Đặc điểm Phật giáo Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay pdf (Trang 27)

Trên bước đường truyền bá và hội nhập, Phật giáo luôn cố gắng thực hiện hai điều đó là khế lý và khế cơ. Khế lý là nói về mặt tư tưởng, nhờ nó mà dù ở thời gian và không gian nào, giáo lý Phật giáo vẫn giữ được nét đặc sắc của mình và “chỉ có một vị đó là vị giải thoát”. Khế cơ là thích ứng với hoàn cảnh lịch sử, nhờ khế cơ nên dù trong hoàn cảnh và quốc độ nào thì sự sinh hoạt, thể hiện, truyền đạt cũng luôn đa dạng. Nói một cách khác, có thể tuỳ nghi phương tiện theo từng vùng miền để truyền bá giáo lý Phật đà nhưng không làm mất đi bản sắc của Phật giáo.

Khi Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam đã được các vị thiền sư người Việt bản địa hóa, khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc, tạo nên một sắc thái đặc biệt của riêng Việt Nam. Phật giáo đã sinh tồn cùng dân tộc, tiếp biến những giá trị của nền văn hóa Việt Nam, nên nó có một số đặc điểm riêng, không giống với Phật giáo ở Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác.

Bàn về đặc điểm Phật giáo, trong giới học giả hiện còn có những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung các nhà nghiên cứu có sự thống nhất cao về những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm, đặc điểm cơ bản của Phật giáo Việt Nam là tính tổng hợp, tính linh hoạt và xu hướng hài hòa âm dương có phần thiên về nữ tính. Ông diễn giải tính tổng hợp của Phật giáo là sự kết hợp giữa các tông phái của Phật giáo cũng như sự hòa đồng với các tôn giáo khác. Còn tính linh hoạt được thể hiện ở chỗ: Phật giáo Việt Nam kết hợp chặt chẽ việc đạo với việc đời. Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh thì cho rằng, Phật giáo Việt Nam có mấy đặc điểm nổi bật: Một là, nơi gặp gỡ của hai dòng Nam truyền và Bắc truyền của Phật giáo Ấn Độ truyền ra nước ngoài; hai là, giáo - thiền hợp nhất, thiền - tịnh song tu; ba là, Phật giáo lưu truyền trong dân gian mang tính dân tộc. Trong tác phẩm “Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Tài Thư cũng có ý kiến như trên [80].

Xem xét Phật giáo trong mối tương quan quan các tôn giáo khác ở Việt Nam, cũng như với Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước khác, có thể rút ra một số đặc điểm nổi bật sau đây.

Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam có sự kết hợp giữa các tông phái vốn đã tồn tại từ trước khi du nhập vào Việt Nam. Phật giáo truyền vào Việt Nam gồm cả hai dòng Nam tông và Bắc tông (thường được gọi là Tiểu thừa và Đại thừa).

Ở các quốc gia láng giềng của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực châu Á như Thái Lan, Lào, Cam puchia, Mianma, Trung Quốc…thường chỉ có mặt nổi trội của một trong hai hệ phái hoặc Tiểu thừa hoặc Đại thừa. Ở Lào, Thái Lan, Camphuchia là sự thịnh hành của Phật giáo Tiểu thừa. Với đất nước Campuchia, ban đầu khi Phật giáo mới du nhập vào là Phật giáo Đại thừa, nhưng khi Phật giáo Tiểu thừa được du nhập vào thì Phật giáo Đại thừa dần bị lụi tàn nhường chỗ cho sự thịnh hành của Phật giáo Tiểu thừa. Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Nhật Bản lại chủ yếu là Phật giáo Đại thừa. Ở Việt Nam, theo nhiều nhà nghiên cứu thì Phật giáo Đại thừa được truyền vào trước ở khu vực phía Bắc, sau đó, Phật giáo Tiểu thừa qua con đường Campuchia cũng được truyền vào phía Nam Việt Nam và ăn sâu bén rễ trong cộng đồng người Khơ me. Nhưng khác với Campuchia, Phật giáo Tiểu thừa vào Việt Nam nhưng nó không làm lụi tàn Phật giáo Đại thừa. Cả hai hệ phái này cùng song song tồn tại và phát triển trên đất nước Việt Nam cho đến ngày nay.

Hiện nay, Hệ phái Tiểu thừa tập trung chủ yếu trong khu vực đồng bào Khơ me ở miền Tây Nam bộ và trong một số ít người Kinh ở Nam Bộ. Hệ phái Phật giáo Đại thừa tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc, trong cộng đồng người Kinh và một số ít trong đồng bào các dân tộc thiểu số khác. Ba tông phái chính Đại thừa được truyền vào Việt Nam là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.

