7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Đổi mới nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo của Đảng
a. Nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến đổi mới về công tác tôn giáo của Đảng
Con người cùng sống trong một thế giới vật chất đa dạng và phong phú thì thế giới tinh thần phản ánh nó không thể đồng nhất được. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là phù hợp với quy luật khách quan và xu thế chung hiện nay. Nhưng những quyền tự do ấy phải đặt trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước; bởi lẽ, vấn đề tôn giáo có quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nên nhà nước nào cũng cần thực hiện chức năng quản lý xã hội.
Trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới, chế độ xã hội chủ nghĩa cũng cần những con người có đạo đức tôn giáo. Những tinh thần "bình đẳng", "bác ái" và đức “từ bi, hỉ xả”, “vô ngã, vị tha” cũng là điều mong muốn của đạo đức cộng sản. Trong cuộc đối thoại với Linh mục Bectto, Phidel có nói:
Những sự trùng hợp giữa Kitô giáo và chủ nghĩa cộng sản nhiều gấp vạn lần so với những trùng hợp có thể có giữa Kitô giáo với chủ nghĩa tư bản (...). Không nên gây những chia rẽ như thế giữa con người với nhau. Chúng ta hãy tôn trọng các xác tín, các niềm tin, các cách giải thích. Mỗi người cứ giữ lập trường của mình, cứ theo tín ngưỡng riêng. Thế nhưng, trong lĩnh vực các vấn đề nhân bản mà mọi người chúng ta đều quan tâm và cũng là nghĩa vụ của mọi người, thì chúng ta cần phải hoạt động [66, tr.13-14].
Khi nhắc đến những phụ nữ Cu Ba phục vụ tại các bệnh viện, Phidel Castro nêu rõ:
Các công việc mà những nữ tu đó làm cũng là những việc mà người ta mong muốn một người cộng sản thực hiện. Khi chăm sóc những người cùi,
những người lao phổi và những người mắc các chứng bệnh dễ lây khác, các nữ tu đang làm điều mà chúng tôi cũng muốn một người cộng sản phải làm. Một người tự hiến thân cho một lý tưởng, một công việc, có thể hy sinh chính mình cho người khác, người đó đang làm điều mà chúng tôi cũng muốn một người cộng sản làm [66, tr.16].
Vì đạo đức tôn giáo cũng là những giá trị chung của nhân loại nên gắn liền với sự phát triển lịch sử. Song, từ khi xã hội phân chia giai cấp, trong tôn giáo cũng phản ánh những lợi ích giai cấp khác nhau. Do đó, đạo đức tôn giáo không thể không mang tính giai cấp. Điều đáng chú ý là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội không có sự đối lập với lý tưởng xã hội của một số tôn giáo lớn đang tồn tại. Linh mục Béctơ (người Brazin) có nói: “Xã hội xã hội chủ nghĩa trong khi tạo ra những điều kiện cho dân chúng sinh sống không ngờ họ đã thực hiện điều mà những người có đức tin chúng tôi gọi là kế hoạch của Chúa trong lịch sử” [66, tr.19].
Một khảo sát gần đây ở những vùng có đông tín đồ tôn giáo cho thấy: sản xuất phát triển, thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội như: trộm cắp, rượu chè, mại dâm, cờ bạc, tranh chấp... giảm đi rõ rệt so với các vùng dân cư khác. Những người quy y tam bảo, những người năng đi đến nhà thờ thường có tính đôn hậu nhân từ, giàu tình thương đồng loại. Về nhiều điểm, đạo đức tôn giáo không có nhiều khác biệt so với đạo đức cộng sản; đạo đức ấy chẳng những không cản trở mà còn góp phần xây dựng một xã hội tương lai như mơ ước của những người cộng sản.
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo và nhiều thành phần dân tộc. Mỗi tôn giáo có một lịch sử hình thành hoặc du nhập, phát triển ở Việt Nam. Tuy số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, vị trí vai trò xã hội và đặc điểm khác nhau, nhưng mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam. Vì vậy lợi ích tôn giáo gắn liền với lợi ích dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm hiểu rõ vấn đề này. Trong bức thư gởi đồng bào tôn giáo nhân ngày lễ Chúa giáng sinh, Người viết: “ Toàn thể đồng bào ta, không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng
kháng chiến, để giữ vững non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”[77, tr.490]. Được vũ trang bằng phép biện chứng duy vật, với sự am hiểu về văn hoá và lịch sử sâu sắc, Hồ Chí Minh đã nhận thấy sự tương đồng giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội, sự tương đồng giữa người có đạo với người người không có đạo. Suy cho cùng mọi tôn giáo chân chính đều đưa ra một mô hình xã hội tốt đẹp. Những tín đồ tôn giáo chân chính đều mong muốn nước nhà độc lập, đồng bào được tự do, hạnh phúc. Vì vậy, Hồ Chí Minh có thái độ biện chứng, mềm dẻo đối với các tôn giáo. Người đã phát hiện những giá trị tích cực của tôn giáo và biết khai thác, kết hợp chúng với tư tưởng cộng sản nhằm đem lại lợi ích cho cách mạng. Người viết:
Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn hạnh phúc cho loài người, cho xã hội. Nếu nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy [75, tr.134].
