viên được phân công làm công tác tôn giáo đôi khi có tâm lý ngán ngại, do ít am hiểu về tập tục tôn giáo. Việc phối hợp giải
quyết những nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo thuần tuý có lúc không kịp thời, thường nặng về hành chính, đôi khi máy móc. Ngược lại, có nơi buông lỏng quản lý, các ban xây dựng Đảng chưa thường xuyên phối hợp cùng Mặt trận, các đoàn thể làm tham mưu cho cấp uỷ Đảng về công tác phát triển đảng viên, xây dựng lực lượng nòng cốt trong các tôn giáo.
Tuy nhiên, một số yêu cầu về sinh hoạt tôn giáo thuần tuý đối với đạo Phật giáo Hoà Hảo, ta chưa có chủ trương xử lý cụ thể rõ ràng. Về Công giáo, tuy thực hiện theo hướng “thích nghi”, song vẫn chịu sự chi phối rất lớn của Vaticăng, ta nắm và xây dựng lực lượng nòng cốt trong tôn giáo còn nhiều hạn chế.
Trong lãnh đạo, các cấp uỷ đảng và quản lý của chính quyền ở một số nơi chưa có sự quan tâm đúng mức, thiếu sự chỉ đạo đồng bộ, còn khoán cho chuyên môn, có ngành không sâu sát, ngán ngại trách nhiệm, đùn đẩy nhau. Hệ thống tổ chức cán bộ làm công tác tôn giáo phần nhiều thiếu và yếu, cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị chưa có quy chế, quy định rõ ràng. Cơ chế chính sách, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo thiếu hoàn chỉnh thiếu tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu trên lĩnh vực này.
Công tác quản lý chính quyền cơ sở mới chỉ giải quyết được những công việc mang tính chất hành chính, sự vụ, chưa chủ động đề ra chương trình, kế hoạch cho công tác tôn giáo của địa phương mình.
Công tác tuyên truyền chưa phù hợp với tâm lý, trình độ nhận thức của quần chúng tín đồ theo địa bàn. Việc tuyên truyền vận động giáo dục quần chúng tín đồ hiểu và thực hiện chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo chưa thường xuyên và sâu rộng, chưa quan tâm đúng mức nội dung giáo dục về âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Công tác đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc, vu khống của một số phần tử xấu có lúc chưa kịp thời, sắc bén. Nội dung, phương thức vận dụng chưa cụ thể, từng tôn giáo và tổ chức thành viên chưa quan tâm công tác vận động tôn giáo cũng như nội dung vận động từng đoàn thể.
Việc quản lý đối với hoạt động đào tạo chức sắc, phong chức, thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc của các tôn giáo
Trong quản lý các hoạt động tôn giáo, quản lý việc đào tạo, phong chức, thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc tôn giáo tại tỉnh An Giang có một số điều đáng chú ý:
- Do không nắm vững đặc trưng giáo luật, giáo lễ của từng tôn giáo, cũng như không phân định rõ nội dung, hành vi tín ngưỡng, tôn giáo với mê tín dị đoan, nên việc quản lý các sinh hoạt lễ hội, cúng bái của các tôn giáo chưa được chặt chẽ, có những trường hợp còn bị kẻ xấu lợi dụng, đan xen hoạt động mê tín dị đoan với tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.
- Một số trường hợp xét duyệt nhân sự đào tạo chức sắc thiếu cơ sở đảm bảo, do phía Giáo hội thực hiện không đúng thủ tục và quy trình (như Phật giáo), làm cho người có thẩm quyền giải quyết bị động. Mặt khác, đối với lĩnh vực này, bằng nhiều cách, một số tôn giáo tổ chức đào tạo trái phép. Đã có trường hợp tấn phong linh mục trái phép (dòng Thánh gia), công nhận tu sĩ bất hợp pháp (Phật giáo với 3 anh em Sáu Xưa). Các hành vi trên đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
Quản lý về xây dựng sửa chữa các cơ sở tôn giáo
Việc quản lý lĩnh vực xây dựng, sửa chữa không xin phép hoặc có phép nhưng xây dựng sai thiết kế (thường là mở rộng quy mô và thay đổi kiến trúc) họ sẵn sàng nộp phạt, do chính quyền cơ sở không phát hiện kịp thời và ngăn chặn, từ đó ta rất khó xử lý. Tương tự như vậy, có trường hợp biến gia đình thành tự (biến nhà thành chùa) gây không ít khó khăn trong quản lý, nhưng vẫn không bị ngăn chặn. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân các cấp như: Ban Tôn giáo, Địa chính, Sở Xây dựng, Sở văn hoá thông tin (đối với di tích)...chưa chặt chẽ, chưa có quy định, quy trình cụ thể về mặt pháp lý, nên còn có sơ hở và bị lợi dụng. Vấn đề nơi thờ tự và đất đai tôn giáo chưa chú trọng giải quyết rõ ràng và kịp thời, nên tình trạng đòi lại, tranh chấp và khiếu tố, khiếu nại của một số tôn giáo trong tỉnh (Phật giáo, Thiên
Chúa giáo, Cao Đài) vẫn tiếp diễn. Tình trạng này cần phải được xử lý đúng chính sách và pháp luật, không nên để kéo dài làm ảnh hưởng đến lòng tin của chức sắc và tín đồ các tôn giáo.
