Xây dựng tính cách, tâm lý

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong kịch Shakuntala của Kalidasa (Trang 44 - 48)

Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG KỊCH SHAKUNTALA

2.3.2. Xây dựng tính cách, tâm lý

Với đặc trưng của loại hình kịch, thông qua lớp ngôn ngữ, đặc biệt là việc sử dụng thơ, nhân vật bộc lộ rõ tính cách, tâm lí của mình. Đồng thời, việc sử dụng hành động cũng là một trong những cách thể hiện rõ đặc điểm tâm lí, tính cách nhân vật. Trong vở kịch, mỗi nhân vật đều có một thế giới tinh thần riêng, không ai giống ai, nhưng hầu như bất cứ một trạng thái tâm lí nào của nhân vật cũng được Kalidasa khắc họa một cách sinh động và độc đáo.

Chúng ta dễ dàng nhận ra tính cách vừa dịu dàng đáng yêu lại vừa mạnh mẽ, quyết liệt trong tình yêu của Shakuntala.

Shakuntala cảm thấy yêu mến chàng trai ngay trong cái nhìn đầu tiên vì thế nàng tự dằn vặt với tình cảm mau chóng ấy, cái dằn vặt đáng yêu của người thiếu nữ lần đầu nghe trái tim rung động “Sao giáp mặt khách, mình lại cảm động xao xuyến đến thế, thực chẳng hợp với tấm lòng ngoan đạo” [23, tr.54]. Sau đó nàng tự trấn an “Đừng xao xuyến nữa hỡi lòng ta” [23, tr.55]. Tình yêu mỗi lúc càng thôi thúc hơn thì “Những cử chỉ của ta không còn tự chủ được nữa rồi”. Shakuntala e thẹn chạy theo các bạn nhưng lại vờ chân bị gai đâm để có thể liếc nhìn chàng trai lần nữa. Hành động ấy và hàng loạt những cảm xúc ban đầu đã thể hiện vẻ e ấp, dịu dàng, đáng yêu của Shakuntala. Nhưng khi bị mũi tên của thần Tình Yêu quấy phá thì nàng cũng sẵn sàng bộc lộ tình cảm của mình bằng cách viết thư tình trên lá sen.

Sự thể hiện tình yêu của Shakuntala hoàn toàn khác với sự thể thể hiện tình yêu của nàng Thôi Oanh Oanh (Tây sương Ký - Vương Thừa Phủ). Nếu như nàng Thôi Oanh Oanh luôn cố tình giấu giếm tình cảm thật của mình, thậm chí khi nàng đã chủ động hẹn người yêu nhưng lúc gặp gỡ lại đột nhiên thay đổi thái độ một cách khó hiểu “Trời ơi! Anh Trương, anh là hạng người thế nào mà tôi đương thắp nhang anh lại vô cớ lẻn vào đây? Anh muốn làm trò gì thì bảo?” [70, tr.184] thì nàng Shakuntala lại rất chân thực trong tình yêu, nàng sẵn sàng bày tỏ tình cảm trước đối phương khi tình cảm đã quá sâu đậm.

Biết rõ tình cảm của Dushyanta nhưng Shakuntala cũng khéo dò hỏi một cách hỏi rất mực phụ nữ “Quốc vương xa kinh đô đã lâu ngày, chắc đang nóng lòng trở về với các cung phi mĩ nữ, sao chị dám lưu quốc vương ở lại” [23, tr.106]. Yêu và yêu mãnh liệt nhưng Shakuntala không đến với tình yêu một cách vội vã mà nàng luôn đem khoảng cách của lễ giáo ra làm vật chắn đỡ giữa hai người “Xin chớ đụng vào người em. Em đâu dám làm điều gì sai trái để người em kính yêu trách mắng”, “Hỡi đấng anh hùng dòng dõi Puru! Xin đừng chà đạp lên lễ giáo” [23, tr.108].

Chỉ với vài chi tiết ấy, Kalidasa quả thực rất am tường tâm lí phụ nữ nhất là tâm lý của những người đang yêu. Những trạng thái, cảm xúc yêu đương của đôi trai gái luôn được Kalidasa thể hiện một cách đa diện. Điều này còn thể hiện rõ ở tâm lí của chàng trai si tình Dushyanta.

Vở kịch gồm có 7 hồi nhưng trừ hồi V Dushyanta vắng mặt, tất cả các hồi còn lại đều tràn ngập tình cảm yêu đương của nhà vua.

Trong vở kịch, Dushyanta trải qua hai lần tương tư, cả hai lần tình cảm của Dushyanta đều hết sức tha thiết và mãnh liệt.

Sau khi bị tiếng sét ái tình, Dushyanta thơ thẩn trong rừng tu, nhìn đâu cũng thấy bóng hình Shakuntala. Những nơi nàng đi qua đều trở nên đáng yêu vô cùng.

Đây nàng để lại trên đệm hoa Dấu in đẹp của chân tay yểu điệu

Đây lời nàng dịu dàng thổ lộ tình yêu

Nét móng tay còn ghi rõ trên màu sen lá [23, tr.112].

Tình yêu vụt đến như ngọn lửa nhanh chóng thiêu rụi mọi thứđối với Dushyanta. Chàng đã gạt bỏ trách nhiệm của bậc đế vương sang một bên khi có lệnh phải trở về cung và ở lại để làm một chàng trai si tình, tôn thờ Thần yêu hơn cả mạng sống:

Ta còn hoan nghênh cả cái chết Miễn là chính người đẹp mà ta yêu

Sẽ tuân lệnh ái tình làm người đao phủ [23, tr.93].

