Thời gian vật lý và thời gian tâm lý

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong kịch Shakuntala của Kalidasa (Trang 59 - 64)

SHAKUNTALA

3.2.1. Thời gian vật lý và thời gian tâm lý

Thời gian vật lý là thời gian vận động một chiều theo quy luật tự nhiên từ quá khứđến hiện tại và tương lai.

Trong Andromaque, toàn bộ thời gian của các sự việc diễn ra chỉ gói gọn trong một ngày, đó là ngày Oreste đến Epire. Vì thế, Racine không để cho thời gian trôi đi một cách bình thản theo quy luật

của tự nhiên mà dường như thời gian bị chi phối bởi những cảm xúc dồn nén, những tâm trạng rối bời của các nhân vật xáo trộn, chồng chéo lẫn nhau tạo nên thứ không gian đậm dấu ấn cá nhân.

Racine chọn đúng thời điểm thích hợp của câu chuyện để triển khai vở kịch. Vì thế, khi khán giả đến xem kịch vẫn hiểu là trước đó mọi việc đã xảy ra nhưng đang hãm lại, chậm chạp trôi đi trong trạng thái chờ đợi căng thẳng. Theo Nguyễn Văn Chính “Racine đã cố nới rộng khung thời gian một cách gián tiếp bằng cách gợi nhớ cả một quá trình, nhấn mạnh vào dĩ vãng, hướng tới tương lai, phác họa một cái nền rộng để rồi trên đó tập trung khắc họa những chặng giàu kịch tính nhất” [51, tr.99]. Trong Shakuntala, thời gian được nới lỏng tự do, vì thế toàn bộ thời gian trong vở kịch kéo dài trong cả 7 năm, từ lúc hai nhân vật gặp gỡ - yêu nhau – xa cách – đoàn tụ.

Cùng với sự nới lỏng các không gian, thời gian cũng kéo dài như vô tận. Trong khoảng không - thời gian ấy, các nhân vật tự do thể hiện mình, từ những cảm xúc nhỏ nhất cho đến những vấn đề trọng đại. Con người có đủ điều kiện để tự hoàn thiện. Nghĩa là nó không bị thúc ép, dồn nén, trong một thoáng chốc, con người phải quyết định và hành động để giành lấy hạnh phúc, bảo toàn danh dự của cá nhân mình như trong Andromaque. Ở đây, hành trình của mỗi nhân vật là hành trình hoàn thiện bản ngã. Con người biết hối lỗi và khắc phục những hành động sai trái của mình, thực hiện tốt bổn phận đạo lý của đẳng cấp mình. Chỉ với con đường này, con người mới có thể gặt hái được hạnh phúc và những điều tốt đẹp cho bản thân mình và cho những người xung quanh.

Trong vở kịch Shakuntala, Kalidasa đã khắc họa sự trôi đi của nhịp thời gian khá ấn tượng. Thời gian trôi qua theo đúng lịch trình của nó, nhưng trong những cảnh huống nhất định, thời gian đã làm cho bối cảnh gặp gỡ của các nhân vật trở nên sinh động và khắc họa rõ nét những trạng thái tâm lí của nhân vật. Chính vì thế trong cuốn Abhijnana Sakuntalam, R.M.Bose rất quan tâm đến thời gian vật lý trong vở kịch. Ông đi vào tìm hiểu sự dịch chuyển của các mùa trong năm và thời gian trải dài của câu chuyện là bao lâu, mỗi hồi diễn ra trong khoảng thời gian nào, bao nhiêu ngày…

Dushyanta đi săn vào buổi sáng tinh mơ và đến vườn tu khi trời còn hửng sáng, các cô gái còn đang tưới cây, những bộ quần áo bằng vỏ cây của các tu sĩ phơi trên cây còn chưa ráo nước…Và sự gặp gỡ đầu tiên của đôi trai gái diễn ra trong buổi sớm mai là một điểm khởi đầu khá lí tưởng. Như là bình minh đang lên, nhiều hi vọng được thắp lên trong một ngày mới.

