TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT 2.1 Một số nét đặc trưng trong truyện ngắn của Nam Cao
2.3.4. Biện pháp gợi mở
Gợi mở là BP “Dẫn dắt học sinh từng bước tham gia phát hiện, phân tích và đánh giá từng bộ phận của tác phẩm bằng hệ thống câu hỏi dựa vào những vấn đề then chốt về nội dung và nghệ thuật. Gợi mở hỗ trợ cho phương pháp đọc sáng tạo và cũng phù hợp với biện pháp nêu vấn đề và phát triển tư duy cho học sinh, giúp các em mở rộng, đào sâu hoạt động nhận thức, thật sự động não để phân tích, bình giá các hiện tượng khoa học” [35, 94]. Trong đà cải tiến PP dạy học hiện nay, nhiều người đều nhất trí rằng biện pháp này có nhiều ưu thế đáp ứng yêu cầu phát triển tư duy của HS. Bằng con đường đàm thoại, gợi mở, GV sẽ tạo cho lớp học một không khí tự do suy nghĩ, tự do phát biểu trực tiếp ý kiến và bộc lộ khả năng cảm thụ của mình. Chính vì thế BP này giúp ta cải thiện được thói quen diễn giảng, tạo điều kiện cho hoạt động song phương giữa thầy và trò để từng bước đi vào tác phẩm.
Khi giảng truyện “Chí Phèo”, nếu GV dùng một hệ thống câu hỏi lôgíc, có khả năng gợi vấn đề, gợi cảm xúc sẽ giúp HS thấy rõ quá trình bi thảm của kiếp người nông dân nghèo khổ, bị đẩy vào con đường lưu manh tội lỗi và phải kết thúc cuộc đời
mình bằng cách tự sát. Qua đó, các em sẽ thấy được ý nghĩa tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến và bọn cường hào địa chủ nông thôn lúc bấy giờ. Trong hệ thống câu hỏi ấy cần có sự dẫn dắt khéo léo để tập trung làm nổi bật quá trình tha hóa và sự phát triển tâm lý của nhân vật Chí Phèo. Bởi vì bản chất lúc đầu của Chí là một nông dân lương thiện, nhưng kết thúc phải tự sát vì không được làm một người lương thiện. Chẳng hạn: Bản chất của Chí Phèo là một con người như thế nào? Nguyên nhân nào Chí Phèo bị đẩy vào con đường lưu manh tội lỗi không lối thoát? Động cơ nào đã thức tỉnh Chí Phèo? Vì sao Chí Phèo phải giết Bá Kiến và tự sát?... Quá trình này cần sự gợi mở, định hướng của GV để HS dần dần tìm ra nguyên nhân, khám phá ra cái qui luật khắc nghiệt của xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
Đối với tác phẩm “Đời thừa” cũng vậy, hệ thống câu hỏi tập trung vào đặc sắc nội dung và nghệ thuật. Từng câu hỏi nhằm làm cho HS nắm chắc bài văn, thấu hiểu tiếng nói của nhà văn. Cụ thể, ở từng nội dung nên có những câu hỏi dẫn dắt HS tìm tòi để thấy rõ Hộ là một nhà văn có những ước mơ, hoài bão chân chính nhưng lại rơi vào những bi kịch tinh thần đau đớn, mà nguyên nhân sâu xa của những bi kịch này chính là xã hội trì trệ, lạc hậu, không đảm bảo được đời sống vật chất của nhà văn, không nuôi dưỡng và tạo điều kiện để chắp cánh cho ước mơ, cho lí tưởng của họ. Bên cạnh đó, GV sẽ định hướng cho HS chủ yếu đi sâu vào diễn biến nội tâm bộc lộ qua những xung đột, giằng xé trong lòng nhân vật. Hệ thống câu hỏi gợi mở đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, khơi gợi cảm xúc sẽ làm cho không khí giờ học mang tính chất trao đổi thân mật, tâm tình, giúp HS tự do bộc lộ những nhận thức trực tiếp của mình, từ đó dễ cảm thông hơn với số phận của nhân vật. Ví dụ: Hộ có những suy nghĩ, những quan niệm như thế nào về tình thương? Những suy nghĩ, những quan niệm đó được biểu hiện cụ thể bằng những hành động nào? Tại sao là một nhà văn mang lí tưởng thấm đẫm chất nhân đạo, lại quan niệm đúng đắn về tình thương như Hộ lại bị rơi vào bi kịch của tình thương?...
Khác với hai tác phẩm trên, khi sáng tác “Đôi mắt”, Nam Cao không đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật mà chủ yếu tập trung miêu tả ngoại hình và ngôn ngữ đối thoại để làm toát lên tính cách của nhân vật. Vì thế, khi dẫn dắt HS tìm hiểu tác phẩm
này, GV có thể để các em từng bước khám phá ra hàng loạt chi tiết có liên quan đến nhân vật, từ đó nêu những nhận xét trực tiếp về đối tượng. Cụ thể: Bằng những chi tiết miêu tả ngoại hình của nhân vật Hoàng, Nam Cao giúp ta đánh giá gì về nhân vật này? Em có nhận xét gì về cách sống của nhân vật Hoàng? Ngôn ngữ và giọng điệu giao tiếp của Hoàng cho em đánh giá gì về quan điểm, về cách nhìn của nhân vật này đối với kháng chiến và những người trực tiếp tham gia kháng chiến?... Tiếp theo, để làm nổi bật quan điểm nghệ thuật của Nam Cao, ta cần có những câu hỏi giúp HS chỉ ra được những nét đối lập trong quan điểm, cách nhìn của Hoàng và Độ:
Em hãy cho biết cách sống, cách nhìn của Độ có gì khác với Hoàng? Xây dựng những nhân vật này, Nam Cao nhằm phản ứng, ký thác những suy nghĩ gì? Qua đó, các em sẽ hiểu rõ lí do vì sao Tô Hoài coi tác phẩm này là tuyên ngôn nghệ thuật của một thế hệ nhà văn cùng lứa với Nam Cao trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Biện pháp gợi mở như vậy có khả năng phát triển óc tư duy, phê phán của HS, giúp các em tự rèn luyện các kỹ năng phân tích, đánh giá tác phẩm văn học. Tuy nhiên, câu hỏi yêu cầu phải được chuẩn bị thật kỹ càng, phù hợp với tâm lí, đặc điểm của từng đối tượng HS và phù hợp với chương trình, nội dung, đặc điểm của tác phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống câu hỏi cần phong phú và đa dạng, hình thức câu hỏi cũng phải thay đổi phù hợp theo kiểu diễn dịch hoặc qui nạp để giúp HS dễ khái quát, dễ hệ thống ý nghĩa nhiều tầng bậc của tác phẩm. Ngoài ra, phải có sự kết hợp nhịp nhàng, cân đối với các loại câu hỏi tổng hợp, câu hỏi nêu vấn đề, câu hỏi sáng tạo tình huống, buộc HS vận dụng các loại kiến thức đa dạng để phát huy năng lực độc lập làm việc, óc tìm tòi suy nghĩ và thói quen giao tiếp xã hội.