Dushyanta như đang sống trong vũ trụ tràn ngập tình yêu. Ở đâu chàng cũng tìm thấy hình ảnh của người yêu, chàng yêu cả dấu chân của Shakuntala in trên cát:

Đây dấu chân trên cát trắng thành hàng Dấu mới tinh là dấu của nàng

Nhìn khuôn nét rõ ràng là quen thuộc Kìa hành gót in sâu hơn đầu ngón Vì dáng nàng ong ả thiết tha [23, tr.95].

Cái nhìn tinh tế, sâu lắng, tràn ngập tình yêu đối với người tình, ngay cả những vết chân in trên cát cũng làm xao xuyến trái tim yêu của Dushyanta làm ta liên tưởng đến chàng trai Trương Thụy trong vở kịch Tây Sương Ký của Vương Thừa Thủ. Trong lần gặp gỡ đầu tiên, từ xa thấy thấp thoáng

bóng dáng một người thiếu nữ, Trương Thụy chạy đến gần thì Thôi Oanh Oanh đã đi vào nhà, chỉ còn lại vết hài vừa in, bấy nhiêu đó cũng làm say lòng lữ khách:

Cành hồng rải lối bước qua Bụi thơm ít vết hài hoa rành rành! Kể chi khóe mắt long lanh

Chân đi cũng đã hữu tình với ai! [70, tr.36]

Sau khi vô tình phụ rẫy Shakuntala, Dushyanta rơi vào trạng thái mê loạn bởi bao niềm thương yêu đã ngủ quên bỗng như được đánh thức. Tất cả mọi tình cảm dồn nén đều bị bật tung ra. Mặc dù Dushyanta đã cấm làm lễđón xuân “mùa vui tươi, yêu đương và ca hát” đang bừng nở khắp nơi trong vườn thường uyển. Thế nhưng, trước oai lực và nỗi buồn của Dushyanta, mọi thứ dường như hãm lại, không dám bung ra hết nhựa sống, không thể an nhiên khoe sắc.

Kìa hoa xoài đã nở từ lâu

Nhưng trên đầu nhị, phấn nhung còn chưa đậm

Trên cây mồng gà, hoa còn nấng ná, đang khép nép trong nụ tươi

Đông tàn rồi không còn sương giá lạnh Nhưng tu hú mà giọng hót nó vốn dồi dào Trong giọng vẫn dành hơi, chỉ hót nửa vời Cho đến Thần Yêu cũng ngập ngừng sợ hãi Tên rút nửa chừng lại cắm vào bao [23, tr.183].

Dushyanta nhìn vào đâu cũng thấy hình ảnh của người yêu, chàng cố nắm bắt, cố tìm kiếm hình ảnh đó “Bây giờ ta ngồi đâu để cho mắt ta được thú vị nhìn dây leo xuắn xuýt, nó gợi cho ta hình ảnh diễm kiều mà ta yêu mến” [23, tr.188]. Nỗi nhớ nhung dày vò trái tim, Dushyanta như một chàng trai miên man trong men say ái tình, cố vẽ lại hình dáng người yêu, chăm chút từng đường nét cho bức chân dung ấy:

Một bông hoa siri dịu dàng quấn dưới vành tai. Nhị hoa thơm nức vươn tới hôn má nàng

Và tựa lên ngực nàng là vòng hoa sen quàng cổ.

Màu tươi sáng dịu dàng như ánh trăng thu [23, tr.199].

Bức tranh tuyệt mĩđó đã làm cho Dushyanta rơi vào một khoảnh khắc mê say, không còn phân biệt thực hư. Con ong lượn lờ trước mặt người yêu trong bức tranh cũng làm cho Dushyanta ghen tức:

Mi không nghe lời ta à? Nghe ta bảo đây

Môi người đẹp của ta dịu dàng như hoa đang nở

Nhụy thắm yêu đương dành cho ta hưởng những ngày vui Nếu mi không nghe ta, cứ chạm tới môi nàng

Trong văn học Ấn Độ, chưa có tác phẩm nào lột tả những ngọn nguồn sâu kín trong trái tim yêu của nhân vật tả một cách tinh vi đến như thế. Một trái tim yêu vừa sâu sắc vừa mãnh liệt mà cho đến bây giờ, trong thế kỷ XXI, sự thể hiện ấy vẫn mới mẻ, độc đáo, khó có tác phẩm nào sánh bằng.

Kalidasa quả là bậc thầy mô tả tính cách tâm lí nhân vật. Ông rất am tường tâm lí của người phụ nữ, thể hiện sinh động những cung bậc tình cảm của lứa đôi. Ở bất cứ trạng thái nào, tâm lí, cá tính nhân vật đều được thể hiện một cách ấn tượng và sâu sắc.

Thế giới nhân vật trong kịch Shakuntala khá phong phú, từ nhân vật chính là cô gái Shakuntala với vẻđẹp, đức hạnh tuyệt vời và nhà vua Dushyanta mang đầy đủ phẩm chất theo tiêu chuẩn của kịch cổ điển Ấn Độ, cho đến nhân vật thần linh, tu sĩ, anh hề và cả nhân vật đẳng cấp thấp…Tất cả đều được Kalidasa thể hiện rất ấn tượng và sinh động. Với tài năng tuyệt vời cộng với trái tim nhân đạo cao cả, Kalidasa xây dựng thế giới nhân vật từ một điểm nhìn khá nhất quán, đó là cái nhìn cả thế giới trên cơ sở của tình yêu thương, đó là sự gắn kết bền chặt nhất. Cái nhìn về con người, về cuộc đời khá thâm trầm của Kalidasa còn được thể hiện qua những hình tượng không gian, thời gian rất đặc biệt trong vở kịch.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong kịch Shakuntala của Kalidasa (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)