7. Kết cấu của luận văn
2.1.2 Chủ trương, biện pháp thực hiện công tác tôn giáo của Đảng bộ tỉnh An Giang
tỉnh An Giang
Quán triệt quan điểm và vận dụng chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế ở An Giang, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với điều kiện địa phương, nhờ đó đã tạo ra bước phát triển mới trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, đã tạo được lòng tin của đại đa số quần chúng. Cùng với sự phát triển về kinh tế và đời sống là sự đổi mới về chính sách xã hội và công tác tôn giáo. Chính sách mới cũng đã được thực hiện có kết quả tốt trên các địa bàn tỉnh, tạo được sự an tâm, phấn khởi. Tâm trạng lo lắng, hoài nghi của tín đồ, kể cả phần lớn các chức sắc cũng giảm nhiều. Từ đó hoạt động của các tôn giáo có những tiến bộ theo hướng tôn giáo gắn liền với dân tộc và chế độ, đạo gắn với đời.
Nghị quyết 24 Bộ Chính trị đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo. Đảng bộ tỉnh An Giang đã quán triệt các quan điểm mới này vào mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là công tác tôn giáo vận của địa phương.
Tiếp thu Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị định 69 của Hội đồng Bộ trưởng, căn cứ đặc điểm tình hình tôn giáo địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị 15-CT/TW (12.4.1991), về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Cùng thời gian này Ủy ban Nhân dân Tỉnh cũng ra Thông tư số 2-TT/UB (15.5.1991), để hướng dẫn việc thi hành Nghị định 69 của Hội đồng Bộ trưởng về các hoạt động tôn giáo. Những nội dung công tác nói trên đã
kịp thời được quán triệt đến trưởng, phó ban ngành cấp tỉnh và cán bộ chủ chốt của huyện, thị. Mặt trận và các đoàn thể các cấp đã tổ chức học tập theo hệ thống từ ngành dọc đến tận đoàn viên, hội viên, làm cho mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức xác định rõ tầm quan trọng của công tác tôn giáo và trách nhiệm của các cấp ngành và trong cả hệ thống chính trị.
Chỉ thị 15 cũng xác định tôn giáo là vấn đề chính trị phức tạp. Công tác tôn giáo trong tỉnh đặt ra những vấn đề cấp bách vì, An Giang cũng là một trong những “điểm nóng” cần phải giải quyết bằng những chủ trương, biện pháp phù hợp và nhất quán. Chỉ thị 15 đã quán triệt quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị để đảm bảo tính thống nhất hành động khi xử lý các vấn đề có liên quan đối với tôn giáo một cách đúng đắn. Những nội dung then chốt trong các quan điểm đó là: “Tôn giáo là một hiện tượng xã hội còn tồn tại lâu dài và là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng có đạo”[89, tr.2], vì đây là một thực tế khách quan không thể phủ nhận và “không thể chủ quan, duy ý chí làm trái quy luật, khi xem xét các vấn đề tôn giáo”[89, tr.2]. Thực tế cho thấy, tôn giáo còn là lĩnh vực vấn đề đấu tranh chính trị gay gắt, phức tạp giữa cách mạng và các thế lực phản động. Do đó cần phải “thật sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của đồng bào có đạo, nhưng phải đấu tranh kiên quyết, loại trừ yếu tố chính trị phản động ra khỏi vấn đề tôn giáo”[89, tr.2].
Chỉ thị 15 nêu rõ, thực chất của công tác tôn giáo là “công tác vận động quần chúng. Quần chúng có đạo hay không có đạo đều là công dân, có quyền và nghĩa vụ như nhau”. Công tác vận động quần chúng tôn giáo là đoàn kết, tập hợp quần chúng đi theo Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng việc làm có ích của quần chúng, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, xây dựng con người mới, phát huy khả năng cách mạng của quần chúng tôn giáo tích cực đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Đó là nhân tố quyết định của công tác tôn giáo. Tuy nhiên, ngoài việc bảo vệ lợi ích cho đồng bào có đạo, cần đấu tranh chống bọn phản động lợi dụng tôn giáo “Việc đấu tranh hạn chế mặt tiêu cực trong quần chúng tôn giáo và chống bọn phản
động lợi dụng tôn giáo phải tiến hành kiên quyết, kịp thời, nhưng khôn khéo, tế nhị và kiên trì”[89, tr.2].
Để thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới như Nghị quyết 24 đã đề ra toàn Đảng bộ cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị và Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, như “làm tốt công tác tôn giáo bằng những nội dung và phương pháp phong phú, đa dạng trên cơ sở cứng rắn về lập trường nguyên tắc và mềm dẻo, linh hoạt về sách lược”[89, tr.2]. Đây là cơ sở để cán bộ làm công tác tôn giáo xử lý và ứng phó đúng đắn mọi vấn đề đặt ra về tôn giáo nhằm tranh thủ nhân tâm, nắm chặt khối quần chúng tín đồ, hướng tư tưởng, tình cảm của đồng bào ngày càng gắn bó với chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó cũng cần phân hoá chức sắc, nắm chắc những người tiến bộ, giáo dục lôi kéo những người trung lập còn ngả nghiêng chưa bị kẻ xấu lợi dụng làm sa ngã. Cảm hóa người lạc hậu và xử lý thích đáng những hành vi phạm pháp của bọn phản động trong tôn giáo là một vấn đề vô cùng khó khăn.