Thiền tông là tông phái do vị sư tổ người Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma sáng lập ra vào đầu thế kỷ VI ở Trung Quốc. “Thiền” có nghĩa là tập trung tâm trí cao độ để tìm ra chân lý. Tôn chỉ của Thiền tông được Bồ Đề Đạt Ma khái quát là: Bất lập văn tự/Giáo ngoại biệt truyền/Trực chỉ nhân tâm/Kiến tính thành Phật (nghĩa là: Không bày đặt chữ nghĩa/ Trong truyền, ngoài giáo điển/Chỉ thẳng vào tâm người/ Thấy được tính mà thành Phật). Như vậy, Thiền tông thừa nhận có thực tại siêu việt ẩn dấu sau giáo điển. Giáo điển chỉ là cái bè qua

sông, chỉ là ngón tay chỉ mặt trang mà thôi. Tu thiền là làm cho tâm lặng, lọc bỏ hết tham - sân - si sẽ thấy được Phật tính và do vậy sẽ thành Phật.

Người tu theo Thiền tông phải là người có năng lực trí tuệ và phải tập trung cao độ toàn bộ thời gian và tâm sức cho việc tu hành. Do đó Thiền tông chủ yếu lưu truyền trong giới thượng lưu và tầng lớp trí thức, còn những người phải vật lộn với miếng cơm manh áo rất khó tu theo tông tông phái này. Ở Việt Nam xuất hiện một số dòng thiền như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường…Đặc biệt, Ở Viết Nam đã xuất hiện một dòng Thiền riêng, đó là dòng Trúc Lâm. Nhìn chung, các dòng Thiền ở Việt Nam giao quyện với nhau và đều đề cao cái tâm, cho rằng, “Phật tại Tâm, Tâm tức là Phật”.

Nếu Thiền tông đề cao việc “tự giác giác tha”, tự mình tìm kiếm, giác ngộ chân lý thì Tịnh Độ tông lại chủ trương phải dựa vào sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bên ngoài để chứng ngộ chân lý. Tịnh Độ tông quan niệm, một số người có thể tự lực giác ngộ, nhưng với đa số người khác thì sự giúp đỡ bên ngoài là vô cùng quan trọng. Như vậy, Thiền tông hay Tịnh Độ tông đều là những biện pháp tu hành, chỉ đối tượng áp dụng là khác nhau mà thôi. Nếu chỉ có Thiền tông, Phật giáo chỉ có thể được biết đến trong giới tu hành và một số phật tử thuộc tầng lớp trên của xã hội. Nhờ có Tịnh Độ tông, với quan niệm và cách thức tu hành đơn giản, Phật giáo đã trở nên phổ biến và gần gũi với mọi người dân.

Mật tông (Chân ngôn tông) là tông phái sử dụng những phép tu huyền bí như linh phù, mật chú, ấn quyết,..để đạt được sự giác ngộ và giải thoát. Khi du nhập vào nước ta, Mật tông nhanh chóng hoà quyện với tín ngưỡng dân gian bản địa như dùng pháp thuật, yểm bùa để trừ tà ma, chữa bênh,.. nên không còn tồn tại như một tông phái riêng.

Khi được truyền bá vào nước ta, các tông phái trên không còn tồn tại biệt lập, riêng rẽ và thuần khiết như ban đầu nữa mà chúng có sự kết hợp với nhau, sử dụng những phương pháp của nhau trong quá trình phát triển. Mặc dù Thiền tông chủ trương bất lập văn tự nhưng các thiền sư Việt Nam để lại rất nhiều trước tác nổi tiếng. Phật giáo Việt Nam coi trọng cả hai con đường giải thoát là “tự lực” và “tha lực”, người Việt Nam một mặt quan niệm “Phật tại tâm”, mặt khác vẫn nhiệt thành thực hành các lễ nghi cầu khấn chư phật mười phương phù hộ để thoát khổ và được sống một cuộc sống an lạc. Sự kết hợp giữa các tông phái thể hiện ngay trong “tăng bảo”: Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức có nhiều hệ phái khác nhau,

bao gồm cả đại thừa lẫn tiểu thừa, cả các tông phải nguyên thuỷ và cả các tông phái hình thành về sau.

