II/ ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC KCN
3/ Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Đến cuối năm 2005, tổng vốn đăng kí xây dựng cơ sở hạ tầng KCN trên cả nước đạt 1042 triệu USD và khoảng 33332 tỷ đồng. Trong đó tổng vốn thực hiện của các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 550 triệu USD và 8831 tỷ đồng. Ở nhiều nước trên thế giới, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thường do nước sở tại thực hiện. Chảng hạn như Trung Quốc, Nhà nước đảm bảo ba thông (thông điện, thông nước, thông đường) và mặt bằng (san lấp mặt bằng). Một số nước khác như Thái Lan, Đài Loan, Malaisia thì còn có sự tham gia của khu vực tư nhân. Rất ít nước như Việt Nam, việc xây dựng cơ sở hạ tầng còn kêu gọi thêm sự tham gia của các chủ đầu tư nước dưới hình thức liên doanh hoặc 100% vốn ĐTNN. Hiện nay ở Việt Nam có 3 KCN được xây dựng với 100% vốn nước ngoài và 16 KCN dưới hình thưc liên doanh.
Việc kêu gọi các nguồn vốn nước ngoài để phát triển hạ tầng KCN của Việt Nam trong thời gian vừa qua có thể nói là một cách làm hết sức độc đáo, một mặt góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn trong thời gian trước mắt. Mặc khác nó có thể phát huy được một số điểm tích cực. Khi các chủ đầu tư nước ngoài đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, việc rủi ro trong đầu tư đồng thời cũng được chia sẻ, buộc họ tích cực thu hút đầu tư vào KCN.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam học tập kinh nghiệm xây dựng, kinh doanh và quản lí KCN.
Bên cạnh những kết quả đã làm được, trong thời gian qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện nay có một thực trạng đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong các KCN tiến hành rất chậm chạp. Trước tiên là do công tác chuẩn bị cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề để bàn đến. Đối với mọi công trình Nhà nước quy hoạch nói chung và với việc phát triển KCN nói riêng, giải phóng mặt bằng luôn là một vấn đề nan giải.
Việc xây dựng các hạng mục của kết cấu hạ tầng chậm trễ, không đồng bộ do thiếu sự phối hợp giữa các đối tác trong việc đảm bảo phát triển hạ tầng bên trong và ngoài hàng rào KCN, thiếu nguồn vốn cho các hạng mục của kết cấu hạ tầng. Chúng ta chủ trương đa dạng hóa các loại hình Công ty phát triển hạ tầng để đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN. Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tình thế, trong điều kiện vốn Nhà nước còn eo hẹp. Tại các địa bàn khó khăn nếu không được Nhà nước hỗ trợ, các Công ty hạ tầng sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển hạ tầng. Trong khi đó việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 10% đối với Công ty phát triển hạ tầng chưa xuất phát từ mục đích hỗ trợ phát triển các KCN.
Nguyên nhân lại có khi đến từ chính các Công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng, thường xảy ra đối với các công ty 100% vốn nước ngoài (trường hợp của KCN Đài Tư). Do mục tiêu của công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng là lợi nhuận cho nên đôi khi giá cho thuê đất có kết cấu hạ tầng quá cao không phản ánh được sự ưu đãi của Nhà nước. Ở một số nơi, công ty hạ tầng không quan tâm đến việc đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng mà chỉ muốn làm chủ các công trình xây dựng trong các KCN.
Đối với việc liên doanh giữa các chủ đầu tư Việt Nam và đối tác nước ngoài trong việc phát triển hạ tầng KCN. Bên phía Việt Nam khi tham gia liên doanh chủ yếu góp vốn bằng đất, ít có sự góp vốn bằng tài chính do đó có hiện tượng đối tác nước ngoài gặp khó khăn về tài chính nên không góp vốn theo đúng tiến độ quy định, làm chậm trễ xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhà đầu tư cũng thường tiến hành xây dựng hạ tầng theo kiểu cuốn chiếu. Họ dùng một số tiền ban đầu làm vốn khởi động, sau đó lấy tiền cho thuê đất trong khu để đầu tư xây dựng tiếp. Khi thu hồi được vốn đầu tư, nhà đầu tư có thể bê trễ trong xây dựng hoặc không quan tâm bảo trì các cơ sở hạ tầng. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động toàn khu, làm cho các chủ đầu tư sản xuất kinh doanh trong KCN không yên tâm về hạ tầng và tiện ích trong khu.
Ngoài ra, một trong những vấn đề vướng mắc hiện nay trong việc phát triển kết cấu hạ tầng đó là hạ tầng ngoài KCN chưa được đáp ứng đầy đủ. KCN không phải là một địa bàn khép kín, một lãnh địa triêng biệt mà nó luôn gắn chặt các các yếu tố bên ngoài như điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc…Theo quy định hiện hành thì Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng bên ngoài đến chân hàng rào các KCN, tuy nhiên ở nhiều địa phương hiện nay chủ trương này chậm được triển khai, việc xây dựng KCN hầu như mới chú ý đến xây dựng kết cấu hạ tầng trong KCN mà chưa chú ý đúng mức đến việc phát triển hạ tầng ngoài KCN. Giao thông vận tải là một bộ phận của kết cấu hạ tầng thiết yếu ngoài hàng rào KCN chưa được quan tâm một cách chu đáo. Việc xây dựng các tuyến đường giao thông ngoài KCN thường bị chậm trễ làm cho việc vận chuyển nguyên, nhiên liệu đến KCN và vận chuyển hàng hoá đến thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Việc cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc cũng còn nhiều tồn tại, nhiều KCN phải tự bỏ tiền kéo điện về chân hàng rào của mình… Sự không đồng bộ này có nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự quan tâm của
chính quyền địa phương, bên cạnh đó là những vấn đề thuộc về trách nhiệm của các Công ty phát triển hạ tầng KCN chưa làm tốt phần việc của mình: còn thụ động, thiếu sự chuẩn bị chu đáo.