Chỉ thị 15 đề ra những nhiệm vụ cụ thể của công tác tôn giáo trong tỉnh. Vấn đề quan trọng trước tiên phải là “chăm lo phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có quần chúng tôn giáo”[89, tr.2]. Kinh tế là cơ sở cho việc phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; do đó, việc nâng cao đời sống nhân dân nói chung, người có đạo nói riêng, xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội là việc làm trước tiên để thực hiện tự do tín ngưỡng, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, tạo bầu không khí xã hội cởi mở, lành mạnh, gắn bó tôn giáo với dân tộc, với chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo và đoàn thể các cấp là phải:
Thường xuyên chủ động gặp gỡ, tạo mối quan hệ gần gũi với các chức sắc, nhà tu hành để tìm hiểu tình hình, tâm tư, nguyện vọng của họ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đấu tranh, hạn chế mặt tiêu cực và hướng dẫn các chức sắc, đồng bào tín đồ hành đạo trong khuôn khổ pháp luật, khuyến khích xu
hướng tiến bộ, gắn lợi ích tôn giáo với lợi ích dân tộc, làm tốt đời đẹp đạo [89, tr.3].
Nhiệm vụ của các cấp bộ đảng và chính quyền là cần làm cho mọi người hiểu rõ tôn giáo là lĩnh vực mà kẻ địch đặc biệt chú trọng lợi dụng để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhất là trong tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chúng còn có nhiều mưu đồ tinh vi, thâm độc. Vì vậy, đây là nhiệm vụ quan trọng mà mọi người dân cần phải đề cao cảnh giác và thấy hết trách nhiệm của mình, tích cực góp phần đấu tranh đập tan âm mưu thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của kẻ địch, giữ gìn ổn định chính trị, bảo đảm an ninh tổ quốc. Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, Ban Tôn giáo tỉnh cần “phát huy vai trò chính trị - xã hội, đẩy mạnh công tác vận động và tổ chức quần chúng”. Do đó, việc phát triển đoàn viên, hội viên các đoàn thể và những tổ chức quần chúng thông thường khác trong vùng đồng bào có đạo nhằm đoàn kết, hợp nhất, phát động và hướng dẫn quần chúng hành động cách mạng mà “cốt cán là những đảng viên trong các tôn giáo”. Cần quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động xã hội phù hợp với tôn giáo để dần dần hướng các chức sắc tôn giáo vào các hoạt động lành mạnh “tốt đạo, đẹp đời”. Tỉnh uỷ cũng đã đề ra mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và ổn định cán bộ làm công tác tôn giáo ở các cấp.
Những nhiệm vụ mà Chỉ thị 15 nêu ra căn cứ vào ba nguyên tắc mà Bộ Chính trị đề ra và điều kiện cụ thể của tỉnh An Giang:
Một là, quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của người dân phải
được đảm bảo. Mọi công dân dù có đạo hay không có đạo đều bình đẳng trước pháp luật, đều có quyền và nghĩa vụ như nhau.
Hai là, các tôn giáo phải tuân thủ pháp luật và sự quản lý về mặt nhà nước
của chính quyền địa phương.
Ba là, hoạt động của các tôn giáo vì lợi ích chính đáng và hợp pháp được đảm
bảo. Những hoạt động mê tín dị đoan bị bài trừ. Mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân bị xử lý theo pháp luật.
Chỉ thị đã đề ra những công tác cụ thể đối với tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, các cơ sở tôn giáo và tổ chức giáo hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy: “Ở xã hội, muốn thành công phải có 3 điều kiện: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba điều kiện quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hoà. Nhân hoà là thế nào? Nhân hòa là mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn hết”[78. tr.479]. Trong công tác tôn giáo, mọi chính sách của Nhà nước ta đối với tôn giáo nói chung, với tín đồ các tôn giáo nói riêng đều nhằm tạo ra “nhân hòa”. Chính sách đối với tín đồ, như việc tín đồ tôn giáo được tự do thờ cúng, đọc kinh giảng trong phạm vi gia đình, theo lễ nghi sinh hoạt thuần tuý tôn giáo và trong các ngày lễ vía theo truyền thống, tập tục; tín đồ được đến nơi thờ tự của tôn giáo mình hành lễ bình thường và không được phép làm điều gì gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tín đồ tôn giáo có trách nhiệm và ý thức đấu tranh không chấp nhận những điều chỉ dẫn của chức sắc, nếu điều đó phương hại đến lợi ích xã hội và Tổ quốc, vì mỗi tín đồ đều là công dân nên cũng có quyền và nghĩa vụ như những công dân khác.
