cảm xúc tư duy, không trở thành đối tượng quan tâm của HS. Chính vì lẽ đó, yếu tố người đọc cần được quan tâm đúng mức. Quan điểm dạy học tiến bộ đã khẳng định vai trò chủ thể và đề cao PP dạy học phát huy vai trò chủ thể của HS. Đây là một quan điểm khoa học phù hợp với qui luật cảm thụ, với tâm lí nhận thức của bản thân HS, nhằm hướng các em tích cực và hứng thú tham gia vào quá trình dạy học văn. Bày tỏ quan điểm về yếu tố chủ thể HS, GS Phan Trọng Luận đã khẳng định: “Không thể tạo được một hiệu quả đào tạo tốt đẹp ngoài sự vận động tâm lí của bản thân. Học sinh càng tích cực tham gia và tham gia một cách tự giác, có ý thức vào quá trình dạy học bao nhiêu thì kết quả của việc giảng dạy văn học càng vững chắc và sâu sắc bấy nhiêu” [38, tr.232-233].
Như vậy, chức năng, vị trí của tác phẩm và chủ thể HS đã làm nổi bật mối liên hệ của hai yếu tố này trong quá trình dạy học văn. Đây cũng là mối liên hệ chủ yếu quyết định đến việc hình thành PP dạy học phát huy năng lực cảm thụ của HS. Tuy nhiên chúng ta cần thấy rõ vai trò không thể thiếu của GV trong việc hướng dẫn, tổ chức, biến tác phẩm thành đối tượng hứng thú của HS và trả các em về với vai trò của một chủ thể tiếp nhận sáng tạo. Bởi thế, có thể thấy trong quá trình dạy học mới, vai trò của GV càng quan trọng hơn, nặng nề hơn và phải có sự sáng tạo nhiều hơn so với PP truyền thụ trước đây. GV một mặt phải nắm rõ tác phẩm, một mặt phải nắm rõ tâm lý, năng lực tiếp nhận của HS và phải có tài năng khéo léo trong việc tổ chức, định hướng cho các em tự làm việc với tác phẩm và cảm thụ tốt tác phẩm.
Nhận thức đúng đắn về mối quan hệ tương tác ba chiều trong dạy học văn, GV cần tìm kiếm một PP dạy học thoát khỏi con đường truyền thụ, áp đặt, hướng mục tiêu giáo dục đào tạo vào sự phát triển toàn diện nhân cách của từng chủ thể HS.
1.2.3. Đặc điểm tâm lí của học sinh THPT trong dạy học tác phẩm văn chương chương
Trong dạy học văn, HS là nhân vật hoạt động tích cực. Trình độ nhận thức và đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các em là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cảm thụ, tiếp nhận tác phẩm văn học. Trước đây, trong PP giảng dạy văn học, có một thời kì người ta không quan tâm đến đặc điểm này ở HS mà chỉ quan tâm đến nội
dung kiến thức cần truyền đạt. Sau khi xác định lại vai trò chủ thể của người học, nhiều nhà khoa học, nhà lí luận và các nhà giáo đã quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn. Từ đó các ngành giáo dục học, xã hội học, tâm lí học… hướng vào nghiên cứu tâm lý HS trong quá trình dạy học. Những công trình điều tra về năng lực nhận thức cùng hứng thú học tập của HS là chỗ dựa đáng tin cậy để các nhà sư phạm có cơ sở soạn thảo, điều chỉnh nội dung chương trình, SGK về PP dạy học cho phù hợp với trình độ của các em.
So với HS tiểu học và THCS, sự phát triển về khả năng văn học của HS THPT hình thành theo một qui luật khác. Lứa tuổi này đã có sự phát triển về thể lực, về trí tuệ cũng như trình độ nhận thức. Bên cạnh đó, lứa tuổi HS THPT cũng đã bắt đầu hình thành thế giới quan và xác lập được tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật. Trong giờ học văn, các em tỏ ra có nhiều đòi hỏi ở GV hơn, có khả năng đánh giá GV chính xác hơn so với HS ở lớp dưới. Các em có thể yêu thích và coi trọng nghệ thuật, đồng thời hứng thú nghệ thuật cũng trở nên khá sâu sắc và ổn định. Các em có nhu cầu đọc sách, tự mình cảm nhận, đánh giá và có khả năng đánh giá sâu sắc vấn đề trong tác phẩm. Các em cố gắng xây dựng quan điểm riêng trong lĩnh vực khoa học, đối với các vấn đề xã hội, tư tưởng chính trị, đạo đức. Trước đây, do chưa nhận thức đúng đắn về điều này nên GV mắc phải một sai lầm cơ bản là chỉ coi HS như một khách thể, một đối tượng tiếp thụ kiến thức của GV. Trong trường hợp như vậy, việc học văn theo PP cũ đã một phần kìm hãm sự phát triển văn học của HS. Từ vai trò chủ thể, các em trở thành thụ động, lệ thuộc hoàn toàn vào GV. Đây có thể là nguyên nhân sâu xa của tình trạng HS không hứng thú, thậm chí chán ghét giờ học văn.