Trong bài nói tại Quốc hội Inđônêxia ngày 28.2.1959, Hồ Chí Minh nói: “Trong hơn 80 năm thống trị nước chúng tôi, bọn thực dân dùng mọi thủ đoạn để chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chúng áp dụng chính sách cổ điển là: chia để trị” [81, tr.347]. Vì vậy, vấn đề bức thiết đặt ra là làm sao để đoàn kết đồng bào có đạo và không có đạo, đoàn kết dân tộc, tăng cường sức mạnh dân tộc, hướng sức mạnh đó vào thực hiện mục tiêu chủ yếu của cách mạng, đấu tranh thắng lợi với âm mưu chia rẽ của kẻ thù.
Như vậy, tôn giáo là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng, song phải thẳng thắn nhận rằng, suốt một thời kỳ dài chúng ta chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí còn buông lỏng mặt trận quan trọng này. Chúng ta chưa quán triệt đầy đủ quan
điểm của các nhà kinh điển macxit về nhiệm vụ của những người cộng sản là "không được thờ ơ" trước tình trạng thiếu giác ngộ của các tín đồ tôn giáo, rằng phải coi "đấu tranh tư tưởng" là một "nhiệm vụ quan trọng của Đảng", thông qua hoạt động của đảng viên trên mặt trận quan trọng này.
Đại hội lần thứ VI của Đảng mở ra quá trình đổi mới toàn diện ở nước ta, trước hết đổi mới về tư duy. Nhiều vấn đề lý luận của Đảng được nhận thức lại hoặc nhận thức đầy đủ hơn. Việc đổi mới nhận thức về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo diễn ra trong bối cảnh như vậy. Đây vừa là kết quả của quá trình nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, vừa là kết quả của quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Đổi mới nhận thức về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo còn xuất phát từ những thực tế sau:
Một là, sự nghiệp đổi mới phải được tiến hành một cách đồng bộ nhịp
nhàng, có bước đi và có trọng điểm. Tôn giáo gắn liền với các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác; nếu đổi mới kinh tế, xã hội mà không đổi mới tôn giáo và công tác tôn giáo thì tôn giáo sẽ cản trở đổi mới.
Hai là, số lượng tín đồ các tôn giáo chiếm 1/4 dân số là một lực lượng
quần chúng đông đảo. Đổi mới trong lĩnh vực tôn giáo và công tác tôn giáo để đồng bào được hưởng lợi ích từ đổi mới; đó sẽ là nguồn động viên cổ vũ giúp họ gắn bó, tham gia tích cực vào sự nghiệp đổi mới.
Ba là, tôn giáo là một trọng điểm mà các thế lực thù địch muốn nắm lấy
để thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình, chống phá sự nghiệp đổi mới của ta. Nếu ta không kịp thời đổi mới để nắm dân thì số lượng đông đảo đến hàng chục triệu tín đồ dễ rơi về phía địch.
Bốn là, tôn giáo không phải chỉ có mặt tiêu cực. Thực tế nhiều vùng đồng
bào có đạo, tình hình an ninh trật tự khá tốt, tệ nạn xã hội ít, sản xuất phát triển. Những mặt tích cực này góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng. Nếu biết phát hiện những điểm tương đồng và phát huy những mặt tích cực
trong đồng bào tôn giáo, sẽ tạo ra niềm phấn khởi, làm cho đồng bào gắn bó với sự nghiệp đổi mới, qua đó đồng bào sẽ đổi mới chính mình.
b. Khái quát về sự đổi mới công tác tôn giáo của Đảng
Ngày 16.10.1990, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 24 - NQ/TƯ về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết này đánh dấu nhận thức mới của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo ở nước ta. Điều nổi bật là việc Đảng khẳng định tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài và là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Nghị quyết 24 đã nêu ra 3 quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác tôn giáo, 3 nhiệm vụ, 5 nguyên tắc và 5 chính sách cụ thể đối với tín đồ, với chức sắc, nhà tu hành, với tổ chức giáo hội, với hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo và với hoạt động đối ngoại của tôn giáo.
Ngày 21.3.1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 69-NĐ/HĐBT cụ thể hoá những nội dung quan điểm của Nghị quyết 24. Nghị quyết 24 và Nghị định 69 đã tác động mạnh tới tình hình tôn giáo ở nước ta theo chiều hướng tích cực.
