Các kiểu loại nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Một phần của tài liệu Đặc trưng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trang 40 - 41)

Chương 2: NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP

2.1.Các kiểu loại nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Con người luôn luôn là đối tượng trung tâm của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó có văn học. Từ xa xưa, trong thế giới của những câu chuyện thần thoại, ngụ ngôn – dù con người không trực tiếp xuất hiện nhưng các thể loại truyện kể dân gian ấy vẫn nói về con người, vẫn hướng về con người. Theo thời gian, văn học nghệ thuật càng phát triển thì việc đề

cập tới con người và tất cả những gì liên quan đến con người càng được chú trọng.

Lịch sử phát triển của nhân loại luôn là những bước đi liên tục, trong đó có tư duy của con người. Ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn, con người lại có những cách quan niệm khác nhau về

chính mình và về đồng loại. Văn học Việt Nam, đặc biệt là truyện ngắn Việt Nam – qua nhiều bước thăng trầm, đã có rất nhiều cách quan niệm khác nhau về con người. Mỗi nhà văn là những thế giới riêng, luôn tiếp nhận những ảnh hưởng khác nhau dội đến từ cuộc sống bên ngoài, do đó, quan niệm nghệ thuật nói chung – và quan niệm nghệ thuật về con người nói riêng – của họ là hết sức phong phú đa dạng. Quan niệm này sẽ chi phối toàn bộ công việc sáng tạo của nhà văn, nên dù việc tìm hiểu nó không hề đơn giản, chúng ta cũng cần phải xác định rõ khi muốn tiếp cận các tác phẩm văn học của nhà văn ấy.

Từ sau đổi mới, nền văn học của chúng ta phát triển mạnh mẽ. Các nhà văn đã mạnh dạn hơn khi bày tỏ quan điểm riêng của mình. Cách nhìn nhận và quan niệm về con người cũng có những chuyển biến đáng kể. Trong thời chiến tranh, người ta lấy việc chọn lựa lí tưởng và hành

động cách mạng làm thước đo giá trị, phẩm chất của con người. Ở giai đoạn ấy, ta thường thấy con người hiện lên với lí tưởng cộng sản, hành động quả cảm, khát vọng được xả thân vì tổ

quốc. Giờ đây, chiến tranh chỉ còn trong kí ức, con người được trở về với cuộc sống đời thường, với những bộn bề lo toan cho cuộc sống thường nhật, cùng quá trình đấu tranh với chính bản thân để tự hoàn thiện… Đây là thời điểm con người sẽ bộc lộ những phần thật nhất trong bản chất người của mình. Những con người “hôm qua”, những anh hùng, hay những con người thuộc về cộng đồng, về số đông, đã nhường chỗ cho những con người “hôm nay” hiện lên với tư cách cá nhân, với tất cả sự phức tạp của cuộc mưu sinh khốc liệt và những cạnh tranh của xã hội thuộc cơ chế thị trường. Thực tế đó đòi hỏi văn học phải chuyển đổi, cả về quan niệm nghệ thuật, nội dung và cách viết.

Nguyễn Minh Châu – nhà văn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới của nền văn học nước nhà – đã bày tỏ quan niệm nghệ thuật về con người của mình, bằng việc đưa ra một thế

giới nhân vật với những cách gọi tên bước đầu gây nhiều bỡ ngỡ cho người đọc: con người đuổi bắt ảo ảnh, con người đi tìm thế giới xung quanh và đi tìm cái tính chất tạp đa muôn màu muôn vẻ của vũ trụ, của thế giới bao quanh con người và ngay ở trong nội tâm con người. Hòa trong dòng chảy của khuynh hướng đổi mới, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng chứa đựng những quan niệm hết sức mới mẻ, bất ngờ về con người. Quan niệm nghệ thuật ấy được bộc lộ qua các kiểu loại nhân vật cụ thể: con người tha hoá – con người kiếm tìm – con người cô đơn.

Một phần của tài liệu Đặc trưng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trang 40 - 41)