II/ ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC KCN
1/ Công tác quy hoạch phát triển các KCN
KCN ở Việt Nam ra đời cùng với đường lối mở cửa nền kinh tế do Đảng và Nhà nước ta đề xướng tại Đaị hội VI năm 1986. Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kì khoá VII năm 1994 đã đưa ra yêu cầu phải: “Quy hoạch các vùng, trước hết là các địa bàn trọng điểm, các KCX, các vùng kinh tế đặc biệt, KCN tập trung”. Trong Nghị quyết tại Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996 cũng có đề cập đến việc quy hoạch các KCN: “Hình thành các KCN tập trung (bao gồm cả KCX, KCNC), tạo địa bàn thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở công nghiệp mới”.
Tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp vào trong các KCN hoạt động là một chủ trương mà Nhà nước ta đề ra nhằm thực hiện chiến lược, quy hoạch, và phân bố công nghiệp. Kể từ khi KCN đầu tiên đi vào hoạt động, quy hoạch tổng thể phát triển KCN và kết cấu hạ tầng thời kì 1996- 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/TTg ngày 6/8/1996 trong đó công bố 33 KCN ưu tiên thành lập đến giai đoạn năm 2000 và Quyết định 713/TTg ngày 30/8/1997 với 50 KCN.
Nếu so sánh giữa bản quy hoạch với tình hình phát triển thực tế của các KCN trên cả nước có thể nhận thấy một hạn chế của Nhà nước trong việc quy hoạch các KCN đó là việc quy hoạch chỉ mang tính hình thức, không mang tính định hướng thể hiện ở việc quy hoạch luôn đi sau thực tiễn. Năm 2000 số KCN thực tế đã được thành lập là 65 khu. Trước những diễn biến mạnh mẽ trong sự phát triển của các KCN, Nhà nước liên tục có sự thay đổi tuy nhiên nó vẫn không thể theo kịp so với thực tế. Quy hoạch phát triển các KCN năm 2004 cũng như vậy, theo đó tổng số KCN đến năm 2010 sẽ là 125 khu, nhưng đến cuối năm 2005 số KCN đã là 130 khu. Và theo Báo cáo quy
hoạch phát triển các KCN đến năm 2010 của các địa phương dự kiến đến năm 2010 số KCN được thành lập lên đến 443 khu. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN giai đoạn 2005-2020, hiện đề án này đang được Thủ tướng chính phủ xem xét và phê duyệt.
Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam hiện nay còn gặp phải một hạn chế, đó là chưa gắn kết với điều kiện, tình hình kinh tế của địa phương, khả năng dự báo trong công tác quy hoạch còn thấp. Điều này thể hiển ở việc hiện nay, một số tỉnh có hiện tượng khan hiếm lao động để cung ứng cho các KCN đóng trên địa bàn, nhất là các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ. Theo số liệu điều tra, ở Tp.Hồ Chí Minh, nhu cầu lao động cho các KCN năm 2004 là hơn 20.000 người nhưng việc cung ứng lao động chỉ mới dừng lại ở con số khoảng 10.000 người đạt 50%.
Quy hoạch phát triển KCN cũng chưa gắn với việc phát triển cơ sở hạ tầng xã hội. Do thiếu sự quan tâm chỉ đạo và tính toán một cách đầy đủ từ giai đoạn lập quy hoạch, vấn đề cơ sở hạ tầng xã hội chưa được quan tâm một cách đúng mức.
Quy hoạch phát triển KCN hiện nay còn diễn ra một cách hết sức “tuỳ tiện”. Không có sự nhất quán giữa việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Giữa các địa phương có hiện tượng “ganh đua” nhau trong việc phát triển KCN do khi thấy địa phương bên cạnh có KCN thì cũng tìm mọi cách xin được thành lập KCN, nếu không xin được thì thành lập “chui” sau đó yêu cầu Thủ tướng công nhận đưa vào danh sách các KCN do Thủ tướng phê chuẩn. Do đó, việc quy hoạch mang tính cục bộ rất cao, giữa các KCN không có sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau, thiếu sự cân đối.
Ngoài ra, việc quy hoạch chi tiết đối với từng KCN cũng không được đảm bảo. Trong thiết kế quy hoạch KCN được các địa phương trình lên Thủ
tướng Chính phủ, đã đưa đầy đủ các yếu tố: xây dựng các nhà máy nước thải tập trung, vị trí trong KCN… Tuy nhiên nó chỉ mang tính hình thức để Thủ tướng cấp phép phê duyệt thành lập. Sau khi được cấp phép thì các thiết kế này không được đảm bảo, nhà máy nước thải không được xây dựng do thiếu vốn, việc xây dựng các nhà máy lại do các chủ đầu tư quyết định, dẫn đến sự rời rạc, không liên kết được với nhau trong hoạt động sản xuất.