Năm 1994, Ban Bí thư đã chỉ đạo việc sơ kết thực hiện Nghị quyết 24. Việc sơ kết này bước đầu đánh giá tác động và hiệu quả của quan điểm mới. Có thể khẳng định, so với Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 1.10.1981 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16.10.1990 của Bộ Chính trị, vấn đề tôn giáo được đặt lại gần như mới. Nghị quyết 40 (1981) khẳng định “Tôn giáo phát sinh và tồn tại là do sự bất lực của con người trong cuộc đấu tranh chống lại thiên tai và áp bức xã hội. Khi cuộc sống còn chưa tốt đẹp, trình độ văn hoá còn thấp kém và chưa có một thế giới quan khoa học, thì con người còn tin ở sức huyền bí nào đó, còn tin ở các tôn giáo. Giai cấp bóc lột, nhất là chủ nghĩa đế quốc lại ra sức lợi dụng tôn giáo để ru ngủ, mê hoặc quần chúng nhằm phục vụ cho sự thống trị, bóc lột và xâm lược của chúng nên càng làm cho tôn giáo phát triển. Mặt khác, tôn giáo lại mang tính chất quần chúng thì càng nhiều người tin theo và đối với những người có đạo, tôn giáo là một “tình cảm thiêng liêng”,
thậm chí là một “lý tưởng”, mặc dù đó là tình cảm không đúng và lý tưởng mù quáng. Cho nên Mác nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Đảng của giai cấp công nhân có trách nhiệm giải phóng quần chúng lao động khỏi mọi áp bức xã hội và áp bức tinh thần trong đó có việc giải phóng quần chúng lao động khỏi mọi áp bức tôn giáo. Việc giúp quần chúng khắc phục mê tín tôn giáo, không phải chỉ bằng đấu tranh tư tưởng, tuyên truyền về lý luận, càng không thể bằng những biện pháp hành chính. Vấn đề cơ bản là Đảng phải vận động, lãnh đạo quần chúng đoàn kết đấu tranh cách mạng, xoá bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống kinh tế, trình độ văn hoá và kiến thức khoa học cho quần chúng đồng thời giúp quần chúng xây dựng nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng và khoa học".
Thời kỳ này, trên thực tế ở nhiều nơi, các cấp chính quyền đã "cấm đạo", tìm cách hạn chế đi đến "xóa bỏ" các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Gần mười năm sau (1990), Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị khẳng định: Tôn giáo là một vấn đề tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đoàn kết lương giáo, đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [60, tr.5].
Như vậy, nhận thức của Đảng về vấn đề tôn giáo có bước phát triển mới: Giữa cách mạng và tôn giáo có những điểm tương đồng nhất định về đạo đức và văn hóa; tôn giáo sẽ cùng tồn tại lâu dài dưới chủ nghĩa xã hội chứ không phải là mâu thuẫn đến mức phải loại trừ lẫn nhau.
Thực hiện đường lối, chính sách pháp luật trên, từ năm 1994 đến năm 1998, Chính phủ lần lượt thừa nhận tư cách pháp nhân cho các hệ phái Cao Đài và xem xét việc thành lập Ban đại diện của Phật giáo Hòa Hảo, đồng thời hướng dẫn các cấp tổng kết thực hiện Nghị quyết 24.
Quá trình thực hiện đã ngày càng khẳng định tính đúng đắn của các quan điểm nêu trong Nghị quyết 24, đồng thời thực tiễn cuộc sống cũng đặt ra yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo.
Ngày 20.6.1994, Ban Bí thư Trung ương (Khoá VII) ra Thông báo số 76- TB/TW. Ngày 2.7.1998, Bộ Chính trị (khoá VIII) lại ban hành Chỉ thị 37- CT/TW. Trong các văn kiện này, lần đầu tiên Đảng ta nêu khái niệm mới "đảng
viên theo tôn giáo". Điều này phù hợp với tư tưởng của các nhà kinh điển
mácxít và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lênin không hề phân biệt giữa người có đạo với người không có đạo: “Đối với chúng ta, sự thống nhất của cuộc đấu tranh thực sự cách mạng đó của giai cấp bị áp bức để sáng tạo nên một cảnh cực lạc trên trái đất, là quan trọng hơn sự thống nhất ý kiến của những người vô sản về cảnh cực lạc trên thiên đường”[71, tr.174]. Người đặt vấn đề: “…tại sao chúng ta lại không tuyên bố, trong cương lĩnh của chúng ta, rằng chúng ta là những người vô thần? tại sao chúng ta lại không cấm những tín đồ Thiên chúa giáo và những người tin ở Chúa, gia nhập đảng ta?” và chủ trương: “…chúng ta không tuyên bố và không nên tuyên bố chủ nghĩa vô thần của chúng ta; bởi vậy, đối với những người cộng sản nào còn giữ những tàn tích nào đó của thiên kiến cũ của mình, thì chúng ta không cấm và cũng không nên cấm họ gần gũi đảng ta”[71, tr.174].
Về vấn đề này, vào năm 1955, trong bài nói chuyện ở lớp huấn luyện cán bộ trí thức, Hồ Chí Minh đã có quan điểm dứt khoát:
Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng được không? Có. Người tôn giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được [80, tr.115].
Ngày 19.4.1999, Chính phủ ban hành Nghị định 26-NĐ/CP về các hoạt động tôn giáo. Hướng dẫn này đã tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện có