Khái quát tình hình Phật giáo Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay pdf (Trang 35)

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Phật giáo vẫn đồng hành cùng dân tộc. Sau năm 1975, hoà cùng niềm vui chung với nhân dân được sống trong một đất nước thống nhất, các tăng, ni, phật tử Phật giáo các tông, phái,…đã tự nguyện, tự giác đoàn kết lại trong một tổ chức giáo hội duy nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kế thừa truyền thống yêu nước, gắn bó với nhân dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển.

Tổ chức của Giáo hội thuận theo Hiến chương được soạn thảo và thông qua năm 1981 và sửa đổi một số lần sau đó. Theo đó, tổ chức Giáo hội chia thành cấp Trung ương, cấp tỉnh, thành và cấp quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh. Tại cấp Trung ương, lãnh đạo của Giáo hội gồm hai Hội đồng: Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự, với nhiệm kỳ 5 năm. Hội đồng chứng minh được suy tôn của Đại hội, gồm một số Hòa thượng, đứng đầu là Pháp chủ, dưới là các Phó Pháp chủ và các thành viên khác. Pháp chủ là người đại diện cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mặt giới luật (đạo pháp). Thành viên của Hội đồng trị sự là các Hòa thượng, Đại đức, Ni trưởng, Cư sĩ. Đứng đầu Hội đồng trị sự là Chủ tịch, tiếp đó là các Phó chủ tịch, các trưởng ban. Chủ tịch hội đồng trị sự là người thay mặt Giáo hội về mặt pháp lý nhà nước trong mối quan hệ của giáo hội ở trong nước và ở nước ngoài. Cấp tỉnh, thành phố: mỗi tỉnh, thành phố có tỉnh, thành hội Phật giáo, lãnh đạo bởi Ban trị sự tỉnh, thành

hội, đứng đầu là Trưởng Ban trị sự. Tại cấp quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, lãnh đạo bởi Ban đại diện Phật giáo, đứng đấu là Chánh Ban đại diện.

Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có khoảng 10 triệu tín đồ, phân bố rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước. Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện có 44.498 vị tăng, ni, trong đó Bắc tông có 32.625 vị; Nam tông có 8.919 vị (8.574 vị thuộc Nam tông Khmer và 345 vị thuộc Nam tông Kinh); Khất sĩ có 2.954 tăng, ni. Cả nước có 14.775 tự viện, trong đó tự viện Bắc tông có 13.665 ngôi, tự viện Nam tông có 570 ngôi và tự viện của Khất sĩ có 540 ngôi.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tu đạo của đông đảo tăng ni, phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều kỳ an cư kiết hạ và giới đàn. Trong 05 năm, từ 2002-2007, đã có khoảng 150 ngàn tăng ni thực hiện an cư kiết hạ và có hơn 13 ngàn giới tử thụ giới.

Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam có hệ thống các cơ sở đào tạo lớn và khá chặt chẽ. Cấp Trung ương có 04 Học viện Phật giáo đặt tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, đào tạo cử nhân Phật học; liên kết với các trường đại học đào tạo cử nhân triết học và tôn giáo học. Học viện Phật giáo tại thành phồ Cần Thơ được thành lập tháng 12/2006 chuyên đào tạo tăng sinh Phật giáo Nam tông Khmer. Bên cạnh đó, Giáo hội cũng tổ chức một số lớp cao đẳng Phật học và đang xúc tiến thành lập các trường cao đẳng Phật học.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn có 28 trường Trung cấp Phật học, trong đó phía Bắc có 06 trường; phía Nam có 22 trường. Từ năm 2002 đến năm 2007, hệ thống các trường Trung cấp Phật học đã đào tạo được gần 6000 tăng, ni, sinh, trong đó có 3.339 tăng, ni sinh đã tốt nghiệp. Các trường Trung cấp Phật học còn đào tạo chương trình Phật học cơ bản (sơ cấp Phật học) cho hàng vạn tăng, ni sinh mới xuất gia.

Trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm văn hóa. Tại Trung ương Giáo hội, mỗi năm xuất bản từ 20 đến 25 đầu kinh sách; các tỉnh, thành hội Phật giáo xuất bản trên 2 triệu quyển. Giáo hội có Tạp chí Văn hóa Phật giáo, đã xuất bản được 47 số, tổng cộng có 470 ngàn cuốn; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội có Tạp chí Khuông Việt; Phân viện nghiên cứu Phật học tại Hà Nội có Tạp chí Nghiên cứu Phật học, xuất bản 2 tháng một số; Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh có Tuần báo Giác ngộ và Nguyệt san Giác ngộ với số lượng xuất bản hàng triệu bản; một số tỉnh hội Phật giáo cũng xuất bản Nội san, như Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế có Nội

san Liễu Quán, Tỉnh hội Ninh Thuận có Nội san Hòa Từ, Tỉnh hội Đắc Lắc có Nội san Vô ưu,…Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành hội còn mở trang tin điện tử để tuyên truyền tư tưởng và văn hóa Phật giáo.

Bên cạnh các hoạt động Phật sự, tổ chức giáo hội Phật giáo rất chú trọng công tác từ thiện, cứu trợ nhân đạo. Trong 05 năm qua, Giáo hội Phật giáo đã tổ chức quyên góp được 400 tỷ đồng để làm công tác từ thiện, hỗ trợ 22.028 ca mổ đục thuỷ tinh thể, 200 căn nhà tình nghĩa, 1876 căn nhà tình thương, 422 căn nhà đại đoàn kết, 30 lớp học tình thương, 3 trường mẫu giáo, ủng hộ và nuôi dưỡng trên 100 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng hàng ngàn xe lăn cho người khuyết tật, trợ cấp hàng ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo. Bên cạnh đó, đã xây dựng 126 tuệ tĩnh đuờng và 115 phòng thuốc chuẩn trị y học dân tộc, hoạt động khá hiệu quả.

Về tình hình tín đồ Phật giáo, đại đa số tăng, ni, Phật tử thực hành đạo theo tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha của đạo Phật, thực hiện tốt các chính sách và pháp luật của Nhà nước, làm tròn bổn phận công dân, thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Tuy nhiên, sinh hoạt Phật giáo cũng có những phức tạp mà bản thân Giáo hội cũng hết sức lo lắng. Một số tăng, ni chưa tuân thủ Hiến chương của Giáo hội, xa rời phẩm hạnh tu hành, sinh hoạt chưa đúng với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Chẳng hạn, một số tăng, ni khất thực phi pháp, sử dụng giấy tờ giả, lợi dụng Phật giáo để trục lợi cho bản thân. Một số tăng, ni lợi dụng Phật giáo, cấu kết với các thế lực thù địch với chế độ ta nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vào các dịp lễ, tết, quang cảnh nhiều chùa rất xô bồ, do phần đông phật tử ít am hiểu giáo lý, đến chùa chỉ nhằm cầu lộc, cầu tài. Cùng với sự gia tăng số lượng người dân đến lễ chùa, các hoạt động mê tín, dị đoan cũng gia tăng.

Tóm lại, có thể nói, hoạt động của Giáo hội và sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, phật tử Việt Nam những năm gần đây hết sức rầm rộ. Nhìn chung, các hoạt động Phật giáo đều tuân thủ pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục của truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng vi phạm pháp luật của một số chức sắc, tín đồ, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và hoạt động tín ngưỡng chân chính của đồng bào phật tử.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay pdf (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)