Khi tình đã đậm, cả Shakuntala và Dushyanta đều mang những xúc cảm cần được nhanh chóng giải bày cho đối phương biết thì cái buổi trưa nóng nực, bức bối ấy càng làm cho tình trạng tương tư của Shakuntala thêm nặng hơn:

Dáng ủ ê, chứng tỏ nàng mỏi mệt

Nắng ban trưa chẳng thể làm nàng bơ phờđến thế

Không, không, đây chỉ vì yêu [23, tr.97].

Buổi sáng trong sự xa cách thì hoàn toàn khác. Sau khi Dushyanta trở về cung, Shakuntala mòn mỏi đợi chờ nhưng vẫn không thấy bóng dáng chàng đâu thì buổi sáng nơi vườn tu lại mang một sắc

thái khác. Bình minh lên, những tia nắng vụt lòe sáng chọc thủng màn đêm được cảm nhận như “những cuộc đổi thay của con người, cho sự thăng trầm của cuộc sống” [23, tr.120]. Cái nhìn về sự vận động của thời gian dường như bị chi phối bởi tình cảm con người, mang chút nuối tiếc, chút day dứt về sự đổi thay:

Khi trăng tròn dấu mặt gương mờ xuống chân trời tây Hoa sen yêu đêm đang độ nở đầy

Bỗng rủ cánh u sầu vì trăng khuất [23, tr.120].

Cũng là đêm trăng nhưng trong vở kịch, không phải đêm trăng nào cũng giống nhau. Đêm trăng trong cái nhìn của chàng trai đang yêu thật bình yên, tưới tắm cho nhân gian những ánh sáng dịu ngọt và tràn ngập những cảm xúc lãng mạn:

Cũng không phải vì ta mà trăng vàng rạng chiếu khắp trần gian Với những tia sáng bạc đầm sương mát rượi.

Trái lại ánh trăng dội lên mình ta run run Như những tia lửa phóng xuống.

Và từng mũi tên hoa của Tình Yêu

Nhưđược ráp bằng thứ kim cương rắn nhất, Cứ sói vào tim ta đang thổn thức [23, tr.92].

Nhưng đêm trăng trong xa cách của đôi tình nhân lại man mác buồn và mang nhiều bất ổn như chứa đựng nhiều dự cảm:

Ánh trăng tưới trên ngọn núi Xumi là vua của núi

Đang cùng đêm tối lùi dần, lùi dần cho đến điện thờ thần Siva

Bỗng vươn thành một vệt sáng dài ảm đạm trên trời cao rồi biến mất [23, tr.121].

Thời gian mùa cũng khá đậm nét trong vở kịch. Nếu ở màn giáo đầu, theo lời của đạo diễn thì câu chuyện tình yêu diễn ra bắt đầu bằng mùa hạ thì Kalidasa kết thúc vở kịch cũng vào mùa hạ, mùa đâm hoa kết trái, vạn vật sinh sôi nảy nở đạt đến độ viên mãn nhất và con người cũng ngập tràn trong niềm vui sống:

Các cô gái yêu đương lấy hoa siri dịu ngọt vấn vành tai

Để chiều ý những chàng trai mà trái tim mình đã chọn. Cánh hoa ấy như những đôi môi đượm hương nồng Quyến rũđàn ong đến tặng nụ hôn say đắm

Và thì thầm mãi qua giờ hè trôi [23, tr.36]

Sau bao biến cố, Shakuntala và Dushyanta gặp lại nhau, tình yêu lại được thắp lửa trở lại “Bây giờ là mùa hoa sen nở, người yêu ơi hãy dẫn em đi” [54, tr.134]. Có lẽ mùa hạ gắn với thời khắc tái hợp của nhân vật hứa hẹn một cuộc đoàn viên đầy ý nghĩa mà Kalidasa muốn gởi gắm.

Bên cạnh đó, mùa xuân gắn với sự hồi sinh và khởi đầu đã có tác động rất lớn đến nhân vật sau khi đã trải qua bao biến cố. Vào đầu hồi VI, mùa xuân “mùa vui tươi, yêu đương và ca hát” [23, tr.181] tràn ngập trong vườn thượng uyển như thúc giục niềm vui sống yêu đời đồng thời tác động rất lớn đến trái tim yêu của nhân vật.