Thứ hai, Phật giáo Việt Nam có sự dung hợp với các tôn giáo khác, đặc biệt sự dung

hợp giữa Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đã đến mức “tam giáo đồng nguyên”.

Một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa truyền thống Việt Nam là tính dung hợp. Các yếu tố văn hoá ngoại lai khi du nhập vào Việt Nam đã có sự dung hợp từ rất sớm, đặc biệt là giữa Phật giáo và Đạo giáo. Từ thời Bắc thuộc, Phật giáo đại diện cho một nền văn hóa lớn đối trọng với văn hóa Trung Hoa đã được người dân Việt Nam đón nhận. Đạo giáo mặc dù đến từ Trung Hoa, nhưng không phải là tư tưởng đại diện cho tập đoàn thống trị, nội dung lại có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng dân gian bản địa nên cũng dễ dàng được người Việt Nam chấp nhận. Cả Phật giáo và Đạo giáo được tiếp biến bởi văn hoá Việt Nam và đã nhanh chóng hòa quyện với nhau. Muộn hơn sau đó, quan hệ giữa Phật giáo với Nho giáo cũng hình thành và trở nên khăng khít. Nhìn từ bề ngoài thì quan hệ giữa Phật giáo với Nho giáo xuất phát từ nhu cầu học kinh phật của các nhà sư. Do ảnh hưởng của Phật giáo từ Trung Hoa nên muốn học kinh Phật trước tiên phải biết chữ Hán và người ta chỉ có thể học chữ Hán thông qua các kinh sách Nho giáo. Vì vậy, các nhà sư thường cũng kinh thông cả Nho học.

Tuy nhiên, về thực chất, quan hệ này bắt nguồn từ chủ thể sử dụng cả Nho giáo và Phật giáo. Việt Nam thường được coi là nơi mọi hệ tư tưởng có thể trú chân và phát triển. Nhưng người Việt không hề dễ dãi trong việc tiếp thu văn hóa ngoại lai, trái lại còn rất thận trọng, nhất là đối với những giá trị văn hoá đến từ đất nước của những kẻ xâm lăng. Nho giáo phải mất khoảng mười lăm thế kỷ và cũng chỉ khi nền độc lập dân tộc được củng cố vững chắc thì mới trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội. Phật giáo vốn du nhập bằng con đường hoà bình, lại vốn gần gũi hơn, nhưng để trở thành hệ tư tưởng chủ đạo cũng phải mất gần mười thế kỷ. Đặc biệt, khi tồn tại trong một nền văn hoá giàu bản sắc, chịu tác động bởi tinh thần khoan dung, cởi mở của dân tộc Việt Nam, các tôn giáo đã phải biến đổi để thích nghi theo hướng hòa hợp.

Đầu tiên, Phật giáo được tín ngưỡng cổ truyền tiếp nhận, rồi tín ngưỡng cổ truyền tiếp nhận Đạo giáo và tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo, hình thành nên cục diện “Tam giáo đồng nguyên”. Người Việt cho rằng, “Tam giáo đồng quy”, thoạt nhìn tam giáo có vẻ khác nhau,

nhưng khi đi sâu tìm hiểu thì chúng đều có chung một mục đích đó là khuyến thiện. Sự dung hòa tam giáo ở Việt Nam diễn ra hết sức tự nhiên và thể hiện sinh động trong tình cảm, hành động của người dân. Với tư duy tổng hợp, người Việt Nam cho rằng tam giáo có khác nhau về phương tiện, cách thức nhưng có chung nguồn gốc, có chung mục đích và nhất là có thể bổ trợ cho nhau: Nho giáo lo tổ chức xã hội sao cho quy củ, ngăn nắp; Đạo giáo lo cho thể xác con người sao cho khoẻ mạnh, thư thái và trường thọ; còn Phật giáo lo giải thoát tâm linh khỏi ràng buộc vật chất để kiếp sau được sung sướng. Người dân Việt Nam cần đến cả tam giáo và sử dụng từng tôn tôn giáo vào những mục đích và hoàn cảnh cụ thể một cách linh hoạt. Trong nhiều thế kỷ người dân Việt Nam quan niệm, trong cuộc đời, trẻ thì theo học Nho để ra giúp nước giúp dân, khi khổ ải trầm luân thì cầu trời, khấn Phật phù hộ độ trì, khi ốm đau già yếu thì cần mời đạo sĩ đến để trừ tà ma trị bệnh. Hình ảnh “Tam giáo tổ sư” với Thích Ca Mâu Ni ở giữa, Lão tử ở bên trái, Khổng tử ở bên phải đã in sâu vào tâm thức mọi người Việt Nam.

