Thần linh và tu sĩ

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong kịch Shakuntala của Kalidasa (Trang 25 - 29)

Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG KỊCH SHAKUNTALA

2.1.2.Thần linh và tu sĩ

B.L. Riptin khi nghiên cứu những nền văn học trung cổ của Phương Đông theo phương pháp loại hình đã nhận xét “Tôn giáo, với tư cách là một sức mạnh thống trị trong hệ tư tưởng thời trung cổđã có tác động rất lớn đến các sáng tác văn học” [60, tr.108].

Dựa vào bối cảnh thời đại mà Kalidasa đang sống, có thể khẳng định tư tưởng tôn giáo đã có những tác động rất mạnh đến các sáng tác của ông lúc bấy giờ. Bản thân các tác phẩm của ông cũng nói lên điều đó. Tuy nhiên, trong vở kịch Shakuntala, quan niệm vềđạo đức tôn giáo của Kalidasa có những điểm rất đặc biệt.

Câu chuyện “Shakuntala” trong sử thi Mahabharata, nhân vật thần linh và tu sĩ hầu như rất ít và chỉ có vai trò dẫn dắt cốt truyện. Nhân vật đạo sĩ chỉ có duy nhất đạo sĩ Kanwa và thần linh chỉ là tiếng

hát thiên thần từ trên trời vọng xuống và có vai trò ứng báo và chứng thực (khi Dushyanta một mực không tin Shakuntala nói đúng sự thật).

Ngược lại, trong vở kịch Shakuntala, Kalidasa đã xây dựng một hệ thống nhân vật thần linh và đạo sĩ khá đông đúc và có vai trò đặc biệt trong sự vận hành câu chuyện cũng như thể hiện chiều sâu văn hóa triết lý Ấn.

Trong đời sống tinh thần của người dân Ấn Độ, Thần linh luôn là thế giới tâm linh thiêng liêng nhất, là nơi hội tụ mọi quyền năng, uy lực và có thể vận hành mọi thứ trong vũ trụ theo ý muốn của mình.

Trong vở kịch, thần linh rất gần gũi và quan tâm nhiều đến đời sống của con người, xuất hiện trực tiếp hoặc gián tiếp và phần nhiều vào hồi cuối vở kịch.

Khi Shakuntala vào cung, vì bị lời nguyền mà Dushyanta không nhận ra nàng. Shakuntala đau đớn vì không biết nương tựa vào đâu, trong lúc hoàn toàn tuyệt vọng, nàng khóc xin mẹ Đất đón lấy nàng, ngay lập tức “Bỗng một ánh hào quang như hình tiên nữ hiện ra/ Từ trên trời gần suối tiên hạ

xuống/ Và mang nàng bay vút lên Thiên cung” [23, tr.172]. Sau khi lên thiên giới, nàng được nữ thần Aditi chăm sóc và dạy dỗ. Và khi Shakuntala sinh con thì hai mẹ con nàng sống một cuộc sống yên bình trong sự bao bọc che chở của các Thần. Đặc biệt, vợ chồng Thần Aditi và thần Kasyapa luôn quan tâm đến hạnh phúc của Shakuntala, họ luôn an ủi và khuyên giải khi nhân vật thật sự cần một chỗ nương tựa về tinh thần.

Vào đầu hồi VI, khi tiên nữ Xanumoti (bạn của tiên nữ Mekana) trông coi các tiên nữ tắm gội ở suối tiên đã tranh thủ cưỡi thiên xa bay xuống trần gian để xem tình hình Dushyanta. Mỗi động thái của Dushyanta đều được tiên nữ quan tâm, bởi lẽ càng nhìn thấy Dushyanta day dứt thì tiên nữ càng vui mừng vì tình cảm của Dushyatn dành cho Shakuntala vẫn còn nguyên vẹn. Ngay khi trong vườn nhài, Dushyatna đang vẽ lại hình bóng Shakuntala thì tiên nữ cũng “Ta tựa vào những cành nhài non này, đằng sau họ, để trông rõ bức chân dung của Shakuntala và về sẽ báo ngay cho nàng biết tình yêu nồng thắm của chồng nàng” [23, tr.189].