Có thể nói, thời gian vật lý với sự dịch chuyển của các buổi trong ngày, các mùa trong năm trong vở kịch không phải là sự chọn lựa ngẫu nhiên của tác giả. Thời gian mùa gắn với những cảnh huống cụ thể mang lại nhiều xúc cảm, giàu sức thể hiện. Đây cũng là một trong những điểm độc đáo trong nghệ thuật viết kịch của Kalidasa.

Tuy nhiên, cũng có những lúc thời gian không tuân theo quy luật của nó mà thời gian được cảm nhận theo tâm lí chủ quan của nhân vật.

Nguyễn Văn Chính chỉ ra Racine miêu tả thời gian trong vở kịch Andromaque theo tâm lí nhân vật, khi các nhân vật đang mải mê theo đuổi những mục đích riêng. Sự xuất hiện của Oreste thúc đẩy mọi mâu thuẫn đang âm ỷ trước đó, làm cho Pyrrhus có cớ để thúc ép Andromaque, Andromaque phải đối đầu với thực tại là đồng ý hay không đồng ý lấy Pyrrhus, còn Hermione thì có thể có câu trả lời dứt khoát cho hoàn cảnh thực tại của mình. Vì thế, có những tình huống nhân vật muốn giải quyết cùng một lúc tất cả các vấn đề, và thời gian lúc này vừa như thúc giục, vừa nhưđông đặc bởi dục vọng của con người.

Kỳ hạn gấp thế kia, làm sao cho nàng kịp hả giận này? Mượn đường lối nào đến gần mà giết hắn?

Chân ướt chân ráo tôi mới đến Epia trong hôm sớm Công chúa muốn mượn tay tôi lật nhào một nước lớn Thí một vị vua nhưng lại cốđòi

Phải trong một ngày, một giờ, một chốc lát mà thôi [3, tr.438].

Có lúc thời gian quay ngược về quá khứ khi hình ảnh Hector tràn ngập trong kí ức của Andromaque:

Anh chưa biết thắng bại thế nào, em yêu quý

Anh gởi lại cho em đứa con này, kỉ vật của lòng ta [3, tr.426].

Cùng một lúc, tất cả mọi cảnh tượng của cuộc chiến tranh, những tiếng kêu la, gào thét cùng với những cảm giác sợ hãi, ghê rợn như vây bọc Andromaque. Điều đó đã làm cho nàng và đứa con nhỏ cô đơn, bất lực, hầu như tách biệt với tất cả mọi thứ xung quanh. Mặc cho thời gian vây hãm, thúc dục bởi những mưu toan ghê rợn của con người ngoài kia thì đối với Andromaque, lúc này thời gian như ngưng đọng trong cái hiện tại nhiều oan nghiệt đối với nàng, đồng thời nó còn soi rọi tâm hồn thánh thiện, thủy chung, can trường của nàng.

Trong Shakuntala, thời gian không đến mức dồn nén, đông đặc như trong Andromaque mà thời gian luôn được kéo giãn và hầu như bị chi phối bởi tình cảm yêu đương của nhân vật. Khi vua

Dushyanta núp vào trong gốc cây để nhìn ngắm hình dáng diễm kiều của Shakuntala thì lúc ấy chàng chỉ mong sao cho thời gian trôi chậm lại, thậm chí ngưng đọng để có thể giữ mãi khoảnh khắc tuyệt vời của người yêu:

Ta ghen với thời gian, sợ mất đi từng giây phút không được ngắm nhìn bức tranh kì diệu!

