Ảnh hưởng của Phật giáo trong quan niệm đạo đức và nhân cách của người Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay pdf (Trang 79)

giáo, Lão giáo đều đang còn ảnh hưởng đến các phương diện của đời sống trong đó có cách thức giao tiếp ứng xử của con người với đồng loại, với tự nhiên và với cả bản thân mình. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong số 400 người được hỏi, có tới 91% cho rằng, Phật giúp ích trong giao tiếp tỉnh cảm với gia đình; 81% trả lời Phật giúp ích trong giao tiếp với đồng đạo; 72,2% trả lời Phật giúp ích trong giao tiếp với người không đồng đạo và 91,8% khẳng định Phật giúp ích trong giao tiếp với cộng đồng.

Từ đó có thể thấy, mặc dù môi trường sống cũng như các mối quan hệ của con người đã có nhiều biến đổi khá căn bản, nhưng những tư tưởng Phật giáo, những giá trị truyền thống dân tộc được Phật giáo dung dưỡng và bồi đắp hàng ngàn năm qua vẫn hiện hữu trong lối sống người Việt Nam hiện nay.

2.5. Ảnh hưởng của Phật giáo trong quan niệm đạo đức và nhân cách của người Việt Nam Việt Nam

Đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, một định chế xã hội thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội không trừ lĩnh vực nào.

Nhân cách là khái niệm dùng để chỉ những tính cách tốt, tính thiện, đẹp, mang “khuôn mặt” người, "tính người" - mang phẩm chất người. Ngược lại, những tính xấu, bất thiện, không đẹp thì bị coi là không có nhân cách.

Đạo đức và nhân cách là hai phạm trù thuộc về ý thức, tư tưởng có mối liên hệ hữu cơ với nhau vì đạo đức là những quan điểm, quan niệm, chuẩn mực nhằm điều chỉnh hành vi của con người để hình thành những tính cách tốt đẹp, trở thành người có nhân cách.

Tôn giáo và đạo đức đều là những hình thái của ý thức xã hội do đó nó có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Giáo lý của các tôn giáo khác nhau đều hướng đến những giá trị đạo đức lý tưởng thánh thiện, nhân đạo, đấu tranh chống cái ác, bạo lực... Ngoài việc khuyên răn con người, những tín điều mang màu sắc tôn giáo, nó cũng đề cập đến các vấn đề như hạnh phúc, lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm của con người, những phạm trù đó rất gần với các phạm trù của đạo đức xã hội của đời sống trần tục.

Phật giáo được xem là một hệ thống triết học đạo đức, được mệnh danh là lý thuyết đạo đức chân chính, vì nó chủ trương giáo hoá con người trên 3 điều Chính: Giới, Định, Tuệ. Nói chung, Phật giáo chú trọng đến sự tiết hạnh của con người, và có cả một hệ thống tư tưởng đạo đức coi trọng tu dưỡng đạo đức cá nhân trên tất cả mọi phương diện từ hành vi, lời nói, nghề nghiệp đến cả suy nghĩ…

Phật giáo bắt nguồn từ phương Đông, mà phương Đông và phương Tây khác nhau về đối tượng, về phương pháp nhận thức của con người về vũ trụ. phương Tây thiên về duy niệm, duy lý, tức là dùng khái niệm để suy tư, nhận thức về khách thể, đề cao tri thức khách quan, chân lý, mục đích của sự nhận thức, tìm hiểu thế giới bên ngoài là để cải tạo nó, bắt nó phục vụ nhu cầu của con người. Còn phương Đông thiên về duy cảm, chủ yếu dùng Tâm để suy niệm, nhận thức vũ trụ cũng chỉ là để con người biết cách hoà mình, hoà hợp với vũ trụ. Do vậy, tư duy Phật giáo cũng là hướng nội, tức là nghiên cứu thế giới nội tâm bên trong con người. Theo triết thuyết Phật giáo, con người là tiểu thiên vũ trụ, hiểu được con người là hiểu được vũ trụ, nắm được cái của người thì cũng hiểu được cái của trời đất. Mà muốn nắm được cái Lý của người và của trời thì phải có trí tuệ - Phật học gọi là Bát Nhã. Nhưng để đi đến cái đó, mỗi người phải tự khai mở tâm mình, mà bước đầu tiên là phải có sự biến đổi về đạo đức theo hướng thiện. Điều này hoàn toàn phù hợp với người Việt vì người Việt cũng đề cao tâm tính, đạo đức, luân lý hơn là kiến thức, tri thức như: “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, hoặc “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”…

Triết lý Tứ vô lượng tâm (Từ - Bi - Hỷ - Xả) của Phật giáo đã bắt gặp và củng cố thêm đức hiếu hòa, khoan dung, độ lượng, nhân từ của người Việt, nên không quá khi khẳng định rằng, dưới các triều đại Lý, Trần (tôn sùng đạo Phật), chính sách cai trị có phần khoan dung hơn các triều đại Lê, Nguyễn sau này (sùng Nho), coi trọng khoan thư sức dân, không đầy ải, giết hại công thần, không tàn sát những con dân khác tín ngưỡng...