Sau khi Dushyata dẹp xong bọn quỷ khổng lồ, đem lại thanh bình cho Thiên giới thì thần Kasyapa và thần Aditi người sinh ra chúa tể của ba tầng thế giới đã ban cho chàng một đặc ân là được gặp lại vợ con. Họđã khéo sắp đặt cho sự gặp gỡ hoàn toàn bất ngờ, cũng chính các thần là người giải thích mọi ẩn khuất cho đôi vợ chồng. Nhờ vậy mà Dushyata đã thở phào nhẹ nhõm “Ôi! Tâm tư ta trút

được gánh nặng và giờ đây lương tâm ta không còn cắn rứt nữa” [23, tr.241], còn Shakuntala thì “Ôi vui sướng quá! Ta chẳng nhớ lời thần chú nào nguyền rủa ta nhưng rõ ràng là không phải chồng ta vô cớ ruồng bỏ ta…” [23, tr.241].

Sau những lời chúc phúc cho đôi vợ chồng, thần Kasyapa không quên nhắc nhở Dushyanta:

Thần của các thần hay chúa của Thiên không Sẽđời đời tưới những trận mưa dồi dào

Cho thần dân của con được mùa màng tươi tốt. Và con nhớ hãy dâng lễ vật cho đều

Để giữ mãi tình bạn cùng thần Sấm sét

Ấy đôi bên cùng tốt với nhau

Thì cả Thiên đình và hạ giới muôn ngàn lần thêm thịnh trị [23, tr.245].

Có thể nói thế giới thần linh và thế giới con người trong vở kịch không phải là khoảng cách xa vời mà khá gần gũi và thân mật. Các thần rất quan tâm đến niềm vui, nỗi đau khổ và hạnh phúc của con người, đặc biệt là nhắc nhở con người thực hiện tốt bổn phận trách nhiệm của mình.

Tu sĩ có vai trò hết sức quan trọng trong xã hội Ấn Độ. Người Ấn luôn có thái độ kính trọng các tu sĩ. Việc phục dịch, lòng thành kính và sự tận tụy đối với các tu sĩ được xem là tiêu chuẩn đánh giá con người có thực hiện tốt bổn phận của mình hay không, ngược lại, nếu có bất cứ sai phạm nào thì con người phải gánh chịu hậu quả. Vì thế mô típ nhân vật bị lời nguyền của đạo sĩ trong văn học Ấn Độ là khá phổ biến.

Trong lúc thẫn thờ thương nhớ Dushyanta, Shakuntala vô tình tiếp đón không chu đáo đạo sĩ Durvasa. Đạo sĩ Durvasa nổi giận nên đã để lại lời nguyền - nàng sẽ biến mất khỏi trí nhớ của vua Dushyanta và chỉ khi nào nhìn thấy kỉ vật thì trí nhớ Dushyanta mới được hồi phục.

Câu chuyện “Shakuntala” trong sử thi Mahabharata không có chi tiết nhân vật bị lời nguyền của đạo sĩ nhưng Kalidassa đã đưa chi tiết này vào trong vở kịch. Đó là cái thắt nút âu lo nhất mà người xem cảm nhận. Và cũng chính nhờ chi tiết này mà Kalidasa dễ dàng giải quyết rất nhiều vấn đề mà chúng tôi sẽđề cập trong các phần sau.

Trong vở kịch, các tu sĩ xuất hiện khá nhiều, họ không phải là những người thuyết giảng đạo cao đức trọng mà cũng như các loại nhân vật khác, châu tuần bên nhân vật chính, tô đậm cảm thức yêu thương và cảm thức anh hùng trong vở kịch. Ngay khi vừa mới bước vào vườn tu, các tu sĩ đã nhờ Dushyanta xua đuổi những loài quỷđang quấy nhiễu vườn tu.

Khi đưa Shakuntala lên kinh đô tìm vua Dushyanta, ba tu sĩ Gautami, Sarngarava, Saradwata là người đứng ra bảo vệ công lý và giành lại công bằng cho Shakuntala bằng những lời lẽ rất quyết liệt: “Cũng may những người hay thay lòng đổi dạ như thế không nhiều lắm. Chỉ có trong bọn tham quyền cố vị mà thôi” [23, tr.161], “Phàm những việc gì hấp tấp thiếu suy nghĩ thì thế nào về sau cũng hối hận, thật nên tránh” [23, tr.168], “Yêu nhau chẳng rõ lòng nhau/ Dễ sinh thù ghét là câu thường tình” [23, tr.168], “Hãy coi khinh những lời vô tư của ai/ Mà từ bé chưa hề biết thủđoạn/ Và tin những lời khuyên phản phúc của ai/ Đã quen nghề mướp đắng mạt cưa” [23, tr.168]…những lời nói của các tu sĩđậm chất dân gian hơn là những triết lý cao siêu của bậc tu sĩ. Có thể nói, khi xây dựng ngôn ngữ của các tu sĩ, Kalidasa chịu ảnh hưởng rất lớn ngôn ngữ của văn hóa dân gian.