Đẹp tuyệt vời khi mày nàng nghiêng nghiêng, chênh chếch…[23, tr.103]

Trong khi Dushyanta mong thời gian ngưng lại để có thể lưu giữ mãi hình ảnh của người yêu thì chàng Trương Thụy trong vở kịch Tây sương ký lại luôn bức bối vì thời gian cứ chậm chạp trôi qua. Những lời hẹn hò của Thôi Oanh Oanh làm cho Trương Thụy náo nức chờđợi và chàng như nghe thấy từng sự vận động của thời gian “Trời đã tối rồi! Trăng ơi trăng! Sao chẳng vì ta mà mọc sớm một chút! A! Nghe trống đã thu không. A!Nghe chuông đã đổ hồi” [70, tr.128]. Hẹn hò mãi mà vẫn không sao gặp được người yêu, thái độ lúc gần lúc xa của Oanh Oanh càng làm cho khát khao của Trương Thụy càng thêm mãnh liệt. Vì thế khi nhận được lời hẹn của người yêu thì cái thời gian thực tại luôn làm chàng trai khó chịu “Cái ông trời chết toi, hôm nay sao mà trời lâu tối thế? Ông gồm muôn vật, có làm gì một ngày mà chẳng rộng ra cho người ta? Mau mau tối đi ông ạ!” [70, tr. 174], “Ô! Bây giờ mới vừa trưa. Đợi lúc nữa! Hôm nay sao mà lâu tối thế không biết” [70, tr.174] …Có thể nói, trong vở kịch dấu ấn thời gian tâm lí, khắc sâu trạng thái đợi chờ, nôn nao của nhân vật đồng thời thể hiện rõ khát vọng yêu đương, khát vọng muốn chiếm hữu tình yêu của chàng trai Trương Thụy.

Trong vở kịch Shakuntala, đôi khi nhân vật cảm thấy thời gian qua đi tích tắc, anh chàng thị vệ cảm nhận rất rõ phút giây ngắn ngủi của đời người:

Chao ôi! ngoảnh lại nhìn thấy mình đã sống được một đoạn đường khá dài. Cả cây gậy này cùng trải qua bao năm tháng

Thuở ta còn xuân nó chẳng ý nghĩa gì Chỉ là tượng trưng cho nghề thị vệ

Nhưng bây giờ ta dùng nó để chống đi

Dắt dìu bước chân ta khập khễnh [23, tr. 149].

Có lúc, những phút giây, ảnh hình trong quá khứ trở về nhập nhoạng trong tâm thức Dushyanta “Madhavya ơi! Mọi hình ảnh cùng nàng xum họp lại hiện về rõ mồn một trong tâm trí ta lúc này!..” [23, tr.189].

Đôi khi thời gian quá khứ và thời gian hiện tại như nhập làm một trong tâm trạng nhớ nhung, vò xé của nhân vật. Khi tô vẽ lại bức tranh chốn vườn tu và người tình xinh đẹp của mình, Dushyanta rơi vào miền quá khứ đầy ắp yêu thương và chàng như sống thực với cái quá khứđó “Con ong láo xược! Ngươi hãy đuổi nó đi!” [23, tr.199]

Trong khi ta đắm say ngắm nghía tranh này

Sau khi vô tình phụ rẫy Shakuntala, Dushyanta ngồi thơ thẩn trong cung thì nghe tiếng hát của cung nữ. Bất chợt trong tiềm thức Dushyanta phản phất một miền quá khứ như thực như hư, nó như là ảo ảnh, rất thật nhưng cũng rất xa xăm, dẫu có cố tình nắm bắt nhưng vẫn không thể.

Phải chăng đó là kí ức mờ nhạt Của những việc đời từ dĩ vãng xa xăm Hay tình xưa nghĩa cũ nào ở thời tiền kiếp

Còn phảng phất trong tinh thần như chiếc bóng thoảng qua [23, tr.149].

Bên cạnh thời gian thực đang vận động gắn với những tình huống cụ thể mang lại sự sinh động trong cách thể hiện thì thời gian tâm lí cũng được Kalidasa sử dụng rất độc đáo, giúp cho việc thể hiện tâm lí và khắc họa cá tính nhân vật sâu sắc và phong phú hơn. Quả thực, sự thể hiện thời gian trong vở kịch của Kalidasa cho đến thời điểm này vẫn luôn mới mẻ và độc đáo, khó có tác phẩm nào sánh bằng.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong kịch Shakuntala của Kalidasa (Trang 59 - 64)