II/ Giải pháp tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc phát triển các KCN giai đoạn 2006-
1/ Nâng cao chất lượng quy hoạch các KCN.
Nâng cao chất lượng quy hoạch cần phải thực hiện đồng thời cả công tác lập quy hoạch và nâng cao chất lượng thực hiện quy hoạch.
Công tác lập quy hoạch: trong việc thực hiện vai trò của Nhà nước đối với lập kế hoạch, yêu cầu đặt ra là quy hoạch cần phải mang tính định hướng, tức phải đi trước thực tiễn, tránh tình trạng “hình thức” trong việc quy hoạch. Để đảm bảo yêu cầu này, cần thiết phải có sự “thăm dò” thực tiễn, tức phải tìm hiểu tình hình kinh tế- xã hội của các địa phương trên cả nước, tình hình phát triển các KCN hiện tại, đánh giá thực trạng phát triển KCN một cách chi tiết, xem xét khả năng phát triển của các KCN trong tương lai đặc biệt xem xét khả năng phát triển của ngành công nghiệp ở địa phương, đồng thời dự báo các điều kiện cần thiết cho hoạt động phát triển của các KCN qua đó đưa ra những hướng phát triển KCN. Như vậy, đối với việc lập quy hoạch ở đây, yêu cầu cần phải có một hệ thống thông tin chính xác và một công cụ dự báo đủ mạnh để có thể đánh giá thực trạng và dự báo dược tình hình trong tương lai. Để nắm vững thông tin, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị, bộ, ngành, các cơ quan hữu quan. Sự trao đổi thông tin cần phải được thực hiện một cách trung thực, chính xác tránh tình trạng cất giấu thông tin. Việc dự báo cần phải xem xét tình hình phát triển của đất nước trong tương lai đồng thời phát hiện ra các xu thế phát
triển trên thế giới. Đồng thời cũng cần tranh thủ những nhận xét, đánh giá của các chuyên gia nước ngoài trong việc quy hoạch, nhất là những chuyên gia ở những nước có mô hình phát triển KCN tương tự.
Việc xây dựng quy hoạch KCN cần phải tính đến đầy đủ các yếu tố liên quan đến tình hình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương nơi xây dựng KCN đồng thời phải nằm trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Quy hoạch KCN không nên qua chú trọng về số lượng mà phải xem xét đến tính hiệu quả của nó: KCN có lấp đầy được nhiều hay không, sự liên kết của KCN với các đơn vị kinh tế trong khu vực, đồng thời cần phải xem xét ảnh hưởng của nó đến các vấn đề xã hội, giữa KCN với hạ tầng xã hội ngoài KCN…
Việc lập kế hoạch cần phải có một lộ trình để chỉnh sửa nhất định, không nên lập quy hoạch mang tính quá ngắn hạn cũng không nên quá dài do những điều kiện thay đổi của kinh tế xã hội ở địa phương và khu vực. Việc xác định lộ trình này cần phải có sự nghiên cứu một cách rõ ràng của các cơ quan chức năng. Theo ý kiến chủ quan của tác giả, có thể xác định lộ trình đó theo thời gian là 5 năm, là khoảng thời gian trùng với các kì của Đại hội Đảng để có sự nhận xét, đánh giá của các đại biểu sau mỗi kì Đại hội, qua đó rút ra được những bài học cho các giai đoạn sau.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, theo bài học của Thái Lan, có thể phân chia các các địa phương thành các vùng khác nhau. Đối với mỗi vùng có những ưu thế và đặc điểm riêng. Chẳng hạn, có thể phân thành các vùng I, vùng II, vùng III. Trong đó vùng I bao gồm các thành phố đô thị loại 1, chỉ được phép xây dựng những KCN ít gây ô nhiễm môi trường, có khả năng khai thác các thế mạnh của vùng: nguồn nhân lực có chất lượng, có các trung tâm nghiên cứu… thì nên thành lập những KCN tập trung để thu hút khoa học công nghệ, các KCNC. Đối với vùng II là những vùng có đô thị
loại 2, thành lập các KCN phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, có thể tạm thời bỏ qua yếu tố môi trường. Vùng III là những địa phương còn lại, đưa những nhà máy gây ô nhiễm môi trường vào đây, và có thể tận dụng lợi thế về tài nguyên ở các địa phương.
Ngoài ra, trong thời gian tới cần phải có sự rà soát lại một cách tổng thể các KCN trên cả nước, xem xét tình hình phát triển KCN ở các địa phương đặc biệt đối với các KCN đã được thành lập nhưng chưa được phép của Thủ tướng Chính phủ, những KCN thành lập chui.
Rà soát chi tiết quy hoạch sử dụng đất KCN trên địa bàn cả nước, xây dựng quy hoạch sử dụng đất cần đảm bảo mức độ sử dụng đất nông nghiệp để chuyển đổi thành đất KCN hợp lí, đảm bảo cân đối giữa các thành phần kinh tế trên địa bàn.
Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch KCN của các địa phương theo cơ chế triển khai do Thủ tướng Chính phủ ban hành, gắn kết giữa quy hoạch KCN với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị-dân cư, quy hoạch sử dụng đất.
Mặt khác cần thường xuyên theo dõi, đánh giá các KCN đã được thành lập. Đối với các KCN triển khai thuận lợi và khu vực còn quỹ đất để phát triển thì có thể xem xét việc mở rộng KCN. Đối với các KCN gặp khó khăn trong quá trình triển khai, cần tập trung giải quyết các vướng mắc để tiếp tục triển khai. Nếu KCN không có triển vọng, cần kiên quyết xem xét việc rút Giấy phép đầu tư, Quyết định phê duyệt dự án hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.