Khác với HS tiểu học và THCS, HS lứa tuổi THPT đã nhận thức được mối quan hệ giữa bạn đọc và tác phẩm là mối quan hệ thẩm mỹ. Chính vì thế các em không đồng nhất cuộc sống trong tác phẩm với cuộc sống ngoài thực tiễn, đồng thời không xem tác phẩm là cái cớ để biểu hiện những tư tưởng và tình cảm. Trong khi đọc sách, các em ý thức được rằng: “Các hình tượng đang vận động trong trường nhìn là những hình tượng của cuộc sống, và hiểu rằng đó không phải là bản thân của cuộc sống mà chỉ là sự phản ánh nghệ thuật của nó mà thôi” [49, tr.57]. Điều đó cho thấy HS đã nắm bắt được nghệ thuật trên cơ sở của tư duy khái quát, và bộc lộ thái độ
khách quan, toàn diện trong đánh giá, lĩnh hội tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này, tính chủ định cũng đươc phát triển mạnh mẽ ở tất cả các quá trình nhận thức. L.I. Bojovich thừa nhận: “Khác với thiếu niên, là lứa tuổi trong một chừng mực đáng kể, vẫn hướng về việc tự nhận thức bản thân mình, cảm xúc của mình, khác với em học sinh nhỏ hoàn toàn bị cuốn hút vào thế giới bên ngoài, học sinh các lớp lớn trong nhà trường lại cố gắng tìm hiểu cái thế giới bên ngoài ấy nhằm tìm thấy chỗ đứng của mình trong đó, và cũng để có một chỗ dựa mà xác lập quan điểm và niềm tin của mình” [53, tr.75]. Ngoài ra, qua cách phân tích đánh giá của HS, có thể nói các em có sự trưởng thành về nhận thức lí tính. “Các em có khả năng tư duy lí luận, tư duy trừu tượng một cách độc lập, sáng tạo trong những đối tượng quen biết đã được học hoặc chưa được học ở trường. Tư duy của các em chặt chẽ hơn, có căn cứ và nhất quán hơn. Đồng thời tính phê phán của tư duy cũng phát triển” [22, tr.72].
Cùng với sự phát triển về trình độ nhận thức là sự hình thành tâm lí tự ý thức của HS. Tâm lí tự ý thức là một đặc điểm nổi bật trong sự phát triển của lứa tuổi HS THPT được xuất phát trên cơ sở của những mối quan hệ giữa người với người, giữa trí tuệ và tình cảm, giữa vị trí đảm nhận với trách nhiệm được giao. Quá trình phát triển tâm lí tự ý thức của HS diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi, làm cho thanh niên có nhu cầu tự khám phá những đặc điểm tâm lí và lí giải nó theo quan điểm riêng, theo mục đích sống và hoài bão của mình. Ngoài việc nhận thức về vị trí của bản thân trong xã hội, HS còn biết tự đánh giá nhân cách nói chung trong toàn bộ những thuộc tính nhân cách. Và việc biết nhìn nhận, đánh giá theo quan điểm riêng chính là một biểu hiện của khả năng cảm thụ, sáng tạo của các em trong lĩnh vực tiếp nhận văn học.
Một khi đã nhận thức rõ tâm lí của HS, ta thấy việc tạo hứng thú cho các em trong giờ văn là một yêu cầu hết sức cần thiết. Con người HS mà chúng ta đào tạo là con người mới, con người sáng tạo, con người có phẩm chất. Và những phẩm chất này chỉ có thể đạt được thông qua con đường chuyển biến và chuyển hóa tự thân của chủ thể HS dưới tác động của nhà trường, gia đình và xã hội. Không có một sự hình thành nhân cách nào đi ngoài sự vận động có ý thức của bản thân chủ thể. Nếu chính bản thân HS chưa có sự chuyển biến về tư tưởng tình cảm thì ta không thể đào tạo HS đó thành những người có sự phát triển về năng lực văn học thật sự. Vì vậy, phát huy
năng lực chủ thể HS trong giờ văn cũng chính là huy động một cách có cơ sở khoa học những năng lực chủ quan của các em, để các em thật sự hứng thú và chủ động tham gia vào quá trình tiếp nhận tác phẩm. Có như vậy giờ dạy học văn mới đạt hiệu quả như mong muốn.
Chương 2