Yêu thương như cảm thức (Rasa) chủ đạo

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong kịch Shakuntala của Kalidasa (Trang 41 - 42)

Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG KỊCH SHAKUNTALA

2.2.2.4. Yêu thương như cảm thức (Rasa) chủ đạo

Có rất nhiều trạng thái tình cảm, cảm xúc mà vở kịch đem lại cho độc giả/ khán giả. Trong đó, cảm xúc Yêu thương hầu như có mặt trong tất cả các hồi.

Ở hồi I: Cảnh trong rừng, mở đầu là cuộc đi săn của nhà vua Dushyanta. Tâm trạng đầy phấn khích và sự oai phong của Dushyanta đã làm cho cuộc đi săn mỗi lúc trở nên quyết liệt hơn. Độc giả sẽ cảm thấy như nô nức trước khí thế Hào hùng ấy. Nhưng ngay lập tức, khí trận hào hùng nhường chỗ cho cảm giác Tịnh tĩnh khi nhà vua bước vào vườn tu, càng đi sâu vào trong theo bước chân của Dushyanta thì vườn tu hiện lên là một vườn mùa xuân của sự sống, tất cả nhưđang triển nở, mời gọi. Cảm giác Tình yêu chế ngự.

Sang hồi II, sự có mặt của anh hề Madhavya đem lại cảm xúc Hài hước cho người xem. Tình yêu như bóp nghẹt trái tim đa tình nhà vua Dushyanta, tất cả mọi lời nói, mọi suy nghĩ của Dushyanta đều bị chi phối bởi Tình yêu đang mỗi lúc một dâng cao trong lòng nhà vua. Sau đó, các tu sĩ đến xin sự giúp đỡ của Dushyanta, nhà vua đồng ý giúp các tu sĩ trừ yêu diệt quỷ, cảm thức Hào hùng trở lại.

Hồi II: Tràn ngập tình cảm tương tư của đôi trai gái, chàng thì núp sau bóng cây để có thể ngắm nhìn người yêu cho thỏa, nàng thì yêu đến mức ốm đau. Nằm trên đệm hoa, nàng viết thư tình trên lá sen, chàng mạnh dạn tiến đến tỏ bày. Cả hai tỏ rõ tình cảm của nhau, cảm xúc Ái tình tràn ngập. Ngay sau đó, ma quỷ xuất hiện theo lời của các tu sĩ, một cảm giác Khủng khiếp chế ngự, nhưng lập tức bị dập tắt vì Dushyanta đã vội vã đến giúp, thay vào đó là sự Thán phục.

Hồi IV, Shakuntala vô tình làm đạo sĩ Durvasa nổi giận, lời nguyền của đạo sĩ đã thốt ra, Shakuntala phải gánh lấy trách nhiệm của mình, khán giả sẽ cảm thấy Cảm thương cho nàng. Sau đó Shakuntala lên đường đi tìm chồng, cuộc chia tay vườn tu diễn ra trong bùi ngùi, xúc động. Cả rừng tu ngập trong cảm thức Yêu thương.

Hồi V, Shakuntala bị ruồng bỏ, mặc dù rất Giận dữ nhưng nàng vẫn cố tình nhắc lại những kỉ niệm đẹp của hai người, kỉ niệm về một cơn mưa rào, đôi trái gái vui đùa cùng hươu non đã dậy lên cảm xúc Ái tình ở nơi những tưởng nó có thể dễ dàng bị dập tắt. Shakuntala vẫn không được chấp nhận, khán giả thấy Cảm thương cho số phận của nàng.

Hồi VI, Dushyanta hồi tưởng về những thàng ngày say đắm đã qua. Tất cả như sống lại trước mắt chàng và Tình yêu như lửa được thắp lên khắp nơi trong vườn thượng uyển.

