Bi kịch về tình thương

Một phần của tài liệu Những biện pháp phát huy năng lực cảm thụ văn học của học sinh trong dạy học truyện ngắn của Nam Cao (Trang 78 - 80)

C. Căn dặn học sinh:

b.Bi kịch về tình thương

GV đặt câu hỏi: Em hãy cho biết Hộ có quan niệm như thế nào về tình thương? Nếu học sinh trả lời chưa đầy đủ, GV có thể gợi dẫn thêm: Hộ đã có những suy nghĩ gì về tình thương? Từ suy nghĩ đó, Hộ đã hành động như thế nào trước cảnh ngộ đáng thương của Từ và trước hoàn cảnh túng thiếu của gia đình?

- Hộ không tán thành triết lí sống “phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ. Anh cho rằng con người không thể bỏ lòng thương, nếu không muốn làm quái vật. “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”.

- Từ suy nghĩ đúng đắn về tình thương, Hộ đã dang tay cứu vớt một con người đau khổ. Anh đã cứu Từ, nhận làm cha của con Từ khi cô bị tình nhân phụ bạc, sau lo ma chay chu đáo khi mẹ Từ qua đời. Việc làm đó thể hiện lòng nhân ái, lòng dũng cảm của Độ.

Từ khi có gia đình, phải gánh vác trách nhiệm nặng nề, Hộ đứng trước bao nhiêu thử thách: muốn tiếp tục khát vọng, mộng mơ với sự nghiệp thì phải vứt bỏ gia đình, nghĩa là vứt bỏ tình thương; muốn giữ vững tình thương và trách nhiệm gia đình thì phải tạm gác lại sự nghiệp. Có lúc Hộ đã quyết định: “Ta đành phí một vài năm để kiếm tiền, khi Từ đã có một cái vốn để làm ăn…”. Nghĩa là anh không thể bỏ tình thương. Anh cố dung hoà mâu thuẫn sự nghiệp của riêng mình và trách nhiệm chung đối với mọi người.

GV đặt câu hỏi nêu vấn đề: Tại sao là một nhà văn mang lí tưởng thấm đẫm chất nhân đạo, lại quan niệm đúng đắn về tình thương như Hộ lại bị rơi vào bi kịch của tình thương?

GV cho học sinh thảo luận, sau đó học sinh đại diện trình bày ý kiến. GV bổ sung để làm rõ nguyên nhân sau:

Đôi lúc khát khao được trở thành nhà văn chân chính cháy bỏng trong lòng, đôi lúc vì một chút bốc đồng của tuổi trẻ, pha lẫn chút ghen tuông nghề nghiệp khiến Hộ quên đi trách nhiệm và những dự định tốt đẹp, Hộ đã chà đạp lên quan niệm, lên lí tưởng tình thương, lòng bao dung nhân ái mà anh từng đề cao, thờ phụng. Anh uống rượu say rồi về quát mắng, đánh đập và thậm chí đuổi mẹ con Từ đi. Nhưng chỉ qua một đêm, sáng hôm sau tỉnh rượu, anh đã nhận ra sai lầm của mình. Nhìn vợ con, anh hối hận, anh khóc và anh tự sỉ vả vào mình.

GV cho HS so sánh bi kịch của Hộ và của Điền trong Trăng sángđể thấy được sự lựa chọn của Hộ khó khăn như thế nào, từ đó các em có sự cảm thông sâu sắc hơn với nỗi đau của nhân vật.

GV đặt câu hỏi: Qua những bi kịch của Hộ, em hiểu gì về cuộc sống của giới văn nghệ sỹ nói chung và của Nam Cao nói riêng trước Cách mạng tháng Tám?

Định hướng trả lời:

- Hình tượng nhân vật Hộ mang ý nghĩa điển hình, phản ánh tình trạng đau khổ, ngột ngạt, lúng túng, gần như bế tắc của nhiều nhà văn- trí thức Việt Nam những năm trước Cách mạng. Họ phải đối mặt với cuộc sống tối tăm và bị xô đẩy vào biết bao bi kịch. Họ phải cố vươn lên, tự phê phán, tự dằn vặt, sám hối để giữ vững lẽ sống và bản chất nhân đạo của nhà văn chân chính.

- Viết về những cuộc đấu tranh nội tâm dữ dằn, khốc liệt, đẫm nước mắt của nhân vật Hộ, dường như Nam Cao cũng tự mổ xẻ, tự khám phá và biểu hiện chính cuộc sống, tâm hồn mình một cách trung thực, chân thành.

Một phần của tài liệu Những biện pháp phát huy năng lực cảm thụ văn học của học sinh trong dạy học truyện ngắn của Nam Cao (Trang 78 - 80)