Kanwa là hình tượng nhân vật đạo sĩ hết mực tuyệt vời. Ông là một vị hiền tu đạo cao đức trọng, một người cha tuyệt vời của Shakuntala. Kanwa thực sự là hình ảnh của chân lí và lòng thương.

Mang Shakuntala về khi nàng mới được sinh ra, đạo sĩ Kanwa đã nuôi nấng và chăm sóc Shakuntala hết mực chu đáo. Đoán chừng con gái có thể sẽ gặp chuyện không hay, đạo sĩđã lên đường đi cầu nguyện an lành cho nàng. Lúc trở về, Shakuntala đã kết hôn và sắp đến ngày khai hoa nở nhị, Kanwa thực sự vui mừng mà không một lời trách mắng.

Những lời dặn dò của đạo sĩ Kanwa trước khi con gái về nhà chồng hết mực chu đáo và sâu sắc. Ông nhắc nhở Shakuntala trong từng mối quan hệ.

Với chồng thì:

Và nếu chồng đối xử với con tàn nhẫn

Thì đừng bao giờ tàn nhẫn lại, phải nhịn nhục nén lòng

Đối với những con hầu kẻ dưới (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Con phải cư xử tốt, chăm chú đến mọi người [23, tr.140]. Với những người xung quanh:

Con hãy trọng những người trên kẻ cả

Dù có người khác cùng được vua yêu

Cũng đừng để ghen tuông cắn rứt [23, tr.140]. Và cả với bản thân Shakuntala:

Đối với mình đừng dễ dãi, chớ quá ham vui

Phải chặn máu tham khi đồng tiền quyến rũ [23, tr.140].

Lời dặn dò của đạo sĩ Kanwa thấm đẫm triết lí, văn hóa Ấn Độ, như nhận xét của tu sĩ Gautami “Sư phụđã thâu tóm được điều giáo huấn cho bất cứ ai có bổn phận làm vợ” [23, tr.141].

Kanwa cũng không quên nhắc nhở Shakuntala thực hiện mục tiêu cuối cùng của đời mình:

Khi con đã sống một cuộc đời hạnh phúc Khi con đã cùng với toàn nhân gian chia xẻ… Khi con đã nhìn thấy đứa con anh dũng của mình… Thì lúc đó, bụi trần vương vất nhiều đã chán

Con cùng chồng tìm nơi ẩn dật yên tĩnh chốn quê xưa Giữa những cảnh tu hưởng thú thanh bình

Cho đến lúc tinh thần hoàn toàn thoát tục [23, tr.144].

Lời giáo huấn nhẹ nhàng, bình dị nhưng đậm chất triết lí. Nếu ngẫm nghĩ kĩ từng lời nói của đạo sĩ Kanwa ta sẽ nhận ra những dự cảm sẽ xảy ra với Shakuntala. Ông nhìn thấy những khổđau, những gian nan trắc trở phía trước của Shakuntala. Vì vậy lời dạy dỗ của đạo sĩ như thâu tóm cả phần đời còn lại của nàng, những nơi nàng sẽ đi qua, những điều nàng sẽ gặp phải. Nhưng ông cũng nhìn thấy cái kết thúc viên mãn của đời nàng và lời khuyên cuối cùng ông dành cho con gái là không quên thực hiện mục tiêu cuối cùng của cuộc đời, tìm kiếm con đường giải thoát.

Có thể nói, nhân vật thần linh và tu sĩ trong Mahabharata là khá mờ nhạt nhưng khi đi vào trong kịch Shakuntala thì phong phú hơn rất nhiều và có tác động sâu sắc đến đời sống của nhân vật chính. Thần linh luôn xuất hiện khi con người gặp khó khăn, giảng giải điều hay lẽ phải và đạo sĩ thì luôn hướng con người thực hiện tốt bổn phận đạo lý của mình. Lời nguyền của đạo sĩ Durvasa không mang tính chất cá nhân mà thực chất đó là sự trừng phạt đồng thời là lời nhắc nhở con người thực hiện tốt bổn phận đạo lý. Thần linh và tu sĩ được xem là những người lý tưởng của đạo đức và tôn giáo.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong kịch Shakuntala của Kalidasa (Trang 25 - 29)