Người Việt đã không chỉ dung hợp văn hóa, tôn giáo ngoại lai với nhau mà còn dung hợp chúng với văn hóa và tín ngưỡng bản địa. Người dân đã tiếp biến Phật giáo và Đạo giáo, rồi kết hợp với tín ngưỡng phổ biến của cư dân nông nghiệp là đạo thờ Mẫu để hình thành nên một thứ “Tam giáo bình dân”, trong đó Nho giáo được thay thế bằng đạo Thánh Mẫu. Hầu hết các ngôi chùa cổ Việt Nam đều thờ cả Phật và mẫu hoặc thần. Kiến trúc chùa thường theo mô típ “Tiền Phật hậu Mẫu” hoặc “Tiền Phật hậu Thần”, và trong thực tế nhiều nơi, gian thờ mẫu còn lấn át cả không gian thờ Phật. Sự kết hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa của người Việt đã tạo ra dòng Phật giáo dân gian, với truyền thuyết về Phật mẫu Man nương và những tích chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, hay truyện thơ về công chúa Ba…cùng những quan niệm độc đáo mang đậm bản sắc Việt Nam.

Phật giáo còn được kết hợp với tín ngưỡng tổ tiên của người Việt mà điển hình nhất là sự xuất hiện của Phật giáo Hoà Hảo. Phật giáo Hòa Hảo hay còn gọi là đạo Hòa Hảo ra đời vào năm 1939 ở An Giang. Thực chất Phật giáo Hoà Hảo là tiếp nối của một tông phái Phật giáo có từ gần một trăm năm trước ở đồng bằng Nam Bộ có tên là Bửu Sơn Kỳ Hương. Giáo lý Phật giáo Hoà Hảo là sự kết hợp của Tịnh Độ tông với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tôn chỉ của nó là “Học Phật, Tu Nhân”, noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết “Tứ ân” – Ân cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo và ân nhân

loại. Cách thức tu hành của Phật giáo Hoà Hảo rất đơn giản là “tu hành tại gia”. Các nghi lễ gần gũi với nghi lễ thờ cúng tổ tiên.

Thứ ba, sự hòa quyện giữa Phật giáo với văn hóa, tín ngưỡng bản địa của người Việt

đã làm nảy sinh dòng Phật giáo dân gian hết sức độc đáo.

Phật giáo là tôn giáo linh hoạt, có tính thích ứng cao. Ở Việt Nam, dòng Phật giáo dân gian đã có lịch sử khoảng 20 thế kỷ, bởi ngay từ khi được truyền bá vào nước ta, Phật giáo đã có sự tiếp biến với tín ngưỡng cổ truyền của người Việt. Ngay từ buổi đầu du nhập, Phật giáo nhanh chóng bị bản địa hóa và trở thành chỗ dựa tinh thần để người Việt chống lại sự xâm lăng và đồng hóa về văn hóa của các thế lực ngoại bang. Dòng Phật giáo dân gian là sản phẩm của sự kết hợp giữa Phật giáo với phong tục, tập quán và tâm thức của người Việt. Người Việt đã gửi gắm vào đó quan niệm, ước vọng và các giá trị văn hóa của mình. Do đó, quan niệm về Đức Phật trong dòng Phật giáo dân gian cũng có nét đặc thù so với Phật giáo nguyên thuỷ. Trong dòng Phật giáo dân gian, các hiện tượng tự nhiên vốn có được người Việt cổ thần thánh hóa từ trước đó như mây, mưa, sấm chớp, được Phật hóa trở thành Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Tín ngưỡng Phật điện hình thành ở trung tâm Luy Lâu đã truyền đi các địa phương khác và trở thành một trong những chỗ dựa về mặt tâm linh của cả dân tộc Việt Nam qua nhiều thời đại và còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong lịch sử, các lễ hội rước Phật để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt không chỉ phổ biến ở các địa phương mà ngay cả triều đình cũng đứng ra tổ chức các nghi lễ này. Hiện nay, ngày Phật đản vẫn được tổ chức gắn liền với lễ nghi nông nghiệp tại chùa Dâu (Bắc Ninh).

Dòng Phật giáo dân gian còn độc đáo ở xu hướng hài hòa âm dương có phần thiên về nữ tính. Các vị Phật Ấn Độ xuất thân vốn là nam giới, khi vào Việt Nam đã bị biến thành

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay pdf (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)