Quản lý các hoạt động từ thiện tôn giáo
Thông thường các hoạt động xã hội, từ thiện của tôn giáo, có ý thức cố tách khỏi sự quản lý của nhà nước, của ngành chuyên môn như: Y tế, Giáo dục, Thương binh xã hội. Nếu không thoát khỏi sự quản lý đó, thì họ chỉ bám lấy một mối quan hệ với các Đoàn thể, Mặt trận làm chỗ dựa hợp pháp để hoạt động.
Trong hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo, nhất là đối với hoạt động chữa trị bệnh, có nhiều trường hợp lồng với mê tín dị đoan (phù phép, bói toán...). Tại Nghị định 69 có quy định “Cho chức sắc và tổ chức tôn giáo được hoạt động từ thiện trong lĩnh vực Nhà nước cho phép”, nhưng chưa có văn bản pháp qui nào cụ thể hóa cho phép họ được hoạt động ở lĩnh vực từ thiện nào, quy mô và phạm vi đến đâu, nên địa phương rất lúng túng trong việc thực hiện.
Quản lý các hoạt động quốc tế của tôn giáo
Ngoài các cá nhân và tổ chức giáo hội nước ngoài vào theo con đường chính thức về tôn giáo, nhiều cá nhân và tổ chức tôn giáo đã vào với danh nghĩa du lịch, làm kinh tế, từ thiện, nhưng thực chất là móc nối hoạt động tôn giáo. Với tình hình hoạt động tôn giáo bất hợp pháp này, có nhiều trường hợp ta phát hiện và xử lý được, nhưng không tránh khỏi trường hợp “lọt lưới”. Phần lớn chức sắc và tín đồ các tôn giáo được phép ra nước ngoài, nhưng họ đã làm gì, quan hệ với ai...trong thời gian ở nước ngoài thật khó quản lý được.
Về việc xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo trong tỉnh
Đa số cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo, kể cả thường trực Ủy ban Nhân dân các cấp phụ trách công tác tôn giáo cũng chưa được đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp về lĩnh vực công tác này. Một số đã được tập huấn về chuyên môn, nhưng lại có yêu cầu chuyển sang công tác khác. Do cán bộ thường xuyên thay đổi công tác, nên cán bộ làm công tác tôn giáo còn thiếu kinh
nghiệm, chưa nắm chắc các quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo, do đó khi giải quyết các công việc liên quan tới tôn giáo không kịp thời, thiếu kiên quyết. Từ đó, việc thực hiện công tác quản lý đối với hoạt động tôn giáo ở các cấp thường chưa sâu, chưa toàn diện, còn nhiều sơ hở, bị động trong xử lý. Tổ chức quản lý về tôn giáo chưa đồng bộ, thiếu hệ thống, nên mối liên hệ về chuyên môn trên dưới chỉ mang tính chất trao đổi công việc, không có quy định ràng buộc về chế độ trách nhiệm, do đó hiệu quả hoạt động không cao.
Về cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị, vẫn chưa có một quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp; chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể từ Trung uơng đến cơ sở (ai làm và làm đến đâu), cho nên đôi khi sự phối hợp trở thành hình thức, thiếu thực chất, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Chưa có sự phân cấp về công tác quản lý, về tổ chức, nhân sự và các hoạt động tôn giáo một cách rõ ràng, dẫn đến tình trạng xử lý vấn đề không đúng thẩm quyền, hoặc tất cả đều báo cáo lên cấp trên, gây phiền hà với đương sự.