Phật giáo là một tôn giáo hướng đến những giá trị tinh thần, tâm linh chứ không phải là thể xác và vật chất. Theo đức Phật, thể xác, vật chất chỉ có ý nghĩa khi nó được tinh thần hoá, hướng đến sự siêu thoát. Với cách nhìn như vậy về thế giới đem lại cho người Việt quan niệm đạo đức coi trọng chữ Tâm, chữ Tính, chữ Tình hơn của cải, tiền bạc, danh vọng, ghét thói khoe khoang trọc phú.

Ngoài đạo lý tứ vô lượng tâm, văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt còn tương thích với một đạo lý khác của Phật giáo đó là đạo lý Tứ Ân, trong đó ân cha mẹ được đặt lên hàng đầu. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan niệm đạo đức của người Việt lấy Hiếu, Nghĩa làm đầu. Đạo Tứ ân của Phật giáo cổ vũ cho sự hiếu kính, vâng lời, phụng dưỡng, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Phật giáo quan niệm: Đạo làm con, tội lớn nhất là tội bất hiếu.

Với đường hướng này, người Việt cảm nhận thấy Phật giáo rất gần với truyền thống uống nước nhớ nguồn của mình. Trong quan niệm của người Việt, gia đình, cha mẹ là cái nôi của tình thương yêu và hạnh phúc, là tổ ấm nâng đỡ con người trong cuộc sống, là cái mà vì nó con người ta phấn đấu…Cho nên, người Việt trong đời sống trần tục, trong sinh hoạt tâm linh, tinh thần đều dễ dàng chấp nhận và tiếp thu giáo lý về Tứ ân của Phật giáo.

Cho đến tận ngày nay, tuy văn hoá “mở” theo hướng Tây học, thời thế và hoàn cảnh có thay đổi, cách ứng xử giữa những thành viên trong gia đình không còn nguyên nếp như xưa. Mối quan hệ giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái dần trở nên bình đẳng, nhưng dư luận xã hội Việt Nam hiện đại vẫn lên án những hành vi hỗn hào, bạc đãi cha mẹ, ông bà.

Thuyết Tứ diệu đế của Phật giáo nhìn cuộc đời là một bể khổ không bờ bến, thế giới quan, nhân sinh quan ấy của Phật giáo đã hình thành nên quan niệm đạo đức bác ái, vị tha, sẻ chia, không tranh nhân chấp ngã bởi cuộc đời đã quá nhiều khổ đau, đã chất chồng bể khổ…

Phật giáo xem Vô minh là nguồn gốc của mọi khổ đau, vì con người do không nhận thức được chính cái tôi của mình, đi đến chỗ dễ lầm tưởng, ngộ nhận rằng cái gì cũng thường tồn, cái gì cũng do Ta, cái gì cũng là của ta. Và để có được mọi cái, thoả mãn lòng tham, sân, si, con người phải cố hành động để chiếm đoạt, gây nên nghiệp chướng, mắc vào vòng bể khổ, theo đuổi cái ảo ảnh triền miên. Con đường để giải thoát khỏi nỗi khổ đó là phải phá bỏ được sự mê muội, vô minh, đạt tới sự sáng tỏ bản thân mình.

Quan niệm nói trên của nhà Phật đã góp phần không nhỏ xây dựng quan điểm đạo đức không vị kỷ và xiết chặt lối sống chính hạnh của người trần tục. Xét về mặt ý nghĩa, nó phù hợp với tâm lý hướng thiện của người Việt. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường, triết lý đó của Phật giáo giúp làm dịu đi sự nghiệt ngã của việc tìm kiếm lợi nhuận, sự cạnh tranh lạnh lùng, chủ nghĩa cá nhân và sự ghẻ lạnh của con người. Đặc biệt, giáo lý tính Không, Vô Ngã có thể giúp mọi người thoát khỏi sự trói buộc bởi sự đam mê một cách thái quá tiền bạc, của cải vật chất và dục vọng, bởi cuộc đời là phù hoa, giả tưởng, sống gửi thác về. Giáo lý tính Không, Vô Ngã của Phật giáo cũng là “đối trọng” kìm hãm, cân bằng lại “lòng tham”

“lợi ích” vốn là động lực phát triển tự nhiên của xã hội.

Như vậy, xét về một phương diện nào đó, những lý tưởng đạo đức của Phật giáo là có ý nghĩa tích cực, đặc biệt, trong thời đại ngày nay, khi mà con người quá chú trọng đến khoa học, công nghệ và dường như bỏ quên, xem nhẹ việc trau dồi luân lý và đạo đức.