Chức sắc là nòng cốt của các giáo hội; họ giữ vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình hành đạo, quản đạo và truyền đạo; đồng thời, họ còn giữ vai trò chủ yếu trong mối quan hệ giữa giáo hội và Nhà nước, giữa tôn giáo của họ với xã hội, giữa giáo hội của họ với các giáo hội của các tôn giáo khác. Do vậy, chính sách cụ thể đối với chức sắc tôn giáo là một khâu hết sức quan trọng trong hệ thống chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Chỉ thị 15 cũng xác định “Chức sắc, nhà tu hành được hoạt động tôn giáo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng hợp lý của tín đồ, đúng luật pháp tại nơi mình phụ trách”[89, tr.4], Nếu các chức sắc, nhà tu hành tiến bộ, hoặc các cơ sở tôn giáo được khuyến khích tham gia hoạt động xã hội, từ thiện thì phải “hoạt động theo sự tổ chức, hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc, hòa nhập vào hoạt động chung của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội dưới sự quản lý của Nhà nước, không chấp nhận cá nhân, hoặc
cơ sở tôn giáo hoạt động xã hội, từ thiện riêng lẻ”[89, tr.4]. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ hoạt động tôn giáo thuần tuý của các chức sắc, nhà tu hành được thuận lợi. Mặt khác, có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với các cấp ủy đảng lãnh đạo, xứ lý đúng đắn những vấn đề đặt ra có liên quan tới tôn giáo và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, giúp chính quyền quản lý hoạt động tôn giáo đúng chính sách và pháp luật.
Các chức sắc, nhà tu hành đều là công dân; vì vậy, bên cạnh quyền công dân, họ cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ như mọi công dân khác. Nghĩa là, trong mọi sinh hoạt xã hội, họ cũng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Tuy nhiên, Chỉ thị 15 nêu rõ: “Việc bắt giữ và xét xử các chức sắc, nhà tu hành vi phạm luật pháp chính quyền, các cấp huyện, xã phải báo cáo trước với chính quyền cấp tỉnh; nếu là linh mục Thiên Chúa và cấp tương đương các tôn giáo khác, tỉnh phải báo cáo trước với trung ương, trừ trường hợp phạm pháp quả tang và khẩn cấp”[89, tr.5].
Cơ sở thờ tự có vai trò quan trọng và thuộc quyền sở hữu của các tôn giáo. Tuy nhiên, các tôn giáo đều phải đăng ký với chính quyền về các cơ sở xây dựng và lễ nghi tôn giáo ở đây. Những hoạt động bất thường ngoài đăng ký đều phải xin phép chính quyền, “việc trùng tu, tái tạo, hoặc xây cất mới cơ sở tôn giáo phải theo đúng quy định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh hiện hành. Những việc làm sai trái cần được đấu tranh, xử lý”[89, tr.5]. Nhu cầu về các hoạt động thông thường của tôn giáo hay nhu cầu trùng tu, tái tạo cơ sở thờ tự của các tôn giáo phải được sự cho phép của Uỷ ban Nhân dân tỉnh và được sự giám sát của Ban Tôn giáo. Ngoài ra “những cơ sở vật chất của tôn giáo đã hiến cho Nhà nước sử dụng vì lợi ích chung phải giữ nguyên trạng; trừ khi cơ sở đó Nhà nước quản lý vì lý do khác, nay quần chúng tín đồ thực sự có nhu cầu sử dụng làm nơi thờ tự, cần xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết phù hợp theo chính sách”[89, tr.5].
Chỉ thị cũng nêu rõ: “không chấp nhận phát triển mới tổ chức giáo hội, hoặc bất cứ hình thức tổ chức nào khác trong các tôn giáo”[89, tr.5]. Trong tình
hình phức tạp, khi mà Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch đang lợi dụng tôn giáo để chống phá ta, thì qui định trên là điều dễ hiểu.
Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa theo tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, Nghị quyết 24 cũng quy định tổ chức cá nhân tôn giáo có quyền tiến hành các hoạt động quốc tế, nhưng phải xin phép và được sự chấp thuận của Nhà nước; việc xuất cảnh và nhập cảnh vì lý do tôn giáo, viện trợ nhân đạo có liên quan đến tôn giáo và viện trợ thuần tuý tôn giáo đều phải tuân theo pháp luật và sự quản lý của Nhà nước. Chỉ thị 15 nhấn mạnh: “Các cơ sở tôn giáo, chức sắc hoặc nhà tu hành quan hệ với tổ chức, hoặc cá nhân ở nước ngoài phải theo đúng luật pháp, không được tuỳ tiện quan hệ, hoặc nhận viện trợ...khi chưa được phép”[89, tr.5].
Căn cứ vào nội dung của Nghị quyết 24, những qui định của Hội đồng Bộ trưởng và tinh thần của Chỉ thị 15, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ra văn bản với các quy định cụ thể phù hợp với tình hình trong tỉnh. Chỉ thị cũng đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành các cấp trong tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có trách nhiệm giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt tinh thần nội dung Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 15 đến các cấp, các ngành trong tỉnh. Mặt trận Tổ quốc tỉnh cần có kế hoạch tổ chức các cuộc hội thảo, tiếp xúc với các chức sắc, nhà tu hành và những tín đồ tôn giáo