Hồi VII, khán giả cảm thấy vô cùng Thán phục Dushyanta vì đã giúp các thần diệt hết bọn quỷ khổng lồ. Bước vào vườn thiên giới, Dushyanta cảm nhận sự hòa hợp, thanh tịnh nơi này, muôn loài sống trong sự chan hòa, cảm thức Yêu thương chế ngự. Ngay sau đó chàng gặp lại vợ con, Tình yêu lại nảy mầm mới.

Bên cạnh các sự kiện liên quan đến việc khơi gợi cảm xúc cho người xem thì xuyên suốt vở kịch, qua lời các nhân vật, người xem có thể cảm nhận sự có mặt của một vị thần đó là thần Tình yêu. Trong thần thoại Ấn Độ, thần Kama (thần Tình yêu) trong hình dáng một chàng trai xinh đẹp có chiếc cung làm bằng mía và những mũi tên làm bằng hoa. Không ai có thể thoát khỏi mũi tên hoa của thần tình yêu. Vì thế có rất nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện xoay quanh mũi tên của thần Ái tình trong văn học Ấn Độ. Theo thống kê, trong vở kịch, hơn 12 lần nhân vật nhắc đến thần Tình yêu và khi thần Tình yêu thực hiện quyền năng, thôi thúc nhịp đập trái tim yêu của các nhân vật: “Thần yêu hỡi! Thần của mũi tên hoa”, “Hỡi thần Tình yêu, và từng mũi tên hoa của Thần yêu”, “Hỡi Thần yêu mang chiếc cung..”, “Bỗng Thần yêu trỗi dậy từ trong tim”…Sự xuất hiện đều đặn của thần Tình Yêu trong tất cả các hồi qua ngôn ngữ của nhân vật đã tô đậm cảm thức (Rasa) Ái tình trong vở kịch.

Dọc theo các hồi ta thấy vở kịch đã đem lại rất nhiều cảm xúc cho độc giả, khán giả. Từ cảm xúc Hài hước, đến cảm xúc Hào hùng, Thán phục, Giận dữ…Nhưng các cảm xúc ấy nhanh chóng nhường chỗ cho cảm xúc Yêu đương, cảm xúc Ái tình chế ngự. Ở bất cứ nơi đâu, dù là trong chốn tu hành diệt dục, không là tình yêu của con người thì tình yêu của vạn vật nảy nở khắp nơi, tất cảđều được thắt chặt trong sợi dây yêu thương, chìm đắm trong cảm thức thiêng liêng. Con người dù trong bất kì hoàn cảnh nào, hạnh phúc hay khổ đau, dù là khi người với người đối đầu nhau, trước sự bội phản, trước những tráo trở của lòng người thì Ái tình như màn sương huyền ảo thấm đẫm lên vạn vật, thanh lọc mọi ô trọc của cuộc đời, những trớ trêu của định mệnh, những đòn trả của số phận để trả con người trở về với giá trị đích thực của mình. Đây là một trong những đặc trưng nổi bật nhất của kịch cổđiển Ấn Độ, đồng thời thể hiện rõ đời sống tinh thần của người Ấn Độ.

Phan Thu Hiền nhận xét “Cảm thức chủđạo (Rasa) của vở kịch là cảm thức tình yêu. Từ đầu tới cuối, bao trùm sân khấu luôn là ánh sáng trong trẻo, êm dịu của tình yêu, một tình yêu khi nào cũng tươi tắn, rạng rỡ như bình minh lên. Cũng như bình minh, nó xua tan mọi bóng tối bủa vây, dù ngáng trở của đẳng cấp hay lễ giáo, dù những gian nan trắc trở trên đường đời, dù chính những hạn hẹp thường tình nơi trái tim con người. Vượt lên trên tất cả, yêu thương như một xúc cảm bản năng ban

đầu dần thăng hoa thành tình yêu trong ý nghĩa tinh thần trọn vẹn của nó” [55, tr.132].

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong kịch Shakuntala của Kalidasa (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)