Xuyên suốt trong giáo lý của Phật giáo là những giá trị đạo đức và thực hành đạo hạnh của con người, góp phần làm cho con người ta trở nên đức hạnh hơn, xã hội nhân văn, nhân bản hơn. Và vì Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm, tồn tại và đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2000 năm, do đó, những giáo lý đạo đức của nó có tác động lớn lao, sâu sắc tới sự hình thành và phát triển nhân cách sống, của người Việt. Những dấu ấn mà Phật giáo đã để lại trong đời sống đạo đức của người Việt hiện vẫn còn được bảo lưu như một nếp sống, một thói quen giao tiếp cộng đồng cho đến tận ngày hôm nay, mặc dù xã hội đã có nhiều thay đổi.

Thuyết Nhân quả, Nghiệp báo của Phật đã hình thành một nhân sinh quan tin vào một chủ thể thánh thần có khả năng nhìn thấu nhân gian, Trời - Phật có mắt, gieo nhân xấu ắt gặt quả xấu, gieo nhân tốt gặt quả tốt. Người Việt Nam rất tin tưởng vào triết lý nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật. Vì vậy, người dân Việt thường “làm lành, tránh dữ”, ăn ở phúc đức để mong kiếp này, đời này được hưởng phúc lộc, đồng thời con cháu họ sau này được nương nhờ ân huệ phúc đức của cha mẹ, tổ tiên mà cũng được sung sướng. Như vậy, người Việt coi trọng và tin tưởng vào đạo đức hơn là tài năng, trí tuệ. Từ đó, họ có ý thức xây dựng nhân cách ngay chính, lương tâm trong sạch, ngăn chặn những sự ác tâm.

Chủ trương sống an bần lạc đạo đúng ra là chịu ảnh hưởng chính từ Nho giáo. Theo Khổng Tử, bậc quân tử chỉ làm việc nghĩa, kẻ tiểu nhân mới toan tính điều lợi (Quân tử vi

nghĩa, tiểu nhân vi lợi). Nếp sống thanh bần vốn là thái độ sống của các Nho sĩ xưa, rồi lan dần sang cả dân chúng. Và nếp sống ấy càng được củng cố khi bắt gặp tinh thần Hư không

(không màng công danh, phú quý, rũ hết trần duyên, tranh nhân, chấp ngã, thị phi) của Phật giáo.

Sự tác động của Phật giáo đến sự hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện nay khá rõ nét và có mặt tích cực nhất định. Nhìn chung, những bài học luân lý, đạo đức của Phật giáo đã được dân tộc ta tiếp thu vì nó phù hợp và tương thích với tâm ý dân tộc. Tuy nhiên, đạo đức tôn giáo nói chung cũng như đạo đức Phật giáo nói riêng, đều mang tính nhân đạo cao siêu và một thái độ chấp nhận chứ không phải là cải tạo hoàn cảnh. Điều đó phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới lối sống của người Việt, làm cho con người có thái độ yếm thế trước thời cuộc.

Phật giáo nhìn cuộc đời là một bể khổ không bờ bến, con đường để giải thoát khỏi nỗi khổ đó là phải phá bỏ được sự mê muội, vô minh, đạt tới sự sáng tỏ bản thân mình. Thế giới quan, nhân sinh quan đó của Phật giáo đã ảnh hưởng đến cách nhìn cuộc đời của người Việt, người Việt coi cuộc đời là phù hoa, thoảng qua, “Sống ngày nay dễ biết ngày mai, khoảng đường sinh tử nào hay tỏ tường”, sinh ký tử quy…Cuộc đời bị nhìn dưới nhãn quan như vậy dẫn đến hình thành tính cách coi nhẹ mạng sống, không cố gắng dấn thân, ít nghĩ tới việc phải làm những gì to tát, lâu bền, dễ chán nản, chùn bước khi gặp phải khó khăn, không biết đua chen, hổ thẹn với đời, cứ sống buông trôi cho qua ngày đoạn tháng. Và rồi, tin tưởng rằng “có đức không sức mà ăn”.

Nhân sinh quan, thế giới quan Phật giáo chi phối khiến người Việt nhiều khi gặp trắc trở thường hay nghĩ đến số phận, nghiệp chướng, nhân quả. Quan niệm định mệnh, số phận ấy khiến con người ta hình thành tính cách bị động, thậm chí“nhắm mắt đưa chân” trong hành động.

Nhìn một cách tổng quát, những giáo lý của Phật giáo như Luân hồi, Nhân quả, Tứ đế, Vô thường, Vô ngã, Nghiệp… đã góp phần hình thành nên nhân cách của con người Việt Nam trong lịch sử, và cho đến tận ngày nay, khi xã hội đã có nhiều thay đổi, những tính cách đó vẫn được bảo lưu như một nếp sống, một thói quen giao tiếp, ứng xử cộng đồng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay pdf (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)